Những thông số đáng ghi nhận

Theo hanoimoi.com.vn

Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay tăng 6,6% là minh chứng cho thấy sự hồi phục đáng ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp...

Chính phủ yêu cầu mỗi cơ quan, cán bộ tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, xác định nhiệm vụ trọng tâm lấy DN làm đối tượng phục vụ. Nguồn: internet
Chính phủ yêu cầu mỗi cơ quan, cán bộ tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, xác định nhiệm vụ trọng tâm lấy DN làm đối tượng phục vụ. Nguồn: internet

Bức tranh sáng màu hơn

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng qua, số DN đăng ký thành lập mới tăng 1%, với 13.904 đơn vị, nhưng tăng tới 45,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2015. Các con số trên thể hiện niềm tin vào thị trường và tương lai đối với hoạt động kinh doanh của giới DN.

Như vậy, diễn biến đời sống DN đang minh họa cho nhận định của Chính phủ là nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục mạnh từ năm ngoái và toàn diện hơn trong năm kế hoạch 2016.

Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động từ trước nay đã quay lại thị trường trong thời gian nói trên là 7.416 đơn vị, tăng 69,5% so với cùng kỳ.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là: Kim loại, xe có động cơ, sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, trang phục, da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất và phân phối điện, nước... Dự báo, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ gia tăng nhanh hơn trong các tháng tới.

Doanh nghiệp là đối tượng phục vụ

Tại hội nghị tham tán thương mại mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, các cấp điều hành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư - kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.

Chính phủ yêu cầu mỗi cơ quan, cán bộ tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, xác định nhiệm vụ trọng tâm lấy DN làm đối tượng phục vụ thông qua những biện pháp thiết thực, tránh hình thức.

Trong đó, các cơ quan quản lý, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin và tìm kiếm, phát triển những mô hình hợp tác hiệu quả để nhân rộng, không ngừng đáp ứng yêu cầu của DN; nhất là đối với các đơn vị làm hàng xuất khẩu.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn chung các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ công chức đã có nhiều thay đổi tích cực, hướng tới chuẩn mực công vụ chuyên nghiệp, thể hiện qua việc cải thiện chất lượng điều hành tại các địa phương trong những năm qua.

Điều đó cũng nhận được phản hồi tích cực từ phía DN nước ngoài khi mới đây, có gần 64% số DN Nhật Bản được hỏi khẳng định có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2016.

Trên thực tế, DN vẫn trông đợi vào những chuyển biến mạnh mẽ hơn, nhất là các giải pháp góp phần giảm chi phí tài chính, thời gian cho DN, như lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường...

Trong khi đó, Bộ Công thương nhấn mạnh sẽ tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện nội dung, quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia gắn liền với những giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, tiếp tục chủ động hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào một số ngành hàng có tiềm năng như thực phẩm chế biến, thủy sản, nông sản nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường tiềm năng và thâm nhập, khai thác thị trường mới.