Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi

PV.

Sáng 31/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật.

Đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng như góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian qua. Đồng thời, góp phần thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lần sửa đổi này cụ thể hóa đúng tinh thần Hiến pháp 2013: Tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, thiết thực, và chống cho được lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), việc Chính phủ trình dự án luật này thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với những tài sản công do nhà nước đầu tư cũng như quản lý. Với dự thảo gồm 136 điều, vị đại biểu này cho rằng đủ để đưa ra các quy định cụ thể để quản lý tài sản công trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã từng bước được chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quan trọng nhất là đưa ra được những quy định cụ thể để có một cơ chế vừa quản lý chặt chẽ đối với các tài sản của nhà nước do nhà nước đầu tư, vừa nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng.

“Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là quy định tốt, bởi nếu cứ sử dụng và quản lý không tốt tài sản công mà không có ai chịu trách nhiệm thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí và thất thoát rất nhiều. Tuy nhiên, bồi thường cụ thể như thế nào thì vẫn cần phải bàn thảo nữa để chỉnh lý cho phù hợp...”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ.

Đại biểu Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán nhà nước (Đoàn Nghệ An) khẳng định, xây dựng và ban hành Luật về Quản lý, sử dụng tài sản công là hết sức cần thiết. Đây là bộ luật nhằm quản lý tài sản công một cách chặt chẽ và phát huy hiệu quả sử dụng tài sản công một cách tốt nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng theo Đại biểu Hồ Đức Phớc, so với Luật Quản lý tài sản nhà nước thì dự thảo luật sửa đổi này rộng hơn; vấn đề thu hút nguồn lực tốt hơn, phạm vi sử dụng tài sản công lớn hơn nên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những khái niệm cần phải bổ sung, ví dụ như tài sản của dự trữ nhà nước cũng cần phải đưa vào tài sản công. Những tài sản công khác cũng phải xác lập quyền sở hữu nhà nước và cần được đưa vào, đơn cử như cơ sở dữ liệu, công nghệ thông tin... để bao quát hết khái niệm tài sản công.

Đánh giá lần sửa đổi này cụ thể hóa đúng tinh thần Hiến pháp 2013, song đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị cần bổ sung hình thức công khai việc khai thác và sử dụng tài sản công. Ví dụ, tài sản công được sử dụng như thế nào, cho thuê ra sao, tài sản nhà nước được góp vốn, liên doanh, liên kết sử dụng có hiệu quả không, trường hợp bán và thanh lý tài sản nguồn thu về bao nhiêu, tránh trường hợp thông đồng đấu giá nội bộ, hoặc thanh lý trong nội bộ. Đây sẽ là cơ sở để cộng đồng giám sát đối với tài sản công, tránh hiện tượng lấy tài sản công làm của riêng. Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công sẽ tăng cường tính minh bạch, hiệu quả với các tài sản này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã quy định rõ về trách nhiệm. Trước đó, Luật Đầu tư công ra đời và có hiệu lực từ năm 2015 đã quy định rõ, ngay cả người ra quyết định chủ trương đầu tư mà dự án đó không phát huy hiệu quả theo mục tiêu thì người đó cũng phải chịu trách nhiệm về chủ trương mà mình đã quyết định.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần thận trọng khi thực hiện quá trình thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp; Khuyến khích nhưng phải có bước đi cụ thể và chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp xã hội hóa thành công mà không đẻ ra các khoản nợ.

Trước đó, tại phiên thảo luận của cơ quan thẩm tra và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, Dự án Luật đã mở rộng hơn rất nhiều so với luật cũ và có nhiều quan điểm mới như đưa ra được nguyên tắc quản lý sử dụng, khai thác quản lý nguồn lực từ tài sản công; Đưa ra các căn cứ, tiêu chuẩn, định mức rất cần thiết; Chế định về kiểm tra, thanh tra, giám sát, kể cả giám sát cộng đồng; chế định xử lý vi phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước…