Những tín hiệu tích cực trong việc giải quyết nợ xấu

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội nêu tại văn bản số 34/SYCV-KH6 ngày 31/10/2013 của Văn phòng Quốc hội về vấn đề giải quyết nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tốc độ gia tăng nợ xấu giảm dần từ cuối năm 2012.

Những tín hiệu tích cực trong việc giải quyết nợ xấu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tốc độ gia tăng nợ xấu giảm dần từ cuối năm 2012. Nguồn: internet

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trước khi Đề án xử lý nợ xấu được ban hành, NHNN đã chủ động chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng phát huy nội lực để triển khai quyết liệt các giải pháp tự xử lý nợ xấu, gồm: Cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro để xử lý nợ; tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro...

Thống đốc cũng cho biết, giải pháp cơ cấu lại nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của NHNN không phải là giải pháp duy nhất để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, đây là một trong các giải pháp quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, của nền kinh tế nước ta, góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý được một khối lượng nợ xấu rất lớn, trong khi vẫn không làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng vay bị suy giảm (một số trường hợp bị suy giảm nghiêm trọng) và việc huy động nguồn tài chính từ bên ngoài để xử lý nợ xấu không thuận lợi.

Thông qua biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn tạm thời, nhưng có phương án tái cơ cấu, khắc phục khó khăn và có khả năng, triển vọng vượt qua khó khăn, một khối lượng lớn dư nợ tín dụng được giữ nguyên nhóm đã góp phần hỗ trợ giảm bớt khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do không phải trả lãi phạt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục có thể vay vốn ngân hàng.

Thống kê của NHNN cho biết, đến nay, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu.

“Nếu không thực hiện giải pháp này thì nợ xấu đã tăng thêm trên 6%”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.

Thế nhưng, Thống đốc cũng thừa nhận, giải pháp này chưa bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng được xử lý một cách vững chắc, triệt để, đồng thời ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại nếu các giải pháp khác về kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại doanh nghiệp, xử lý hàng tồn kho, phát triển thị trường bất động sản… như đã nêu tại Đề án xử lý nợ xấu không được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Chính vì vậy, ngay sau khi Đề án xử lý nợ xấu được ban hành, NHNN đã: (1) Chủ động đề nghị các Bộ, ngành và địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo trách nhiệm đã được phân công; (2) Ban hành và thực hiện Kế hoạch hành động triển khai Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ngày 26/7/2013, VAMC đã chính thức đi vào hoạt động với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch và hạn chế rủi ro, chi phí trong xử lý nợ xấu. Hành lang pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu qua VAMC đã cơ bản hoàn thành. Đồng thời, NHNN đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, lập danh sách các khoản nợ xấu đủ điều kiện và hoàn chỉnh các hồ sơ đề nghị bán nợ cho VAMC.

Tính đến ngày 31/10/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của 14 ngân hàng với số dư nợ gốc 14.019 tỷ đồng và giá mua là 11.119 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

“Việc VAMC mua được nợ xấu và tiếp nhận ngày càng nhiều đề nghị bán nợ tự nguyện từ nhiều ngân hàng bao gồm Ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có nhiều ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% chứng tỏ các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng bán nợ xấu cho VAMC và tâm lý e ngại của các tổ chức tín dụng trong việc bán nợ xấu đã được xóa bỏ đáng kể khi các tổ chức tín dụng đã hiểu được rõ ràng hơn những lợi ích đem lại của việc tham gia xử lý nợ xấu qua VAMC”, Thống đốc nhấn mạnh.

 Tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,20% so với cuối năm 2012; tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 đã giảm so với năm 2012.

“Trong đó, nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2013 lên tới 12,7%”, Thống đốc nêu rõ.

Về việc, vì sao hoãn thời gian thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN, ngày 21/01/2013, Thống đốc cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc áp dụng Thông tư này có thể gây thêm nhiều khó khăn cho tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn. Vì vậy, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã cho phép lùi thời điểm hiệu lực của Thông tư này từ ngày 01/6/2013 sang 01/06/2014.

“NHNN Việt Nam tin tưởng rằng, nếu 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ nêu trên được hệ thống các tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Thống đốc kết luận.