Nhận định về kỷ lục tăng trưởng GDP năm 2017

TS. Lê Xuân Sang, ThS. Trần Thị Kim Chi - Viện Kinh tế Việt Nam

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam đã vượt mục tiêu tăng trưởng GDP và ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Các động lực tăng trưởng trong năm 2017 gồm cả yếu tố mới cũng như sự “trỗi dậy” của nhiều yếu tố cũ nhưng nhìn chung xuất phát từ cả phía cung và cầu. Bài viết đánh giá những thành tựu kinh tế năm 2017, phân tích những thành tựu trên theo các lát cắt khác nhau và đề xuất các giải pháp cho năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn biến tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2017

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 tăng khoảng 6,81% so với năm 2016, trong đó, mức tăng trưởng tăng dần theo quý: Quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46% và quý IV tăng 7,65%.

Mức tăng trưởng năm 2017 vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,7% và cao hơn mức tăng trung bình và từng năm trong giai đoạn 2011-2016. Tính theo giá hiện hành, quy mô GDP đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Điểm đáng chú ý là trong quý I/2017, mức tăng trưởng GDP tương đối thấp, chỉ đạt 5,15% nhưng đến quý II tăng trưởng đạt 6,28%, cao hơn mức 5,78% cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ 2 động lực là dịch vụ và nông nghiệp. 

Bước sang quý III, tăng trưởng kinh tế có sự bứt phá mạnh, với mức tăng là 7,46%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so cùng kỳ các năm trước (quý III/2015 là 6,87%; quý III/2016 là 6,56%). Nhân tố quan trọng tác động đến tăng trưởng vượt bậc của quý III/2017 là do sự đóng góp của ngành dịch vụ, với mức tăng trưởng đạt 7,25% trong 3 quý đầu năm. Khu vực nông - lâm - thủy sản cũng có sự tăng trưởng rõ rệt so với năm 2016, đạt 2,78%. Đà tăng mạnh tiếp tục được đẩy mạnh trong quý IV/2017, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,65%, cao hơn so với mức tăng 6,68% của quý IV/2016.

Nhìn từ phía cung, có thể thấy khá rõ diễn biến tăng trưởng theo các thành tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Ngành công nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 4 đến hết năm 2017. Các khu vực nông - lâm - thủy sản và dịch vụ cũng có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng, nhất là từ nửa cuối của năm 2017.

Hình 1: Diễn biến tăng trưởng GDP Việt Nam theo quý trong năm 2016-2017 (%)
Hình 1: Diễn biến tăng trưởng GDP Việt Nam  theo quý trong năm 2016-2017 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2017 cũng chứng kiến sự phát triển ấn tượng về số lượng và vốn đăng ký của doanh nghiệp (DN) so với mức kỷ lục của năm 2016. Cả nước có tới 126.859 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số DN và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm trước. Bên cạnh đó, có 26.448 DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm lên 153,3 nghìn DN.

Xét theo các cấu thành tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng của năm tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm %, trong đó, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm %; Tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm %.

Xuất khẩu hàng hóa tăng rất mạnh, song do nhập siêu dịch vụ đã làm giảm 2,01 điểm % của mức tăng trưởng chung. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các năm 2013-2016 so với năm trước lần lượt là: 15,3%; 13,8%; 7,9%; và 9%). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 ước đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước.

Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2017 lên tới mức kỷ lục gần 425 tỷ USD, tương đương hơn 190% GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thương mại hàng hóa hàng đầu khu vực và thế giới. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam cả năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, tiếp tục nhập siêu dịch vụ 3,9 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ ước tính đạt tương ứng 13,1 tỷ USD và 17 tỷ USD.

Động lực của tăng trưởng GDP năm 2017

Có thể thấy các nguyên nhân đằng sau tăng trưởng GDP năm 2017 như sau:

Một là, chu kỳ kinh tế thế giới đang trong đà đi lên mạnh làm tăng mạnh mức cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, góp phần tạo ra mức tăng trưởng kỷ lục của xuất khẩu hàng hóa trong năm 2017. Nếu như năm 2016, nền kinh tế toàn cầu được coi là hồi phục tương đối rõ nét, với mức tăng trưởng GDP đạt 3,2% thì năm 2017, kinh tế thế giới ước tăng đến 3,6% và năm 2018 lên đến 3,7% (dự báo tháng 10/2017 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 2017 -  mức cao nhất từ năm 2010 đến nay. Xuất khẩu tăng mạnh tạo điều kiện thúc đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập và tiêu dùng trong nước.

