Những nỗi lo sau chuyện doanh nghiệp lãi lớn
Đã gần hết năm kế hoạch 2012, trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức khó khăn thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại công bố lãi lớn sau nhiều năm liên tục thua lỗ. Lãi - liệu có phải là do các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự hiệu quả? Còn điều gì đáng bàn đằng sau những con số lãi này?
Những nghi vấn quanh chuyện lỗ/lãi của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện chưa dừng lại sau khi công bố lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2012, trong khi năm 2011 lỗ tới hơn hơn 2.000 tỷ đồng. Bởi trong một cuộc họp báo của Bộ Công thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011, dù chưa có con số chính thức, nhưng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dự liệu sẽ bù lỗ cho năm 2011 và những năm trước đó khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất và kinh doanh có lãi của mình trong năm 2012.
Trong bối cảnh hiện nay, đáng lẽ ra, khi có một tập đoàn lớn hay doanh nghiệp nhỏ nào thông báo kinh doanh có lãi đều phải là những thông tin vui. Thậm chí phải càng vui hơn khi đây lại là những mặt hàng thiết yếu, vốn có ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới nền kinh tế, đã nhiều năm liền kinh doanh thua lỗ, khiến Nhà nước phải bù lỗ từ tiền ngân sách - từ tiền nộp thuế của doanh nghiệp và người dân. Thông thường, lãi cũng đồng nghĩa với việc sẽ bớt đi những áp lực về giá. Nhưng lãi của các mặt hàng năng lượng ở ta lại không hẳn thế. Xăng, dầu thì đang còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới - nên lãi/lỗ của doanh nghiệp phần nhiều là do chính sách điều hành, kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý. Nhưng đối với điện - một mặt hàng không có khả năng dự trữ, có nhiều nguồn cung nhưng chỉ có một đơn vị mua buôn và bán lẻ duy nhất là EVN, thì việc thông báo lãi của đơn vị này lại đang tiềm ẩn nhiều nỗi lo của doanh nghiệp khác. Đó là nỗi lo thiếu điện và nguy cơ mất an toàn về an ninh năng lượng của nền kinh tế và quốc gia trong dài hạn.
Đầu tiên và trước mắt phải kể đến là nỗi lo của các nhà máy điện khác ngoài EVN, thậm chí là những nhà máy nhiệt điện từ các trụ cột chính trong ngành điện như than khoáng sản, dầu khí - thuộc diện được Chính phủ giao phải đầu tư để bảo đảm điện cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch. Trong khi các nhà máy điện của EVN, đặc biệt là các thủy điện lớn đang được phát huy tối đa công suất thì các nhà máy nhiệt điện, kể cả thủy điện ngoài EVN đang có nguy cơ hỏng hóc, phá sản vì không được huy động, phải nằm đắp chiếu.
Bên cạnh những lý do như phải ưu tiên nguồn điện sạch có chi phí thấp; nhu cầu tiêu dùng điện của doanh nghiệp và người dân suy giảm; thị trường phát điện đã được vận hành chính thức từ ngày 1.7.2012… thì cũng còn rất nhiều điều đáng bàn, ngay trong nội hàm những điều tưởng như khá thuyết phục đó. Bởi vẫn còn rất nhiều nhà máy thủy điện đang gặp khó khăn, trong khi nguồn phát từ thủy điện tính ở thời điểm cực đại mới đạt khoảng 45% trên tổng công suất nguồn điện của quốc gia. Điều này cho thấy không phải cứ là thủy điện thì sẽ được ưu tiên. Và trong khi luật chơi của thị trường phát điện cạnh tranh chỉ có một mình EVN là nhà mua buôn duy nhất lại đồng thời là nhà sản xuất điện lớn nhất - được quyền huy động mua điện ở mức 0 đồng/kWh đối với thủy điện và 1 đồng/kWh đối với nhiệt điện - thì không phải nhà máy nhiệt điện nào cũng dám đổ than, đổ dầu vào chạy, nhất là trong bối cảnh vì mục tiêu chính trị phải vay thương mại đầu tư nhà máy điện.
Sẽ ra sao nếu nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu nhiều hơn về điện, trong khi hàng nghìn MW từ các nhà máy nhiệt điện hiện có không thể phục hồi và nguồn nước không được thuận lợi, thậm chí là khô hạn, cạn kiệt như 2 năm về trước (năm 2010) khiến các nhà máy thủy điện chỉ có thể hoạt động cầm chừng được khoảng 30-50% công suất? Khi đó, liệu có còn đủ nhà máy điện để đổ than đổ dầu vào đốt để chấp nhận có điện với bất cứ giá nào? Và, thực tế này liệu có nhà đầu tư nào dám mạo hiểm đầu tư vào ngành điện?
Con số lãi của EVN liệu đã thực sự đáng mừng khi tập đoàn này cũng chỉ là 1 trong 3 trụ cột của ngành năng lượng, lại đang gánh một khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn đang phải dựa vào cơ chế đặc biệt của Chính phủ cho phép tăng giá điện để bù lỗ? Vì thế, nhìn vào số lãi lớn của các tập đoàn năng lượng, giật mình với những nỗi lo lớn hơn.