Những vấn đề nóng trong tái cơ cấu ngành thủy lợi

GS., TS. Đào Xuân Học, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(Tài chính) Nhân loại ngày càng thấy rõ nước có tầm quan trọng đặc biệt và vĩnh viễn đối với dân sinh, kinh tế và an ninh quốc gia. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta đã, đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề to lớn, phức tạp đối với công cuộc bảo vệ, khai thác sử dụng nguồn nước và phòng chống thiên tai. Hiện tại hầu hết các hệ thống công trình thuỷ lợi đã xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu cấp và thoát nước trong tình hình mới, đặc biệt các công trình ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…

Những vấn đề nóng trong tái cơ cấu ngành thủy lợi
Hiện tại hầu hết các hệ thống công trình thuỷ lợi đã xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu cấp và thoát nước trong tình hình mới. Nguồn: internet

Áp lực tài nguyên nước và rủi ro đối với ngành thuỷ lợi Việt Nam

Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu là thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI; đang gây nên nước biển dâng, đe doạ ngập lụt ngày càng sâu ở các vùng đồng bằng; tình hình khô hạn, mưa lũ sẽ ngày càng dữ dội, cực đoan hơn. Bão lũ tăng lên đột xuất, hạn hán gia tăng, dòng chảy kiệt của các sông suối suy giảm lớn, gây nên thiếu nước ngọt trầm trọng cho đời sống và sản xuất.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu nhiều tác động bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, như: bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và hoang mạc hóa, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Trong 20 năm gần đây (1994 - 2013) ở nước ta, thiên tai (chỉ tính riêng bão, lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét) đã làm chết và mất tích gần 13.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm (đó là chưa nói đến thiệt hại kinh tế, môi trường do ngập úng thường xuyên ở các thành phố).

Theo dự báo của Ngân hàng Châu Á (ADB) dòng chảy lũ ở ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) sẽ tăng khoảng 19%, dòng chảy kiệt ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 29%. Nếu mực nước biển dâng lên 1m, vùng ngập triều thường xuyên chiếm khoảng 30% diện tích ĐBSCL. Trong mùa lũ, diện tích ngập có thể đến gần 95% ĐBSCL, với thời gian ngập từ 7-9 tháng. Diện tích bị xâm nhập mặn khoảng 70% diện tích. Ở ĐBSH hầu hết diện tích không thể tiêu tự chảy mà phải dùng bơm tiêu. Vấn đề an toàn trước thiên tai, phát triển bền vững Quốc gia bị đe dọa. Trong thực tế  vấn đề ngập úng nặng nề đã xảy ra ở hầu hết các cụm tuyến dân cư, các làng, ấp ở khu giữa đồng bằng và hầu hết các đô thị như: Hà Nội, Hải Phòng,Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau,Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Long An, Châu Đốc, Đồng Tháp… cần được quan tâm giải quyết.

Ngoài ra, các tranh chấp quốc tế về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt vấn đề an toàn các hồ đập ở thượng lưu trên các sông quốc tế liên quan đến nước ta rất phức tạp và nhạy cảm. Tranh chấp ngày càng trở nên quyết liệt hơn do những nhu cầu mới từ sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước thượng du trong điều kiện tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vấn đề phân công và kiện toàn bộ máy ngành thuỷ lợi

Trước hết, cần quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ, lực lượng khoa học và tổ chức bộ máy ngành thủy lợi để có thể giúp Nhà nước có chiến lược phù hợp và lâu dài trong cuộc chiến chống BĐKH.

Thực tế cho thấy, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước của ta hiện nay chưa hợp lý, đang phân tán, cán bộ ở cấp tỉnh rất thiếu hụt, ở cấp huyện gần như không có. Nhiệm vụ thì chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả, chưa được phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương trong quản lý nhà nước về các hồ thủy điện và việc quản lý bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước, nhất là về đo đạc thống kê tài nguyên nước; dự báo tình hình với quản lý nhà nước về khai thác sử dụng tài nguyên nước và phòng chống thiên tai; bảo vệ, khai thác sử dụng nước mặt và nước ngầm. Đặc biệt, bất cập thể hiện rõ nhất trong việc phân chia chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, phân phối tài nguyên nước và chức năng quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng, phát triển thuỷ lợi. Trong công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, sự phân công dẫn đến tình trạng một Bộ thì dự báo, một Bộ thì tổ chức thực hiện ứng phó, khắc phục...

Vấn đề phối hợp giữa các ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng

Thủy lợi là một trong những ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng, phục vụ cho nhiều ngành kinh tế quốc dân, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai để bảo vệ tính mạng và tài sản của dân. Việc kết nối, phối hợp các ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác như giao thông, năng lượng (thủy điện) và xây dựng trong công tác quy hoạch, thiết kế và đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong việc tránh lãng phí đất đai, giảm chi phí đầu tư, tránh mẫu thuẫn, cản trở lẫn nhau và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Hiện tại ở Việt Nam hầu hết hệ thống đê không được kết hợp với đường giao thông, đê biển không được kết hợp với đường quốc phòng an ninh ven biển, cầu không kết hợp với cống. Nhiều hệ thống đường, cầu cống giao thông, đường sắt cản trở dòng chảy, vấn đề quản lý các loại hồ chứa ở các lưu vực sông, đã gây ngập lụt nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống, sản xuất, phá hủy cơ sở hạ tầng ở nhiều vùng nông thôn. Hầu hết các thành phố trong cả nước đặc biệt ở ĐBSCL đang bị ngập lụt do lũ, do triều, do mưa, nhưng cách giải quyết giữa ngành xây dựng và thủy lợi lại riêng rẽ và thiếu đồng bộ.

