Những nội dung liên quan khi xác định doanh thu tính thuế đối với dịch vụ

ThS. NGUYỄN NGỌC HẢI

(Tài chính) Thực tế đang phát sinh nhiều trường hợp, vụ việc kinh tế mà nếu áp dụng theo quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thì có thể sẽ gây ra một số bất cập vướng mắc đối với doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy định hiện hành về doanh thu và thời điểm ghi nhận doanh thu

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì doanh thu và thời điểm ghi nhận doanh thu được quy định như sau: Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trong đó:

- Đối với DN nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng;

- Đối với DN nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế giá trị gia tăng;

- Đối với DN có hoạt động kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần. Trường hợp DN đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế việc xác định số thuế được ưu đãi phải căn cứ vào tổng số thuế TNDN phải nộp của số năm thu tiền trước chia (:) cho số năm thu tiền trước.

Về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế, Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định như sau:

(i) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hoá bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hoá cho người mua;

(ii) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ. Trường hợp thời điểm lập hoá đơn xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu được tính theo thời điểm lập hoá đơn;

(iii) Đối với hoạt động vận tải hàng không là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua;

(iv) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang phát sinh nhiều trường hợp, vụ việc kinh tế mà nếu áp dụng theo quy định này có thể sẽ gây ra một số bất cập đối với DN và trong công tác quản lý thuế. Cụ thể, công ty A thực hiện cung cấp dịch vụ cho công ty B. Công ty B thực hiện ứng trước 50% giá trị theo Hợp đồng cung cấp dịch vụ cho công ty A. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ được kéo dài qua hai năm tài chính nên đến khi kết thúc năm tài chính thứ nhất, hai công ty đã lập biên bản thống nhất phần việc đã hoàn thành của việc cung cấp dịch vụ này, theo đó, công ty A đã hoàn thành 80% việc cung cấp dịch vụ cho công ty B. Như vậy, với quy định của chính sách thuế TNDN hiện hành của Việt Nam thì doanh thu của năm tài chính thứ nhất của việc cung cấp dịch vụ của công ty A sẽ chỉ ghi nhận là 50% giá trị hợp đồng. Điều này vừa không đúng với định nghĩa về doanh thu theo quy định của chính sách thuế TNDN như đã nêu ở trên, vừa phản ánh không đúng bản chất của nghiệp vụ kinh tế phát sinh (đã hoàn thành 80% công việc). Do đó, hoặc DN bị thiệt thòi (vì doanh thu được ghi nhận không đúng theo định nghĩa) hoặc khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa được thực hiện kịp thời.

Các nước đều có sự kết hợp hài hoà giữa hai quy định xử lý doanh thu theo các quy định về kế toán và theo các quy định về thuế nhằm đảm bảo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đồng thời tối ưu hoá giữa nhóm lợi ích của nhóm đối tượng: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Một số nguyên tắc chung

Theo thông lệ quốc tế, các nước đều tuân theo một nguyên tắc chung khi xác định doanh thu của các giao dịch kinh tế tức là xác định doanh thu theo chuẩn mực kế toán. Mặc dù có những sự khác biệt nhất định giữa một số nước về việc xử lý doanh thu theo các quy định về kế toán và theo các quy định về thuế nhưng nhìn chung, các nước đều có sự kết hợp hài hoà giữa hai quy định này nhằm đảm bảo thuận lợi tối đa cho các DN, đồng thời tối ưu hoá một cách tốt nhất có thể giữa 3 nhóm lợi ích của 3 nhóm đối tượng: Người dân, DN và Nhà nước.

Theo quy định kế toán hiện hành của Việt Nam về doanh thu (Chuẩn mực kế toán số 14 ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001), doanh thu và thời điểm ghi nhận doanh thu được quy định như sau:

Thứ nhất, đối với giao dịch hàng hoá, doanh thu được ghi nhận khi đồng thời thỏa mãn 5 điều kiện:

- DN đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hoá cho người mua;

- DN không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hoá như người sở hữu hàng hoá hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;

- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

- DN đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;

- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

Thứ hai, đối với doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu được ghi nhận khi kết quả của giao dịch đó được xác định một cách đáng tin cậy. Trường hợp giao dịch về cung cấp dịch vụ liên quan đến nhiều kỳ, doanh thu được ghi nhận trong kỳ theo kết quả phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng cân đối kế toán của kỳ đó. Kết quả của giao dịch cung cấp dịch vụ được xác định khi đồng thời thoả mãn tất cả 4 điều kiện sau:

- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;

- Có khả năng thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;

- Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào ngày lập Bảng cân đối kế toán;

- Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.

Như vậy, quy định về doanh thu tại chuẩn mực kế toán về cơ bản đã giải quyết được các hạn chế và bất cập như đã nêu ở phần trên nhưng lại không được áp dụng khi xử lý về thuế. Vì vậy, trước những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bài viết kiến nghị sửa đổi quy định về doanh thu và thời điểm ghi nhận doanh thu trong chính sách thuế TNDN hiện hành theo hướng như sau:

Một là, về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế: Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, các khoản tiền ứng trước, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Hai là, về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế: Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hoá bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hoá cho người mua. Đối với việc bán hàng hoá được trả tiền làm nhiều lần thì doanh thu được ghi nhận theo từng lần trả tiền. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ tuỳ theo thời điểm nào đến trước. Đối với dịch vụ cung ứng qua các năm tài chính, trường hợp việc xác định doanh thu vào thời điểm kết thúc năm tài chính không phản ánh chính xác nghiệp vụ kinh tế phát sinh thì doanh thu được ghi nhận theo quy định tại chuẩn mực kế toán.

Quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như trong công tác kế toán, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý thuế trong việc áp dụng các biện pháp hành thu và tiến gần hơn xu thế chung của các nước trên thế giới là thu hẹp và giảm dần sự khác biệt giữa kế toán kinh tế và kế toán thuế.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013;

2. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNDN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN;

3. Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001;

4. Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN