Nhìn lại thành tựu hoàn thiện hệ thống thuế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra thách thức ngày càng cao đối với ngành Thuế trong bối cảnh toàn cầu hoá các hoạt động kinh tế ngày càng tăng để đảm bảo các quyền và lợi ích quốc gia trong việc duy trì và đảm bảo nguồn thu thuế. Xu thế này đòi hòi công tác quản lý thuế phải ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng hiệu quả đối với tiến trình hội nhập của ngành Tài chính và của cả nền kinh tế Việt Nam.

Thời gian tới, cần hoàn thiện các công cụ chính sách và quản lý thuế phù hợp với điều kiện hội nhập, từ đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý thuế liên quan đến hội nhập quốc tế. Nguồn: internet
Thời gian tới, cần hoàn thiện các công cụ chính sách và quản lý thuế phù hợp với điều kiện hội nhập, từ đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý thuế liên quan đến hội nhập quốc tế. Nguồn: internet

Nhìn lại quá trình hội nhập

Ngay từ những năm đầu 1990, trước yêu cầu mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ trì xúc tiến đàm phán các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước và vùng lãnh thổ nhằm tạo nền tảng pháp lý cơ bản về thuế đối với các hoạt động đầu tư và thương mại song phương. Đây chính là các bước tiến thiết yếu, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam ngay từ giai đoạn đầu, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư từ các đối tác lớn. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã ký kết 71 Hiệp định và kết thúc đàm phán 10 Hiệp định, đặt nền móng pháp lý quan trọng và góp phần thiết thực vào quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong tương lai.

Cũng trong giai đoạn này, với các bước cái cách hệ thống thuế giai đoạn 1 cùng với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế và một số đối tác quan trọng (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Thuỵ Điển..), hệ thống chính sách thuế và cơ chế quản lý thuế đã từng bước được hoàn thiện phù hợp với cơ chế kinh tế nhiều thành phần và từng bước mở cửa, đảm bảo vừa phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với các điều kiện và trình độ phát triển của Việt Nam, đồng thời đảm bảo yêu cầu thu ngân sách.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập kinh tế đa phương của Việt Nam với khu vực đặc biệt là các bước đầu tiên khi gia nhập ASEAN, AFTA và  sau đó là WTO (năm 2007), hệ thống thuế đã được rà soát và từng bước sửa đổi cho phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam, nhất là đối với các điều khoản về đối xử quốc gia và các ưu đãi thuế có thể dẫn đến vi phạm các cam kết về trợ cấp đối với xuất khẩu hoặc ngành, lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, đến năm 2005, các luật thuế đã được sửa đổi, loại bỏ các yếu tố còn chưa phù hợp với các nguyên tắc của WTO, hoàn thành một cách cơ bản và tương đối toàn diện hệ thống chính sách thuế phù hợp với các cam kết WTO của Việt Nam.

Từ năm 2006, Luật Quản lý thuế đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2007, đặt bước tiến quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cải thiện về chất trong việc thực hiện Chiến lược cải cách, hiện đại hệ thống thuế giai đoạn 2, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, đặc biệt là sự bùng nổ của số doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam hoàn thành các cam kết đối với khu vực mậu dịch tự do AFTA của ASEAN vào năm 2006 và gia nhập WTO vào năm 2007. Cùng với quá trình hội nhập chung của nền kinh tế, ngành Thuế đang nỗ lực tập trung cải cách theo hướng ngày càng minh bạch và đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuế nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người nộp thuế, phấn đấu đạt trình độ quản lý thuế của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Một số đề xuất

Việc mở rộng không ngừng mạng lưới các Hiệp định thuế, với số lượng trên 40 Hiệp định vào trước năm 2007, đến nay đã đạt số 81 Hiệp định đã hoặc đang chờ ký kết đặt ra thách thức lớn đối với ngành Thuế trong việc nâng cao không ngừng chất lượng và hiệu quả quản lý thuế quốc tế. Thêm vào đó, quá trình hội nhập kinh tế ngày càng càng sâu, rộng, các hoạt động doanh, đầu tư tư và thương mại giữa Việt Nam và các nền kinh tế ngày càng tăng cường về phạm vi và mức độ, dẫn các hoạt động kinh tế xuyên biên giới ngày càng phức tạp, đa dạng và thường xuyên biến động, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống thuế và quản lý thuế trong việc vừa đảm bảo tính đồng bộ, ổn định của chính sách, đồng thời đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của quản lý thuế; đặc biệt đối với các giao dịch qua biên giới, các đối tượng không cư trú và các công ty đa quốc gia. Do vậy, tới đây, để hoàn thiện các công cụ chính sách và quản lý thuế phù hợp với điều kiện hội nhập, từ đó nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý thuế liên quan đến hội nhập quốc tế, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, nghiên cứu để từng bước chuẩn bị cho việc tăng cường hợp tác với các cơ quan thuế các nước để tiến tới tham gia Công ước về hỗ trợ hành chính lẫn nhau về vấn đề thuế.

Hai là, từng bước thiết lập và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả công tác trao đổi thông tin theo Hiệp định thuế, tiến tới nghiên cứu và tham gia các hiệp định trao đổi thông tin tự động.

Ba là, củng cố và hoàn thiện các chính sách và biện pháp quản lý đối với các giao dịch liên kết qua biên giới, đối với các đối tượng không cư trú và các công ty đa quốc gia hoạt động toàn cầu.

Bốn là, xây dựng và tăng cường các biện pháp kiểm soát có hiệu quả các giao dịch lớn qua biên giới, nhằm chống trốn/tránh thuế.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý giá chuyển nhượng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc xúc tiến thực hiện các Thủ tục thoả thuận song phương theo cơ chế của Hiệp định thuế.

Sáu là, chủ động nghiên cứu và tích cực tham gia các diễn đàn thuế quốc tế, các hoạt động trao đổi chuyên môn nghiệp vụ quản lý thuế trong khu vực và thế giới.

Bảy là, cần đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và chuyên môn cao để có thể tham gia vào công tác nghiên cứu chính sách và quản lý thuế quốc tế nhằm đáp ứng với các thách thức ngày càng cao của các vấn đề thuế quốc tế và các giao dịch xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia...