Nhìn nhận đúng doanh nghiệp nông nghiệp trong nước

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn, với giá trị xuất khẩu hàng nông sản năm sau cao hơn năm trước. Nhưng lại xuất hiện tình trạng doanh nghiệp liên tục báo lỗ trong nhiều năm, trong khi kim ngạch xuất khẩu lớn và liên tục mở rộng quy mô kinh doanh.

Nhìn nhận đúng doanh nghiệp nông nghiệp trong nước
Để thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, ngoài những chính sách ưu đãi chung, nhiều địa phương còn bổ sung các ưu đãi. Nguồn: internet

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng năm 2014, mặt hàng rau quả của các đơn vị này đạt tổng giá trị xuất khẩu gần 108 triệu USD, tăng 17 triệu USD so với cùng kỳ năm 2013. Giá trị xuất khẩu cà phê là 1,23 tỷ USD so với 717 triệu USD của cùng kỳ năm 2013; hồ tiêu là 326 triệu USD... Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong số 30 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất niên vụ 2013 - 2014 có gần 50% là doanh nghiệp FDI. Trước đây, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 30% trong top 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất.

Các doanh nghiệp này có kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do có sẵn thị trường tiêu thụ. Một số địa phương cũng dành nhiều ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài hơn so với doanh nghiệp trong nước. Thực tế, doanh nghiệp trong nước phải chờ đợi rất lâu mới được chính quyền địa phương bố trí đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, địa phương lại thực hiện nhanh nhất có thể để hoàn thành thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp FDI. Và mới nhất, UBND TP. Cần Thơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế riêng cho vườn ươm công nghệ Hàn Quốc, để thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào một trong những ngành có thế mạnh của thành phố này.

Để thu hút vốn FDI vào nông nghiệp, ngoài những chính sách ưu đãi chung, nhiều địa phương còn bổ sung các ưu đãi, song nhiều doanh nghiệp vẫn cứ báo lỗ. Và chỉ đến khi cơ quan thuế thực hiện kiểm tra thì doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh hòa vốn. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó tỉnh Lâm Đồng là địa phương có số lượng doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp báo lỗ cao nhất, thậm chí có thời điểm Chi cục Thuế tỉnh phải thanh tra 100 doanh nghiệp vì lý do này. Đặc biệt, có đơn vị phải mất 10 năm từ khi được cấp phép đầu tư, thì mới bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp cũng mang lại một số tác động tích cực, doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi cách quản lý, phát triển thị trường... Mặt khác, một số doanh nghiệp FDI đã đưa giống và kỹ thuật canh tác mới vào nước ta, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, giúp nông dân tăng thu nhập gấp 2 - 3 lần so với trồng giống cây thuần trước đây.

Tuy nhiên, giá trị gia tăng sản phẩm nông sản xuất khẩu không nhiều, một số đơn vị liên tục báo lỗ trong những năm vừa qua... nên không thể yên tâm với những kết qua đã đạt được. Các địa phương cần có các chính sách phù hợp hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, không nên vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài. Hơn nữa, Chính phủ có Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp, trong đó có những ưu đãi như giảm 50 - 70% tiền sử dụng đất; hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề, 50% chi phí quảng cáo, phí triển lãm, xúc tiến thương mại; hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới do doanh nghiệp chủ trì thực hiện hoặc mua bản quyền công nghệ... Chính sách chung đã không có sự phân biệt, thì tại từng địa phương sao lại có sự khác biệt giữa doanh nghiệp FDI và nội địa?