Những thành công bước đầu của học thuyết Abenomics

TS. NGUYỄN NGỌC MẠNH - Viện Nghiên cứu Châu Mỹ

(Tài chính) Một trong những dấu ấn nổi bật của Thủ tướng Shinzo Abe trong thời gian qua được dư luận thế giới nhắc tới là chính sách cải tổ kinh tế táo bạo mang tên Abenomics. Không giống với chính sách kinh tế của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, Abenomics được ví như một "liệu pháp sốc" với 3 trọng tâm gồm thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nguồn: internet
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nguồn: internet

Sau hơn một năm triển khai chương trình cải cách kinh tế, Abenomics đã gần đạt được mục tiêu đề ra khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang dần hồi phục với tốc độ tăng trưởng GDP tăng 1,5% vào năm 2013. Năm 2014, với việc tiếp tục chính sách này, dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,7%, tỷ lệ lạm phát dừng ở mức 1,2 %.

Định hình học thuyết
“Abenomics”

Kể từ khi bong bóng trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vỡ tung hồi đầu những năm 1990, các công ty Nhật Bản đã tập trung vào việc cắt giảm nợ và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Lương không tăng lên hoặc tăng rất chậm khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến hai thập kỷ mất mát của Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa bằng 0. Giá các loại hàng hóa như thực phẩm tương sống và rượu liên tục sụt giảm, tạo nên hiện tượng giảm phát. Thảm họa động đất sóng thần và khủng hoảng hạt nhân năm 2011 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ. Bên cạnh đó, tình  dân số bị già hóa đã trở thành chướng ngại vật khó có thể vượt qua và khiến nhiều Thủ tướng phải ra đi. Chính bản thân ông Abe cũng từng thất bại trong năm 2006 với nhiệm kỳ đầu tiên kéo dài trong 12 tháng.

Tuy nhiên, sau khi trở lại với cương vị Thủ tướng Nhật lần này, ông Shinzo Abe đã công bố một chính sách đầy tham vọng gồm 3 mũi nhọn: nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa và cải cách kinh tế.

Các biện pháp thực thi cụ thể gồm:

1- Chính phủ Abe sẽ triển khai gói kích thích tăng trưởng lên tới 210 tỷ USD, trong đó chi tiêu của chính phủ cho phát triển hạ tầng là 116 tỷ USD.

2- Ngân hàng trung ương Nhật Bản đặt mục tiêu nâng lạm phát lên 2% sau 2 năm.

3- Cũng trong 2 năm, Chính phủ Nhật quyết tâm tạo thêm 600.000 việc làm

4- Nâng mức tăng trưởng kinh tế từ âm 0,7% lên 2%

5- Điều chỉnh chính sách lao động để khuyến khích phụ nữ tham gia lực lượng lao động

6- Các chính sách về năng lượng, môi trường và y tế  tiếp tục được duy trì

7- Quan hệ thương mại được đặc biệt thúc đẩy. Nhật theo đuổi chính sách đồng Yên yếu.

Theo Nhà kinh tế từng nhận giải thưởng Nobel, Joseph E. Stigliz thì chính sách Abenomics hoàn toàn có thể mang lại thành công cho nền kinh tế Nhật Bản bởi vì: 

Thứ nhất, đồng Yên giảm giá làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản. Điều này có vẻ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quan hệ thương mại Nhật-Mỹ bởi với các gói QE (kích thích tăng trưởng kinh tế bằng nới lỏng tiền tệ) đồng USD đã được làm yếu từ sớm. Đức và Trung Quốc hẳn nhiên không thích đồng Yên yếu. Nhưng cả hai nước này đều phải lo lắng tới nguy cơ lạm phát một khi tham gia cuộc chiến tiền tệ – cuộc chiến được khởi xướng khi một quốc gia chủ động hạ thấp giá trị đồng tiền của mình  

Thứ hai, các khoản đầu tư vào hạ tầng sẽ thực sự phát huy hiệu quả mang lại nhiều lợi ích công cộng và việc làm cho nền kinh tế Nhật Bản. Điều này đã được minh chứng trong những giai đoạn trước của nền kinh tế Nhật Bản với mức thất nghiệp của Nhật chưa lúc nào quá 5,8%, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu thì thất nghiệp cao nhất cũng chỉ là 5,5%.  

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện bằng việc tái cấu trúc kinh tế, cải thiện năng suất lao động nhờ sự tham gia vào lực lượng lao động của nữ giới. Nhật Bản không cần dỡ bỏ các rào cản chính sách – nhất là điều luật về bảo vệ môi trường, an toàn và sức khỏe. Cái cần thiết là những đạo luật đúng nhằm tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào quá trình cải cách kinh tế.  

Ngoàn ra, những thuận lợi khác cho sự trở lại thành công của Nhật Bản còn phải kể tới: hệ thống thể chế vững chắc; lực lượng lao động được đào tạo tốt với kỹ năng kỹ thuật và thiết kế chính xác cao; vị trí địa lý thuộc khu vực kinh tế năng động nhất (có lẽ cũng là duy nhất) thế giới vào lúc này; cam kết lâu dài về bảo vệ môi trường; và khoảng cách bất bình đẳng xã hội nhỏ (dù Nhật Bản vẫn xếp sau Canada và một số nước Bắc Âu).

