Vai trò của ngân hàng thương mại với thị trường vốn

Ngân hàng thương mại (NHTM) có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thị trường vốn, cụ thể:

Một là, NHTM giải quyết sự thiếu vốn của nền kinh tế, giúp các cá nhân và doanh nghiệp (DN) có điều kiện sản xuất kinh doanh; NHTM là một nhân tố quyết định trong việc thu hút, huy động, tích tụ và tập trung các nguồn tài chính nhàn rỗi trong nền kinh tế, góp phần tài trợ cho nhu cầu về vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh; NHTM có khả năng chuyển hóa các khoản tiền gửi nhỏ lẻvà có các thời hạn ngắn thành các khoản tín dụng có thời hạn dài hơn, tài trợ kịp thời cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Hơn nữa, thông qua mạng lưới các chi nhánh, NHTM còn đóng vai trò điều hòa vốn, thu hút những nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, cung cấp các khoản vay và đầu tư cho những nơi thiếu vốn, từ đó góp phần rút ngắn sự chênh lệch về khoảng cách tăng trưởng và phát triển kinh tế giữa các vùng, miền.

Hai là, NHTM giữ vai trò phát hành, đầu tư trực tiếp, phân phối, bảo lãnh phát hành, kinh doanh trái phiếu và cho vay chứng khoán trên thị trường chứng khoán (TTCK). Cho đến nay, việc phát hành trái phiếu của các NHTM chưa phải là một hoạt động thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, sự quan tâm lớn của nhà đầu tư (NĐT) đối với các đợt phát hành trái phiếu tăng vốn trên thị trường vừa qua đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của trái phiếu ngân hàng, đặc biệt là đối với các NHTM hoạt động tốt, có uy tín.

Việc tham gia bảo lãnh phát hành của các NHTM, không những giúp DN có thể huy động được vốn mà còn giúp các NHTM thu thập nhiều thông tin về khách hàng, nhận định chuẩn xác hơn về giá trị DN cũng như cắt giảm chi phí điều tra, đánh giá; kinh doanh trái phiếu của các NHTM mới được nghiên cứu và đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây.

Thêm vào đó, việc bán trái phiếu cho các NHTM là một kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh vay trung và dài hạn từ ngân hàng. NHTM tham gia thực hiện các công cụ phái sinh là nhằm bảo hiểm rủi ro giao dịch tài chính cho ngân hàng và khách hàng. Sự kết hợp giữa thị trường tiền tệ với TTCK sẽ cung cấp cho các NĐT nhiều công cụ để kinh doanh và bảo hiểm rủi ro, đồng thời tăng tính thanh khoản của thị trường.

Tuy còn non trẻnhưng TTCK Việt Nam đã chứng tỏ là một kênh dẫn vốn hữu hiệu, góp phần không nhỏ trong việc phát triển thị trường vốn. Với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng vốn trong dân cư rất lớn, các NHTM đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển TTCK cũng như thị trường vốn nói chung, thể hiện ở những điểm sau:

Thứ nhất, các NHTM đã tạo hàng hóa cho TTCK, góp phần vào việc đa dạng hóa thị trường thông qua việc phát hành cách loại chứng khoán, trái phiếu của NHTM.

Thứ hai, thông qua các hoạt động như tư vấn chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, cho vay chứng khoán, NHTM trở thành cấu nối giữa NĐT và TTCK.

Thứ ba, với tiềm lực tài chính lớn mạnh, NHTM là chủ thể đầu tư trực tiếp trên TTCK. Ngoài ra, không thể không nhắc tới vai trò của NHTM trong việc thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường, cũng như điều hòa cung - cầu, ổn định TTCK.

Có thể nói, các NHTM có vai trò quan trọng trong việc chi phối, phát triển thị trường vốn ở Việt Nam, nhất là thị trường TPCP. Chẳng hạn, sự phát triển của thị trường cổ phiếu trong những năm 2006 - 2007 là do một lượng vốn lớn từ các NĐT nước ngoài. Đáng chú ý, khi khủng hoảng xảy ra, dòng vốn nước ngoài giảm mạnh, kéo theo là sự sụt giảm của thị trường. Tuy nhiên, đến nay thị trường cổ phiếu vẫn được duy trì và đang có dấu hiệu phục hồi do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vai trò của các NHTM vừa tham gia với tư cách thành viên niêm yết thị trường, vừa thực hiện bao tiêu phát hành, kinh doanh chứng khoán, cung cấp chứng khoán hoặc các dịch vụ tài chính...