Vấn đề quy hoạch - đặc biệt là quy hoạch thuỷ lợi ở ĐBSCL

Hiện tại tất cả 15 thành phố ở ĐBSCL đều bị ngập do lũ, do triều, do cả lũ cả triều và do mưa lớn; các cụm tuyến dân cư bị ngập do lũ, các làng ấp khu giữa đồng bằng bị ngập lũ; nguồn nước bị ô nhiễm; xói lở ven sông ven biển và kênh rạch ngày càng nghiêm trọng; đặc biệt do khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sự lún sụt đất ở vùng Bán đảo Cà Mau tới 3cm/năm-gấp gần 10 lần tốc độ nước biển dâng. Nguyên nhân sâu xa của các vấn đề của ĐBSCL là do chúng ta chưa có quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch toàn vùng với sự tham gia của hầu hết các ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Chủ yếu chúng ta quy hoạch theo từng ngành riêng rẽ, với thời đoạn ngắn và điều quan trọng nữa là tư duy trong công tác quy hoạch và đầu tư:

Do việc xây dựng các cụm tuyến dân cư, hệ thống đê bao bảo vệ các làng, các đô thị ở vùng ngập sâu; do hệ thống đê bao chống lũ triệt để với chiều dài 14.300km để bảo vệ 3.000 ô ruộng trồng lúa 3 vụ, đã gây cản trở dòng chảy, giảm diện tích trữ lũ; do tác động của biến đổi khí hậu làm cho chế độ mưa lũ, mực nước biển thay đổi và dâng cao. 

Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Na Uy năm 2013, do việc khai thác nước ngầm quá mức ở vùng Bán đảo Cà Mau phục vụ nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt, cùng với đất trầm tích mới, phát triển cơ sở hạ tầng, đã dẫn đến sự lún mặt đất hàng năm khoảng 3cm, gấp gần 10 lần so với tốc độ của nước biển dâng (nếu tình trạng như vậy vẫn tiếp diễn thì 20 năm nữa mức sụt lún đất có thể lên đến 1-1,3m).

Những nguyên nhân trên đã gây nên tình trạng ngập do triều, ngập do lũ ở tất cả các đô thị Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Sa Đéc, Đồng Tháp, Long Xuyên, Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh ngày càng sâu với tốc độ rất nhanh chóng, hầu hết các cụm tuyến dân cư ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã bị ngập hoặc xấp xỉ ngập lũ.

Để chống ngập úng cho các thành phố ven biển và trung tâm ĐBSCL, chúng ta lại lập và phê duyệt quy hoạch bảo vệ cho TP. Cần Thơ với 11 tuyến đê và 16 trạm bơm tiêu; TP. Vĩnh Long với 5 tuyến đê và 5 trạm bơm tiêu; TP. Cà Mau với 6 tuyến đê và 4 trạm bơm tiêu, trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục xây dựng quy hoạch cho TP. Tiền Giang, Long An, Long Xuyên và Châu Đốc… với những giải pháp tương tự.

Sau khi xây dựng đê và trạm bơm tiêu để bảo vệ và chống ngập úng cho các thành phố ở giữa đồng bằng, các xã, ấp đông dân cư ở gần các thành phố đã ngập và sẽ ngập cao hơn, chúng ta có bao đê để bảo vệ không? Hiện tượng lan truyền (domino) chắc chắn sẽ xảy ra và sẽ tiếp diễn theo thời gian như một vòng luẩn quẩn.

Theo hướng tiếp cận này thì ước tính trong thời gian tới chúng ta sẽ có hơn 20.000 km đê chống lũ triệt để ở ĐBSCL và nếu số đê chống lũ Hè Thu được tiếp tục lên cao để gieo trồng 3 vụ, thì số vùng được bao đê sẽ lên tới khoảng 4.000 vùng và chiều dài đê sẽ lên tới khoảng 30.000km. Ngoài việc chúng ta đã mất và sẽ mất rất nhiều kinh phí đầu tư, mất rất nhiều diện tích chiếm đất (trên 60.000ha), mà hệ thống đê này chủ yếu do dân tự làm trên nền đất yếu, thân đê không được đầm nén, rất sát với bờ sông, bờ kênh, nên sẽ tiếp tục sụt lún và bị xói lở trong những năm tới. Nếu kể đến sự thiếu hụt phù sa do hậu quả của hệ thống hồ chứa thủy điện ở thượng lưu, gây nên tình trạng xói lở gia tăng ở ven sông, dọc kênh sẽ tiếp tục uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê.

Trong điều kiện BĐKH, nước biển tiếp tục dâng, lũ tiếp tục gia tăng, thân đê, nền đê và đặc biệt đất của đồng bằng và các thành phố vẫn tiếp tục lún sụt, xói lở tiếp tục gia tăng do thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn, làm sao chúng ta có đủ nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và quản lý gần 4.000 vùng được bao đê với chiều dài đê gần 30.000km, sự rủi ro sẽ luôn tồn tại và tiếp tục gia tăng theo thời gian…