Hai là, khu vực công nghiệp chế biến ghi nhận giá trị tăng cao với mức 14,5% giúp cho khu vực công nghiệp tăng khá cao, lên 9,4% so với năm 2016. Điểm sáng trong ngành chế biến chế tạo là các sản phẩm điện tử, máy tính, quang học với mức tăng 32,7%; sản phẩm kim loại tăng 17,6%; sản phẩm từ cao su, plastic tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Hình 2: Các kỷ lục kinh tế của Việt nam năm 2017
Hình 2: Các kỷ lục kinh tế của Việt nam năm 2017
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ba là, khu vực nông nghiệp năm 2017 đã phục hồi khá mạnh sau nhiều năm tăng trưởng thấp, đóng góp mờ nhạt cho tăng trưởng GDP. Trong tổng mức tăng 6,81% của GDP năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016); Ngành Thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016; Ngành Nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%). Mức tăng trưởng đột biến chủ yếu nhờ sự phục hồi của ngành Nông nghiệp sau tác động tiêu cực của thiên tai, ô nhiễm Formosa và xâm nhập mặn trong năm 2016.

Điều quan trọng của đột biến về chất trong khu vực nông nghiệp là xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm (cơ cấu cây trồng và vật nuôi) theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cao; đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng từng hecta đất nông nghiệp. Việc xuất khẩu nông – lâm thủy sản tăng trưởng cao giúp thúc đẩy nhanh quá trình này.

Bốn là, vốn đầu tư thực hiện, nhất là của DN ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng mạnh (tương ứng là 16,8% và 12,8 %) tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng GDP. Năm 2017, vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 40,5%. Đáng lưu ý là giải ngân vốn FDI ghi nhận mức kỷ lục mới, đạt 17,5 tỷ USD, cao hơn nhiều các chỉ tiêu tương ứng năm 2016. Đây là mức vốn thực hiện rất cần thiết và đúng lúc trong bối cảnh đầu tư nhà nước tăng trưởng khiêm tốn, chỉ còn 594,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước.

Năm là, khu vực dịch vụ duy trì được mức tăng trưởng cao, nhất là sự tăng trưởng đầy ấn tượng của du lịch Việt Nam, với lượng khách quốc tế cao kỷ lục (12,9 triệu), tăng 2,9 triệu hay 29,1% so với năm 2016; Lượng khách nội địa đạt hơn 73 triệu lượt, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt tương đương 23 tỷ USD và đóng góp khoảng 7,5% vào GDP của Việt Nam năm 2017. Dù đóng góp trực tiếp của Ngành này không cao nhưng tác động lan toả của nó đến các ngành khác như thương mại, vận tải, ngân hàng, khách sạn, vui chơi giải trí là không nhỏ. Kỷ lục này đạt được chủ yếu là nhờ:

(1) Chính sách miễn visa, đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh… đối với các nước châu Âu có thu nhập cao (như  Ý, Tây Ban Nha, Anh...), khiến lượng khách du lịch từ khối này tăng từ 20%- 30%;

(2) Sự nâng cấp, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, điểm thăm du lịch. Nhiều dự án, hạng mục du lịch đẳng cấp, hiện đại được triển khai cách đây 4-5 năm đi vào hoạt động giúp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành thương hiệu mạnh của các điểm đến.

Hình 3: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam các tháng năm 2017 (triệu USD)
Hình 3: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam  các tháng năm 2017 (triệu USD)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(3) Du khách quốc tế có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi thế giới trong năm có nhiều biến động như nạn khủng bố và bạo lực ở Mỹ và châu Âu, trong khi đó, Việt Nam nới lỏng các thủ tục xuất nhập cảnh cùng với tình hình chính trị ổn định. Điều này làm cho du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nhất là khi Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng cao về mức độ an toàn và có mức giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần phân khúc khách du lịch;

(4) Nỗ lực của toàn ngành Du lịch, hệ thống lại các hội chợ du lịch quốc tế, đặc biệt hoạt động xúc tiến du lịch trên môi trường mạng, qua mạng xã hội đã được cải thiện;

(5) Sự xúc tác của tiến bộ công nghệ trong tìm kiếm thông tin du lịch, giá phòng, dịch vụ vé máy bay… giúp việc tìm hiểu thông tin về đất nước, con người và danh thắng ở Việt Nam được thuận lợi hơn nhiều.

Sáu là, mức tiêu dùng trong nước tăng khá mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2017 ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng tới 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước. Từ tháng 2/2017, doanh thu bán lẻ cũng có xu hướng tăng dần rõ nét, khá tương đồng với xu hướng của sản xuất công nghiệp. Đáng lưu ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa là yếu tố chủ chốt tạo ra sự tăng trưởng nói trên, ước đạt 2.937,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng mức và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.      

Ngoài những động lực của tăng trưởng và yếu tố chuyên biệt, những động lực có ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2107 còn có thể đề cập tới như:

Hình 4: Doanh số bán lẻ các tháng năm 2017 (nghìn tỷ đồng)
Hình 4: Doanh số bán lẻ các tháng năm 2017 (nghìn tỷ đồng)
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ nhất, sự quyết liệt hành động của Chính phủ trong điều hành, thực thi chính sách và pháp luật cũng như nỗ lực xây dựng hình Chính phủ mới là Chính phủ của hành động và liêm chính, cùng với sự ủng hộ quyết liệt của Đảng trong đấu tranh tham nhũng, trấn áp tội phạm kinh tế.

