Nhiều việc cần làm trong năm bận rộn 2014

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Năm 2014 là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch 2011-2015. Chính phủ cho biết, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 5,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%...

Nhiều việc cần làm trong năm bận rộn 2014
Chính phủ họp tổng kết cuối năm với lãnh đạo các tỉnh, thành phố qua phương thức trực tuyến. Nguồn: internet
Năm 2014: GDP tăng 5,8%

Trong 2 ngày 23 và 24/12/2013, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đã được tổ chức thông qua 67 điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng hàng trăm đại biểu đã dự hội nghị trực tuyến trên khắp đất nước.

Đây lần thứ hai, Chính phủ họp tổng kết cuối năm với lãnh đạo các tỉnh, thành phố qua phương thức trực tuyến.

Trình bày Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; phát triển trị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu…

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó tập trung tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;...

Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Thứ năm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ bảy, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Thứ tám,
mở rộng và nâng cao hiệu  quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Thứ chín, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. “Có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, tăng sức mua, cân đối được cung cầu, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt phải có giải pháp mạnh tín dụng mới tan băng được bất động sản”.

Ông Thảo cho rằng, giải pháp tín dụng chính là giải cứu các ngân hàng đang đọng vốn trong bất động sản chứ không đơn thuần là giải cứu thị trường. Theo ông, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản phải chấp nhận quy luật của thị trường. Khi thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu. Ngoài ra, cũng cần xem xét kích cầu tiêu dùng và đầu tư công, tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Người đứng đầu TP. Hà Nội cho rằng, cần đổi mới thể chế bởi hiện nay có những công việc song trùng, ôm đồm giữa các địa phương và bộ, ngành tuy nhiên trách nhiệm lại không rõ ràng. “Trong điều hành chủ trương có thể rất đúng đắn, nhưng rất nhiều cơ chế chính sách không đi vào cuộc sống vì không phù hợp với thực tế. Nếu không tin ở cơ sở, không tin ở dưới rất khó làm”, ông Thảo bày tỏ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lại nói về chất lượng công chức. Theo ông Chiến phải đánh giá lại có bao nhiêu phần trăm cán bộ công chức làm được việc, bao nhiêu không làm được việc.

“Tôi nghĩ chỉ 20%- 30% công chức làm được việc”- Ông Chiến nói và cho biết thêm, năm vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tổ chức thi tuyển công chức rất khách quan, minh bạch với tuyên bố rõ ràng là “không cán bộ nào được gửi con cái”.

Kết quả trong số 419 thí sinh sau phần thi buổi sáng có tới 70 thí sinh bỏ thi. Cuối cùng, chỉ có 129 thí sinh trúng tuyển với số điểm trên trung bình 50 điểm. Xét về tỷ lệ thì chỉ có 28,6% thí sinh vượt qua được vòng thi tuyển, tỷ lệ trượt là 71,4%.

“Rõ ràng, khi tổ chức tuyển cán bộ được thực hiện nghiêm, thì kết quả phản ánh đúng thực tế chất lượng cán bộ như thế nào. Chứ mấy năm trước Thanh Hóa không theo sát khâu thi tuyển đầu vào nên chất lượng thi tuyển không cao, thí sinh cứ thi là đỗ”, ông Chiến nói. Do vậy, phải quyết tâm siết lại khâu tuyển chọn cán bộ. “Chúng tôi kiên quyết không nhận những trường hợp gửi gắm để thi công chức là thực chất chứ không phải lấy thành tích”, ông Chiến khẳng định.

Nhịp nhàng tài khóa và tiền tệ từ đầu năm 2014

Kết luận tại phiên họp chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ - mục tiêu cho năm 2014 tới đây là rất nặng nề, đòi hỏi tất cả các bộ ban ngành và địa phương phải quyết tâm cao nỗ lực lớn.

“Trong khi năm 2014 tăng bội chi, phát hành thêm trái phiếu, dư nợ tín dụng tăng cao hơn năm trước, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng cao hơn để đảm bảo phát triển kinh tế thì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn phải được đưa lên hàng đầu.”

Do đó, Thủ tướng yêu cầu chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp nhịp nhàng ngay những tháng đầu của năm 2014.

Về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, “việc này chúng ta đã thực hiện được 3 năm nhưng tiến độ hiện còn rất chậm và chỉ còn 2 năm nữa là chúng ta phải về đích. Chính vì thế trong năm tới công việc này cần phải đẩy nhanh hơn nữa”.

Đặc biệt, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước dứt khoát phải thực hiện đúng như các Nghị quyết đã đề ra. “Đề án và nội dung cụ thể chúng ta đã có việc quan trọng bây giờ là thực hiện. Tôi cho rằng, khâu quan trọng nhất để thực hiện thành công đó là cán bộ - người đứng đầu”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh, thoái vốn, cổ phần hóa là cần thiết nhưng không có nghĩa là phải bán tràn lan, sơ hở gây mất mát tài sản. Với những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không thể khắc phục được thì phải cho phá sản giải thể. Riêng những doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục đích công ích xã hội thì phải hạch toán riêng và công khai minh bạch trước công chúng.

Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, nợ xấu đã giảm nhanh, khắc phục nhanh các ngân hàng yếu kém, sắp xếp một bước để không gây đổ vỡ hệ tống. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng hiện vẫn còn một vài ngân hàng yếu kém và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi chặt và có hướng giải quyết trong thời gian tới.