Nhìn nhận từ tốc độ và chất lượng tăng trưởng

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế luôn được đánh giá trên hai hai mặt là tốc độ và chất lượng, trong đó chất lượng tăng trưởng là nội dung quan trọng hàng đầu của tái cơ cấu kinh tế và của chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ảnh minh hoa. Nguồn: internet
Ảnh minh hoa. Nguồn: internet
Từ các số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2012, 2013 và kế hoạch năm 2014, có thể thấy tốc độ tăng trưởng có thể được coi là phù hợp khi vừa phải tập trung cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, vừa phải thực hiện nhiệm vụ cơ bản là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện những nhiệm vụ đột phá chiến lược. Đây cũng là sự chuyển đổi quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi nền kinh tế không chỉ chạy theo tốc độ tăng trưởng mà phải ổn định để tăng trưởng bền vững.

Ở góc độ xu hướng, tăng trưởng đã thoát đáy trong năm 2013 và vượt dốc đi lên theo mục tiêu trong năm 2014.

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được một số kết quả đáng tích cực khi trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, sau 20 năm nhập siêu (trong đó giai đoạn 2007-2011, bình quân 1 năm lên tới trên 13,5 tỷ USD), năm 2012 đã xuất siêu và năm 2013 là năm thứ hai xuất siêu liên tiếp. Diễn biến trên cộng hưởng với các yếu tố khác (lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam đạt kỷ lục mới, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm…) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá…

Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đã được cải thiện, khi tốc độ tăng tiền gửi cao gấp rưỡi tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Đến những ngày cuối cùng của năm, thu ngân sách Nhà nước đã vượt dự toán và có khả năng bội chi ngân sách/GDP không đến mức 5,3% như mới điều chỉnh…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với tốc độ tăng của một số nước theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, làm cho Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn về tỷ lệ so sánh hoặc về mức chênh lệch tuyệt đối. Do tốc độ tăng còn thấp nên tác động đến việc thực hiện các mục tiêu khác, nhất là về lao động việc làm, thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán…

Về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư bước đầu được cải thiện. Trong thời kỳ 2006-2010, với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 39,2%, với tốc độ tăng GDP bình quân là 6,32%/năm, thì tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm (hệ số ICOR) bình quân là 6,2 lần. Bước vào thời kỳ 2011-2013 hiệu quả đầu tư đã cao lên với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 31,5%, với tốc độ tăng GDP là 5,64%/năm, hệ số ICOR là 5,6 lần.

Theo mục tiêu 2014, với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn (30% so với 30,4%), với tốc độ tăng GDP cao hơn (5,8% so với 5,42%). Nâng cao hiệu quả đầu tư là yếu tố quan trọng để với tỷ lệ đầu tư/GDP thấp hơn nhưng vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Hiệu quả đầu tư cao lên do nhiều yếu tố, có yếu tố quan trọng là chuyển dịch cơ cấu vốn đầu tư theo hướng: Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước - loại hình có hệ số ICOR cao - đã có xu hướng giảm; tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước - loại hình có hệ số ICOR thấp hơn - đã có xu hướng tăng lên. Có yếu tố việc đầu tư đã tập trung cao hơn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Có yếu tố việc lãng phí, thất thoát đã được phát hiện và kiểm soát tốt hơn. Có yếu tố do tốc độ tăng GDP cao lên.

Tốc độ tăng năng suất lao động - một yếu tố có tầm quan trọng của chất lượng tăng trưởng kinh tế - năm 2013 đã cao lên do: Số lao động đang làm việc tăng chậm lại (tăng 1,36% so với tăng 2,68%), tăng trưởng kinh tế cao lên (tăng 5,42% so với tăng 5,25%). Cơ cấu lao động đang làm việc có sự chuyển dịch theo hướng: Tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản - nhóm ngành có năng suất lao động thấp nhất (chỉ đạt 26,8 triệu đồng/người) - giảm (từ 48,4% năm 2013); tỷ trọng lao động đang làm việc trong 2 nhóm ngành là công nghiệp-xây dựng và dịch vụ tăng lên (tương ứng từ 51,6% lên 52,6% và 53,1%) - 2 nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn (nhóm ngành dịch vụ đạt 92,6 triệu đồng/người, nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đạt 124,2 triệu đồng/người).

Tuy hiệu quả đầu tư đã có sự cải thiện, nhưng vẫn còn thấp. Hệ số ICOR của Việt Nam còn cao gấp rưỡi, gấp đôi so với nhiều nước. Vì vậy, một mặt cần thu hút lượng vốn còn tồn đọng lớn dưới vàng, ngoại tệ vào đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh; mặt khác cần nâng cao hiệu quả đầu tư để với tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn nhưng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo nguồn, theo ngành lĩnh vực, trên cơ sở giảm thiểu lãng phí thất thoát, đẩy nhanh tiến độ thi công…