Những vấn đề khi thực hiện lạm phát mục tiêu

Theo Chinhphu.vn

Việc đặt ra lạm phát mục tiêu sẽ giúp chúng ta chủ động và có dư địa để thực hiện chính sách tín dụng và tài khóa để tăng tổng cầu mà không tăng nguy cơ lạm phát.

Những vấn đề khi thực hiện lạm phát mục tiêu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu, đòi hỏi nhiều điều kiện, có thể quy về 4 nhóm: hạ tầng kỹ thuật, số liệu thống kê có độ tin cậy để có thể dự báo chính xác; sự lành mạnh của hệ thống tài chính; Ngân hàng Trung ương phải được độc lập, chủ động công cụ chính sách tiền tệ để kiểm tra lạm phát; giá cả, tỷ giá được thực hiện theo cơ chế thị trường, tình trạng đô la hoá, vàng hoá phải giảm thiểu.

Việc đáp ứng các nhóm điều kiện này ở nước ta còn khó khăn.

Những vấn đề khi thực hiện lạm phát mục tiêu - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Khó khăn ở nhóm điều kiện thứ nhất chủ yếu là độ tin cậy và sự khác nhau giữa các nguồn số liệu, làm cho việc đánh giá và dự báo khó khăn. Để đáp ứng điều kiện này, đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thông tin, quan trọng hơn là nâng cao độ tin cậy của thông tin kinh tế-xã hội và có trình độ dự báo chính xác.

Nhóm điều kiện thứ hai hiện cũng gặp khó khăn do độ sâu của thị trường tài chính ở Việt Nam còn khá thấp. Người dân tự đầu tư trực tiếp còn ít, còn dựa chủ yếu vào việc gửi tiết kiệm ngân hàng; ngay cả doanh nghiệp có dư dả tiền mặt cũng thường gửi vào ngân hàng, nên tỷ lệ tiền gửi/GDP của Việt Nam đã tăng nhanh (từ 38,4% năm 2000 lên 151,2% năm 2010 và đến năm 2011 vẫn còn 129,9%). Tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh và ở mức cao (từ 35,1% năm 2000 lên 125% năm 2010 và đến năm 2011 vẫn còn 109,4%), trong khi của nhiều nước chỉ ở mức 50- 60%.

Việc lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp rất lớn. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp năm 2011 chỉ đạt 31,4%. Kênh huy động trên thị trường chứng khoán còn thấp; tỷ lệ vốn hoá/GDP lên xuống thất thường và còn thấp (2007 đạt 43%, 2008 còn 19%, 2009 lên 55%, 2010 còn 28,3%, 2011 còn 20%). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế. Nợ xấu tăng và giải quyết còn chậm… Giải pháp xung quanh việc “thắt chặt, nới lỏng”, dễ làm cho từ cực đoan này sang cực đoan khác. Tăng trưởng cao thì lạm phát lớn; kiềm chế lạm phát thì kinh tế trì trệ.

Đối với nhóm điều kiện thứ ba, Việt Nam cũng mới đáp ứng được một phần (độc lập về công cụ sử dụng).

Nhóm điều kiện thứ tư cũng chưa đầy đủ khi giá cả của một số hàng hoá còn đang phải thực hiện lộ trình giá thị trường. Vẫn còn tình trạng vàng hoá, đô la hoá nền kinh tế. Tuy vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải chuẩn bị các điều kiện để chuyển sang thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu, để đến năm 2017 Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Một số vấn đề cần giải quyết

Điều hành lạm phát theo mục tiêu là bài học được rút ra từ một số năm nay, đặc biệt từ năm ngoái. Để điều hành lạm phát theo mục tiêu, có một số vấn đề cần giải quyết.

Trước hết cần nghiên cứu thật kỹ, dự báo cho chính xác để quyết định mục tiêu cho chuẩn xác. Năm 2012, từ CPI tăng rất cao (18,13%) của năm trước, thì việc đề ra mục tiêu dưới 10% là cần thiết. Nhưng trong điều hành quá trình thực hiện, đã “kéo” xuống quá sâu (6,81%), tác động không tốt đến tăng trưởng kinh tế (đạt thấp nhất trong 13 năm).

Năm nay chúng ta đề ra mục tiêu tăng thấp hơn năm trước là đúng đắn, nhưng sau 5 tháng mới đạt 36,2% mục tiêu cả năm lại là thấp, cũng tác động đến sản xuất, thị trường. Nhưng nếu không cân nhắc liều lượng các giải pháp thì cũng không đạt được mục tiêu.

Khi mục tiêu lạm phát đã được quyết định thì phải kiên định và nhất quán với mục tiêu đó, bởi vì các mục tiêu có quan hệ chặt chẽ với nhau; sự thay đổi việc thực hiện một mục tiêu sẽ tác động, thậm chí phá vỡ việc thực hiện nhiều mục tiêu khác. Tất nhiên, kiên định, nhất quán không có nghĩa là cố định, mà phải linh hoạt, đồng bộ, theo tín hiệu của thị trường.

Các giải pháp đề ra đều phải hướng vào việc thực hiện mục tiêu, nhưng phải thông qua “tiến độ” thực hiện để bảo đảm “nhịp độ”, tránh “giật cục”, chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác, lúc thì thắt quá chặt, lúc lại nới quá lỏng và không chú ý đến tác động cộng hưởng của các yếu tố khác, nhất là yếu tố tâm lý. Từ năm ngoái đến năm nay, diễn biến lạm phát có xu hướng lặp lại trong những tháng đầu năm.

Sự lặp lại đều có nguyên nhân là giá lương thực giảm, giá thực phẩm tăng thấp, tăng trưởng tín dụng giảm hoặc tăng thấp, đầu tư từ ngân sách thực hiện đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ năm trước… Năm nay lại có thêm tổng cầu yếu, tồn kho cao… Kết quả dẫn đến tăng trưởng kinh tế, trong đó 2 nhóm ngành sản xuất hàng hoá chủ yếu của nền kinh tế là nông, lâm nghiệp-thuỷ sản và công nghiệp-xây dựng tăng thấp hơn cùng kỳ.

 Việc nới lỏng tín dụng cần hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, nếu không sẽ bị rẽ sang các lĩnh vực có độ rủi ro lớn cũng đang khát vốn nhất (chứng khoán, bất động sản).