Những rủi ro tiềm tàng

Tuy chính sách đã kích thích nền kinh tế phát triển trong năm 2013, nhưng vẫn có những học giả tỏ thái độ nghi ngờ đối với chính sách này. Các học giả cảnh báo rằng chính sách này không tạo nên sự phục hồi mang tính bền vững cho nền kinh tế Nhật Bản, ngược lại sẽ có những tác dụng phụ. Nền kinh tế Nhật Bản những năm trước có nhiều khó khăn không chỉ do vấn đề giảm phát, mà còn do chu kỳ của nó. Do vậy, không thể nói kinh tế Nhật Bản thời gian qua phục hồi kinh tế là nhờ “Abenomics”.

Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2014 ước đạt khoảng 2%, năm 2015 sẽ giảm, đạt khoảng 1,2%. Để đạt được tăng trưởng này Nhật Bản phải tích cực giảm nợ xấu. Năm 2013 nợ xấu của Nhật Bản ở mức 243,5%. Hiện tại có thể nói, Nhật Bản mặc dù đang thực hiện chính sách tài chính tích cực và cân bằng tiền tệ dựa trên chính sách Abenomics, nhưng sẽ gây ra một áp lực mới cho thế hệ sau về gánh nợ do thâm hụt ngân sách. Nếu như Nhật Bản hoạch định sớm kế hoạch giảm thâm hụt thì đến năm 2015 thâm hụt ngân sách vẫn chỉ có thể giải quyết được 50%.

Theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế thế giới (OECD), tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2014 ước đạt khoảng 1,5%, năm 2015 phấn đấu đạt 1%. Nghĩa là tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2013 tuy đạt tăng trưởng cao, nhưng những năm sau đó giảm dần. Tổ chức này đồng thời với việc kêu gọi Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng tiền tệ, cũng phải tích cực cải cách cơ cấu kinh tế, duy trì mức tăng trưởng, thúc đẩy tái cân bằng kinh tế toàn cầu.

Nhìn một cách tổng thể, điểm nhấn kinh tế Nhật Bản của năm 2014 là ảnh hưởng mang tính ngắn hạn đối với nền kinh tế do tăng thuế tiêu dùng. Để cân bằng áp lực tài chính, Thủ tướng Abe đã quyết định từ tháng 4/2014 sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%. Một mặt Thủ tướng Abe đã đưa ra kế hoạch cụ thể liên quan tới việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện tại đã bắt đầu nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn trong chính sách Abenomics. Năm 2014 này, Abenomics có phát huy hiệu quả như ông Abe mong muốn hay không là điều khó đoán định.

Thách thức phía trước

Nhìn chung, nền kinh tế Nhật đã khả quan hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Chỉ số Nikkei đã tăng hơn 50% trong năm nay, đưa nó trở thành chỉ số chứng khoán diễn biến tốt nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, đồng yen đã giảm 17% so với đồng USD, khiến cho các nhà xuất khẩu Nhật hồ hởi. Xét ở khía cạnh vĩ mô, mọi thứ đang theo chiều hướng tốt hơn. Chính phủ Nhật đang tiến gần hơn đến mục tiêu lạm phát 2% trong 2 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến sẽ vượt 1% trong nửa đầu năm 2014, mặc dù phần lớn là nhờ chi phí nhập khẩu năng lượng cao hơn (do đồng yen yếu hơn).

Dựa trên những kết quả này, rõ ràng, 2 mũi tên đầu tiên (nới lỏng tiền tệ và nới lỏng tài khóa) của chính sách Abenomics đã trúng đích. Tuy nhiên, mũi tên thứ ba (thực hiện các cải cách kinh tế mang tính cơ cấu) thì chưa đạt được.

Bản chất của trụ cột thứ ba của Abenomics là cải tổ cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội để đản bảo có được tăng trưởng kinh tế bền vững về lâu dài. Trên phương diện này, ông Abe đến nay chưa thực hiện được gì đáng kể. Chính sách phát triển công nghiệp dài hạn vẫn chưa được ông Abe xác định rõ ràng cho nên hiện vẫn cản trở nhiều hơn là thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội chung của cả đất nước. Việc định hướng chiến lược tăng trưởng dài hạn dựa vào kỹ thuật và công nghệ hiện đại vẫn chưa thoát được ra khỏi giai đoạn ý tưởng. Cả việc nới lỏng những quy định thiết chế thị trường tài chính, thị trường lao động, cải cách thuế và tự do hoá mậu dịch đều vẫn rất chậm. Cải cách hành chính và cải cách xã hội vốn đóng vai trò quyết định không kém trong trụ cột thứ ba này đến nay hầu như ông Abe chưa đụng chạm đến.

Có thể nói ông Abe đã thành công nhất định với Abenomics ở Nhật Bản trong năm qua. Những thành quả ấy đã giúp ông Abe củng cố vững chắc vị thế quyền lực, thắng cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua và giành được tín nhiệm cao trong dân chúng. Nhưng thách thức ở phía trước vẫn rất đáng kể và phụ thuộc trước hết vào việc thực hiện trụ cột nội dung thứ ba cũng như cải thiện môi trường đối ngoại và chính trị an ninh ở khu vực.