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) so sánh tương quan quy mô kênh dẫn vốn so với GDP, thì quy mô dẫn vốn qua kênh tín dụng trong nước luôn chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí trong giai đoạn 2008 - 2011, vốn qua kênh tín dụng còn lớn hơn 100% quy mô GDP của nền kinh tế. Hiện tại, ước tính vốn ngân hàng trong các DN tại Việt Nam vẫn chiếm hơn 70% trong khi ở Malaysia chỉ là 4%, Philippines 27%, Thái Lan 40%, Indonesia 35%... Thực tế trên cho thấy, vai trò quan trọng của hệ thống NHTM Việt Nam trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, các ngân hàng đã cùng một lúc thực hiện cả hai vai trò là cung ứng vốn ngắn hạn, vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của các NHTM mới chỉ tập trung ở một số hoạt động huy động và cho vay tín dụng thông thường còn các hoạt động của “một người chơi chính” trên thị trường vốn trung và dài hạn thì còn hạn chế, mới chỉ có một số ít các ngân hàng hiện diện dưới hình thức DN niêm yết, kinh doanh môi giới chứng khoán. Điều đó, cũng phản ánh sự mất cân đối trong cấu trúc hệ thống tài chính của Việt Nam, trong đó TTCK và thị trường trái phiếu chưa phát triển tương xứng với thị trường tín dụng, gây sức ép lên hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Những tác động của tái cấu trúc ngân hàng thương mại tới phát triển thị trường vốn

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống TCTD bao gồm: “Cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện các hệ thống TCTD để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế...

Đối với thị trường vốn, ngân hàng không chỉ là chủ thể trực tiếp tham gia vào mảng vốn tín dụng, mà còn góp phần không nhỏ vào hoạt động của TTCK, với rất nhiều chức năng quan trọng. Do đó, khi hệ thống ngân hàng đã được lành mạnh, hoạt động hiệu quả thì thị trường vốn cũng được hưởng rất nhiều những tác động tích cực.

Như đã phân tích ở trên, NHTM có vai trò lớn trong việc phát triển thị trường vốn. Do đó, việc tái cấu trúc NHTM cũng sẽ có những tác động không nhỏ tới việc xây dựng một thị trường vốn hiện đại, an toàn và hiệu quả, cụ thể:

Một là, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng, từ đó góp phần phát triển thị trường vốn.

Do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, hệ thống ngân hàng đến nay vẫn đóng vai trò chi phối trên thị trường vốn, với tỷ lệ vốn tín dụng ngân hàng trung và dài hạn ở mức cao so với trái phiếu và cổ phiếu. Do đó, hoạt động của ngân hàng có vai trò chủ chốt, ảnh hưởng rất lớn tới việc xây dựng và phát triển thị trường vốn. Mục đích cuối cùng của việc tái cơ cấu ngân hàng là để hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các NTHM. Các NHTM yếu kém sau khi tái cấu trúc sẽ có sự chuyển biến rõ rệt về chất, bao gồm các yếu tố như vốn, trình độ quản trị... Vốn tín dụng nói chung và tín dụng trung, dài hạn nói riêng vì thế sẽ được đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đối với thị trường vốn, ngân hàng không chỉ là chủ thể trực tiếp tham gia vào mảng vốn tín dụng, mà còn góp phần không nhỏ vào hoạt động của TTCK, với rất nhiều chức năng quan trọng. Do đó, khi hệ thống ngân hàng đã được lành mạnh, hoạt động hiệu quả thì thị trường vốn cũng được hưởng rất nhiều những tác động tích cực.

Hai là, tái cấu trúc ngân hàng góp phần làm ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó gián tiếp ổn định thị trường vốn.

Thực tế đã cho thấy, hoạt động ngân hàng luôn có ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ là tiền đề vững chắc cho một nền kinh tế ổn định. Ngược lại, hệ thống ngân hàng yếu kém sẽ là “ngòi nổ” của khủng hoảng kinh tế.

Thị trường vốn tại Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Khi kinh tế vĩ mô bất ổn, lạm phát cao, Chính phủ buộc phải có những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của thị trường vốn. Có thể thấy rõ điều đó qua sự bất ổn của TTCK trong những năm gần đây. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của NĐT được củng cố, TTCK sẽ khởi sắc, góp phần ổn định và phát triển thị trường vốn.

Ba là, tái cấu trúc ngân hàng góp phần phát triển một thị trường vốn có cấu trúc hợp lý.

Hiện nay, tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cấu trúc thị trường vốn. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu tuy đã được chú ý phát triển, nhưng quy mô của hai thị trường này vẫn còn nhỏ và tồn tại nhiều hạn chế về mặt hoạt động cũng như khuôn khổ pháp lý. Việc tiếp cận vốn của DN thông qua 2 kênh này vì thế vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với qua kênh tín dụng ngân hàng.

