Những thay đổi về chính sách thuế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

NGUYỄN THANH HẰNG - Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính

Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam là phải đẩy mạnh cải cách, trong đó cải cách chính sách thuế là yêu cầu bắt buộc đầu tiên để phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đã ký kết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bối cảnh hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện nay

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do: Hiệp định trong nội khối ASEAN (ATIGA), ASEAN - Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản, ASEAN- Úc-Niu-di-lân, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong hầu hết các FTA đã ký kết, mức độ tự do hóa về thuế nhập khẩu trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ ATIGA với mức cam kết tự do hóa xấp xỉ 98%. Cam kết về thuế nhập khẩu trong 2 khuôn khổ FTA thế hệ mới là TPP và Việt Nam - EU (dự kiến có hiệu lực từ 2018) có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng tới cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 100% số dòng thuế.

Từ năm 2015 trở đi, đặc biệt sau năm 2018, khi các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA trong và ngoài khu vực hoàn thành cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, dự kiến nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) từ các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm, do số lượng các mặt hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu tăng mạnh và tỷ lệ hưởng ưu đãi C/O tăng cao hơn. Thu NSNN những năm tới được đánh giá là tiếp tục khó khăn.

Mục tiêu, yêu cầu đặt ra để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế

Các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế đã được đặt ra gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2010- 2015) đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; bội chi NSNN khoảng 4% GDP, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 20-21% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP. Quy mô thu NSNN giai đoạn 2016-2020 bằng khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2016-2020; Tạo thuận lợi và bảo vệ lợi ích quốc gia trong việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất; Tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước; Khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích thu hút đầu tư đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần tăng thu NSNN.

Muốn vậy, chúng ta cần mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa; đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; tạo điều kiện cho người nộp thuế tăng tích tụ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực hiện đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế, việc thiết kế và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi thuế được gắn chặt với các định hướng ưu tiên về phát triển ngành, lĩnh vực và địa bàn theo yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế; Tăng cường hiệu quả công tác chống chuyển giá; Tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các chính sách thuế hiện hành (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện các chính sách thu phí và lệ phí, chính sách thu NSNN như: thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất… theo định hướng đã được phê duyệt tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 do giá dầu có biến động giảm lớn; giảm thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết trong các FTA; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hai Hiệp định FTA thế hệ mới là Việt Nam - EU và TPP đặt ra yêu cầu tương đối cao trong việc tự do hóa thương mại, việc thực hiện 2 hiệp định này sẽ có tác động lớn hơn các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Vì vậy, trong thời gian tới hệ thống chính sách thuế cần được hoàn thiện theo đúng định hướng đã nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, phù hợp với xu hướng cải cách chính sách thuế trên thế giới hiện nay cũng như với lộ trình tự do hóa thương mại mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Cải cách hệ thống chính sách thuế phù hợp với hội nhập

Với 12 FTA Việt Nam đã tham gia ký kết được triển khai trên nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa (thuế quan), thủ tục hải quan, mua sắm chính phủ, đầu tư, thương mại dịch vụ như thị trường vốn, chứng khoán và bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán... nên sẽ có tác động đến tổng thể nền kinh tế.

Để theo kịp với xu thế hội nhập quốc tế, trong những năm qua, việc ban hành kịp thời các chính sách thuế ở nước ta đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực theo hướng đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Các chính sách này đã đảm bảo nguồn thu quan trọng và ổn định cho NSNN, bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng...

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách thuế đã thúc đẩy hạch toán kế toán, sử dụng hóa đơn, chứng từ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp (DN). Công tác tổ chức thu nộp và quản lý sử dụng nguồn thu từ phí, lệ phí được công khai, minh bạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; từng bước đổi mới cơ chế quản lý phí, lệ phí gắn với xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động cho các đơn vị quản lý thu nộp và sử dụng phí, lệ phí; phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực phí, lệ phí. Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011 - 2015 bằng gần 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN giai đoạn 2011-2015 bình quân khoảng 21% GDP trong đó, năm 2015, nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) chiếm trên 70% tổng thu NSNN.

Trong giai đoạn 2010 - 2016, gần 500 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chính sách thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ và liên bộ đã được ban hành. Các chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế.

Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, để hạn chế tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các giải pháp chính sách thuế được ban hành trong thời gian qua đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ thị trường, tăng trưởng bền vững.

Trong đó, có thể kể đến một số luật, nghị quyết, nghị định đã được ban hành trong năm 2014, 2015, 2016 như: Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB; Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN; Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế...; Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIII.

Luật phí, lệ phí được ban hành đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch về quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện chính sách phí, lệ phí. Đồng thời, việc chuyển mạnh các khoản phí sang giá góp phần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ công, khuyến khích DN tiết giảm chi phí hạ giá thành dịch vụ cung cấp, tạo điều kiện người dân có nhiều dịch vụ để lựa chọn với giá cả hợp lý hơn, chất lượng tốt hơn.

Hơn nữa, chúng ta cần đảm bảo nguồn thu NSNN trước bối cảnh giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, cũng như đảm bảo nguồn thu NSNN ổn định khi thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế. Để khuyến khích sử dụng xăng dầu sinh học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về biểu thuế bảo vệ môi trường điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu (trừ dầu hỏa).

Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB để áp dụng chung cho các hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá bán ra của nhà nhập khẩu (bao gồm chi phí lưu thông, bán hàng và lợi nhuận (nếu có) khi bán ra trong nước); Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng theo các cam kết quốc tế (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN); Hạn chế việc khai giá thấp tại khâu nhập khẩu trong khi giá bán ra trong nước cao hơn nhiều so với giá vốn hàng nhập khẩu; Sửa đổi quy định tỷ lệ giá để so sánh giá tính thuế TTĐB của cơ sở sản xuất với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại là 7% (trước là 10%), nhằm hạn chế trường hợp chuyển giá để giảm nghĩa vụ thuế TTĐB.

Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế được ban hành nhằm góp phần giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông nông sản, thủy hải sản trong nước. Khuyến khích chế biến sâu, hạn chế đối với việc xuất khẩu khoáng sản hoặc sản phẩm mà giá trị khoáng sản trong giá trị hàng hóa thô chưa qua chế biến; khuyến khích chế biến sâu, đồng thời phòng chống tình trạng gian lận về hoàn thuế GTGT trong khâu lưu thông đối với hàng hóa nông sản, thủy hải sản.

Điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ DN chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh khi thời điểm thực hiện các cam kết giảm dần tiến tới bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần (2 - 3 năm).

Những sửa đổi, bổ sung không trái những cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã ký kết các FTA và sẽ ký (TPP, Việt Nam - EU...); Tiếp tục góp phần đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế.

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Bổ sung các quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế vào dự thảo Luật để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định này, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;

2. Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế;

3. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.