Nhiều vấn đề đổi mới quan trọng nhất được đề cập rõ ràng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ, ấn tượng đầu tiên về thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ là nhiều vấn đề đổi mới quan trọng nhất được đề cập một cách rõ ràng.

Nhiều vấn đề đổi mới quan trọng nhất được đề cập rõ ràng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trao đổi với phóng viên về thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Nói một cách ngắn gọn nhất thì dân chủ, thị trường và nông thôn là 3 trụ cột trong triết lý phát triển từ thông điệp của Thủ tướng mà tôi cảm nhận được”.

Vận dụng xu thế thời đại về dân chủ, thị trường vào thực tiễn Việt Nam

Ông Lộc bình luận : Các nội dung lớn từ thông điệp của Thủ tướng bắt đầu bằng câu: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt”. Nó cho thấy Thủ tướng đã rất chú ý đến những đánh giá khách quan về xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.  

Điều này rất có nghĩa với mỗi nhà quản lý, mỗi doanh nghiệp và người dân, đó là phải nhìn nhận về chính mình, về công việc đã làm được và phải làm được định hướng theo tư duy toàn cầu; nhất là khi năng lực cạnh tranh quốc gia đang chậm lại thì việc nhìn vấn đề nội tại của nền kinh tế trong tổng thể, so sánh với thế giới sẽ tạo áp lực đáng kể cho các kế hoạch hành động.

Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”. Điều đó thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ về cải thiện thể chế, một trong những điểm quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm.

Vấn đề thứ hai là việc gắn dân chủ với thị trường. Điều này khẳng định những đổi mới có tính chất quyết định đều gắn với dân chủ và cơ chế thị trường. Linh hồn của đổi mới thế chế chính là thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân và thực hiện cơ chế thị trường.

Đề cập vấn đề thông điệp của Thủ tướng nêu một mục riêng về nông nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là tư duy mới trong điều kiện đặc thù của Việt Nam (dựa nhiều vào nông nghiệp).

Ở nước ta, mô hình phát triển nông nghiệp lâu nay vẫn theo hướng đưa công nghiệp, doanh nghiệp về với nông nghiệp, nông thôn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra liên kết giá trị. Tuy nhiên, trong mô hình này, vai trò của nông dân, nông thôn là thứ yếu và nhiều khi không nhận được những quyền lợi sòng phẳng hoặc bị cuốn vào quá trình công nghiệp hóa một cách thụ động. Do đó, việc đặt lại vị trí của nông dân, nông thôn, phát huy tính sáng tạo và năng lực của người nông dân, hiện đại hóa, văn minh hóa nông nghiệp - nông thôn, có ý nghĩa là chuyển từ nền nông nghiệp "ăn theo" sang  một nền nông nghiệp chủ động, tham gia phát triển kinh tế bằng chính sức sáng tạo, thế mạnh của mình.

“Luận điểm này thể hiện sự vận dụng giá trị xu thế thời đại về dân chủ, thị trường trong đặc thù, thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam với lợi thế về nông nghiệp, nông thôn.  Có thể gọi đây là triết lý  3 trụ cột phát triển trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ”, TS. Lộc phân tích.

Kỳ vọng Nhà nước kiến tạo và phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

Từ góc độ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc đặc biệt chú ý đến nội dung “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”;  “Để phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, Nhà nước phải phải làm tốt chức năng kiến tạo và phát triển”.  

Theo ông Lộc,  đây là những thông điệp quan trọng, là công cụ để doanh nghiệp, người dân soi vào các công việc của cán bộ Nhà nước, ngăn chặn hành vi lạm quyền của công chức. Khi người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy thì việc cần phải thực hiện ngay là  xử lý cán bộ sai phạm, lạm quyền phải quyết liệt hơn, quyền lợi của người dân được đảm bảo một cách bình đẳng hơn trước pháp luật.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất mong đợi khi Nhà nước về đúng vị trí của mình là phục vụ doanh nghiệp và người dân. Khi đó, người dân và doanh nghiệp có cơ hội làm những việc có đủ năng lực và điều kiện, còn nguồn lực của Nhà nước dành cho công tác nền tảng phát triển vĩ mô.

“Cộng đồng doanh nghiệp muốn nhìn thấy sự đi đầu gương mẫu của các cơ quan chức năng trong việc đưa Nhà nước trở về với cốt lõi, với các công việc chính yếu của mình, đó là kiến tạo phát triển”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.

TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng không chỉ dừng lại ở lời nói, Chính phủ đã hành động quyết liệt hơn. Thực tế, thời gian qua, sau khi tiến độ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn khá chậm chạp, Thủ tướng đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo quyết liệt liên quan tới việc thoái vốn, đầu tư ngoài ngành, truy trách nhiệm người đứng đầu của doanh nghiệp nhà nước, và chỉ ra rằng năm 2014, dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, mới đây, ngày 19/12/2013, Thủ tướng đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp vui mừng khi Thủ tướng nhấn mạnh: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước”.

Tất nhiên, để hiện thực được điều này, cộng đồng doanh nghiệp hy vọng năm 2014 sẽ là thời điểm có sự đột phá trong hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm biến thông điệp sáng tạo, đổi mới trở thành hiện thực.

“Chúng tôi kỳ vọng không gian phát triển cho doanh nghiệp sẽ được mở rộng ngay từ năm 2014 bằng những cơ chế, chính sách mới với ý nghĩa như vậy”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.