Tái cấu trúc ngân hàng theo hướng giảm bớt số lượng ngân hàng và TCTD thông qua sáp nhập và tái cơ cấu, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng sẽ góp phần làm thay đổi sự chênh lệch này. Khi tín dụng khó tiếp cận hơn do những đòi hỏi khắt khe hơn từ phía ngân hàng để đảm bảo mức độ rủi ro, tránh nợ xấu, DN sẽ buộc phải chuyển sang những hình thức khác để huy động vốn, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu. Từ đó, góp phần cân bằng lại tỷ trọng vốn giữa thị trường tín dụng và TTCK theo hướng cân bằng và hợp lý hơn. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, thì song song với việc tái cấu trúc ngân hàng phải tập trung phát triển hai thị trường cổ phiếu, trái phiếu, để đảm bảo nguồn cung vốn cho DN. Nếu không, vô hình chung DN sẽ bị “bóp chết” giữa 2 gọng kìm, không thể tiếp cận được nguồn vốn để đảm bảo duy trì hoạt động.

Một số gợi ý chính sách

Từ những vấn đề trên, để phát triển thị trường vốn thông qua kênh dẫn vốn là hệ thống NHTM, tác giả xin đưa ra một số gợi ý chính sách sau:

Một là, đối với thị trường vốn tín dụng ngân hàng, cần nâng cao năng lực thể chế, rà soát các cơ chế chính sách theo hướng thị trường, tạo môi trường cho các TCTD hoạt động... Các NHTM nên chủ động xây dựng lộ trình thích hợp và kiên quyết thực hiện Thông tư số 02/2012/TT-NHNN về phân loại nợ và trích phòng rủi ro, nhanh chóng áp dụng các chuẩn mực về phân loại nợ và trích phòng rủi ro theo thông lệ quốc tế; rà soát vốn thực có của các NHTM để giám sát tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, thực hiện quản trị rủi ro theo Basel II, tiến tới Basel III...

Bên cạnh đó, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động ngân hàng thông qua việc điều chỉnh cơ chế, chính sách một cách phù hợp, điều tiết, khắc phục những khuyết tật của thị trường. Xây dựng chế tài đủ mạnh để đảm bảo tính công bằng của thị trường.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện việc tái cơ cấu ngân hàng, đề ra lộ trình minh bạch hướng đến sự chuyển biến về chất. Giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động NHTM, bắt buộc các ngân hàng phải minh bạch thông tin trong kinh doanh.

Ba là, phát huy thế mạnh của NHTM về mạng lưới, khả năng phát triển TTCK phi tập trung (OTC) thông qua việc tạo khuôn khổ pháp lý khuyến khích NHTM tham gia hoạt động chứng khoán và thúc đẩy hoạt động sâu rộng hơn của ngân hàng trong TTCK.

Bốn là, tập trung, đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu DN, tăng tính thanh khoản của thị trường này trên cơ sở nâng cao mức độ tín nhiệm của DN. Muốn vậy, bên cạnh việc các DN phải tự củng cố, minh bạch công khai thông tin hoạt động của DN, công bố mục đích rõ ràng của việc phát hành trái phiếu để NĐT thấy được hiệu quả khi bỏ vốn, thì cũng cần phải có cơ chế làm tăng khả năng đánh giá tín nhiệm của DN; đánh giá độ rủi ro của việc đầu tư vào trái phiếu DN. Từ đó, xây dựng “luật chơi” phù hợp cho thị trường vốn.

Năm là, chú trọng và đẩy mạnh phát triển thị trường OTC với trọng tâm là hoạt động của các NHTM và công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò của trung tâm lưu ký chứng khoán với trách nhiệm tập trung hóa tất cả hoạt động lưu ký đối với các chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch của hai trung tâm giao dịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ngoài sàn do các NHTM, công ty chứng khoán thực hiện.

Sáu là, nâng cao tính minh bạch của TTCK thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp lý và hệ thống xếp hạng (định mức) tín nhiệm.

Tài liệu tham khảo:

1. Website của Ngân hàng Thế giới (www.worldbank.org);

2. Website của Ngân hàng Phát triển châu Á (www.asianbondsonline.adb.org);

3. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn);

4. Vuong, Q.Hoang, Tran Tri Dung (2010), “Vietnam’s Corporate Bond Market, 1990 - 2010: Some reflections” (http://www.vietnamica.net/op/ wp-content/uploads/2010/11/VuongTran.JEPR_.Vol6_.No1_.2011.pdf);

5. Nguyen Quoc Hung (2011) “Vietnam’s Capital Market: Young and Growing” (http:// www.ide.go.jp/Japanese/Publish/Download/Report/2011/pdf/107_ch9.pdf).

Những tác động từ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại đến phát triển thị trường vốn

TS. NGUYỄN THỊ KIM THANH - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)

(Tài chính) Là kênh dẫn vốn hiệu quả trên thị trường tài chính - tiền tệ, hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển thị trường vốn. Đó là tạo ra các loại hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, góp phần làm đa dạng hóa thị trường vốn thông qua việc phát hành các loại chứng khoán, trái phiếu.

Xem thêm

Video nổi bật