Thứ hai, sự quyết tâm cao và quyết liệt để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra thông qua chỉ đạo sát sao trong thực hiện các cơ chế chính sách trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng như đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất (mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 21% năm 2017); Thúc đẩy xuất khẩu; Đầu tư công trong 2 quý cuối năm 2017; Kích hoạt phong trào hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo công nghệ; Đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước; tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; Đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế, nhất là đầu tư công. Việc điều hành, quản lý kinh tế trong một số trường hợp còn mang tính hành chính song là cần thiết trong bối cảnh lòng tin, tạo nền tảng để thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tính năng động của nền kinh tế trong năm 2017.

Những vấn đề đặt ra

Năm 2017, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế, vượt mục tiêu đặt ra với nhiều kỷ lục được xác lập trong năm. Các động lực tăng trưởng mới trong năm 2017 bao gồm cả yếu tố mới cũng như sự trỗi dậy mạnh hơn của yếu tố cũ nhưng nhìn chung là xuất phát từ cả bên cung bên cầu. Tuy không phải là động lực lớn song nhân tố mới là lĩnh vực nông nghiệp, không những tạo ra tăng trưởng mạnh hơn mà bước đầu chuyển sang tăng trưởng về chất. Khu vực công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu là động lực cũ song có vai trò lớn hơn đối với tăng trưởng (nhất là trong 2 quý sau của năm 2017)…

Hình 5: Chỉ số PMI của Việt Nam các tháng năm 2017 (điểm)
Hình 5: Chỉ số PMI của Việt Nam các tháng năm 2017 (điểm)
Nguồn: Tác giả tổng hợp.

Đối với đầu tư, các DN FDI có vai trò ngày càng lớn mạnh, với vốn thực hiện tăng vọt và tỷ lệ vốn thực hiện/cam kết tăng mạnh. Dịch vụ du lịch là điểm sáng mới và có nhiều đột phá trong năm nhờ tác động của nhiều nhân tố, nhất là nhờ việc dỡ bỏ chế độ visa và cải cách chế độ xuất nhập cảnh. Cũng cần xác định rõ tầm quan trọng của nhân tố tăng trưởng trong nước và quốc tế.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, vốn bị lo ngại có thể giảm do chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, thế nhưng, đến thời điểm hiện nay điều đó đã không xảy ra. Nhân tố vai trò FDI lại càng nổi trội trong năm, nhất là vai trò rất lớn trong tăng trưởng và xuất khẩu Việt Nam của Sumsung Vietnam; tuy nhiên, tác động lan tỏa của DN này đối với nền kinh tế và DN trong nước tuy tăng dần nhưng vẫn còn hạn chế. Cuối cùng, nhân tố thiên tai, dịch bệnh năm 2017 không phải là vật cản đáng kể cho tăng trưởng GDP.

Yếu tố không kém phần quan trọng là sự quyết liệt hành động của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh – đầu tư, thúc đẩy đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Trong các nhân tố trong nước, cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng, nhất là sự kiên định, quyết tâm và nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong điều hành, thực thi các cơ chế, chính sách ảnh hưởng và tạo ra lòng tin, kỳ vọng đối với tăng trưởng từ nửa sau năm ngoái cho đến nay.

Cuối cùng, sự năng động của khu vực DN trong nước cũng đóng góp rất quan trọng cho những thành tích và kỷ lục trong năm 2017. Cơ hội đầu tư mới cũng như việc lòng tin bước đầu được tạo dựng là động lực chính cho sự năng động này.

Một động lực tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu nhiều năm là dầu mỏ, song đến nay vẫn là vật cản tăng trưởng. Đây là vấn đề cần nghiên cứu chuyên sâu trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, trong các chỉ số thể hiện đà tăng, sự hứng khởi trong năm có nhiều kỷ lục về tăng trưởng như năm 2017, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) không thực sự thể hiện rõ xu thế lạc quan kể trên mà lại có xu thế giảm dần đến cuối năm là vấn đề đáng lưu ý.

 Năm 2018, bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước sẽ có những khác biệt. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu để giúp việc cải cách kinh tế và điều hành có hiệu quả và hiệu lực cao, có như vậy mới thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức mới và đạt được nhiều thành tựu về chất trong năm 2018. 

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2017), Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2017;

2. Hoài Nam (2017), Cú tăng tốc ngoạn mục, ghi dấu kỷ lục hàng chục năm qua, vietnamnet.vn;

3. Hà Trang (2017), GDP tăng kỷ lục: Mừng nhưng phải thận trọng..., baodatviet.vn;

4. The Wall Street Journal (2017), “IMF raises forecast for world economic growth in 2017 and 2018”, By Josh Zumbrun, Oct. 10, 2017 9:00 a.m. ET;

5. Các website: gso.gov.vn, mof.gov.vn, moit.gov.vn, mpi.gov.vn…