Nhượng quyền thương mại - Khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

PV.

Câu chuyện nhượng quyền thương mại không phải điều gì mới, bởi trong xu thế hội nhập hiện nay nó trở thành một hình thức kinh doanh hiện đại được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đối với Việt Nam những năm gần đây hình thức kinh doanh này mới thực sự khởi sắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bùng nổ mô hình kinh doanh nhượng quyền

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 6 năm trở lại đây (2009 - 2015), Việt Nam đã đón nhận 122 thương hiệu quốc tế đăng ký nhượng quyền, như vậy trung bình cứ 2 tháng sẽ có 3 thương hiệu mới xuất hiện tại nước ta.Hầu hết các thương hiệu nhượng quyền kinh doanh đều nhanh chóng mở rộng mạng lưới không chỉ từ các thành phố lớn mà cả toàn quốc.

Đánh giá về thực trạng nhượng quyền thương mại ở các DN bán lẻ Việt Nam, các chuyên gia nhận định, hiện nay, Việt Nam có hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, khoảng 650 siêu thị và 125 trung tâm thương mại. Hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với sự đầu tư mở rộng ồ ạt của các hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Một trong những trường hợp tận dụng thành công từ nhượng quyền thương mại trong thời gian qua tại Việt Nam phải kể đến hệ thống bán lẻ của FPT Shop. Tuy ra đời từ tháng 8/2007, nhưng chỉ khi được chú ý đầu tư bài bản thật sự vào năm 2012, FPT Shop mới thật sự vươn lên là một trong những chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

FPT Shop cũng là nhà bán lẻ đầu tiên ký kết hợp tác chiến lược với Intel, là nhà bán lẻ nhập khẩu trực tiếp tất cả các sản phẩm của Apple, có tên trong các đại lý ủy quyền tại trang web chính thức Apple.

Sau 4 năm tăng trưởng và “phủ sóng” toàn quốc, đã đến lúc FPT Shop cần thêm nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị hiện đại và mô hình số hóa để làm mới mình, tạo nên những đột phá mang hàm lượng công nghệ cao cho lĩnh vực bán lẻ, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và thực tế.

Vì vậy, Tập đoàn FPT dự kiến kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… để giúp FPT Shop phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo, tận dụng tối đa và khai thác tiềm năng của thị trường bán lẻ hiện đại. Từ năm 2012 đến nay, FPT Shop đã nâng tổng số cửa hàng của mình từ 50 đến 300. Như vậy, trong hơn 3 năm, bình quân cứ mỗi tháng, FPT Shop mở thêm 7 cửa hàng.

Nhờ đó, năm 2015, FPT Shop ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng với mức tăng lên đến 148% so với năm 2014, đạt 7.832 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của công ty cũng đạt 180 tỷ đồng, tăng trưởng đến 350% so với năm 2014.

Thách thức trong nhượng quyền thương mại

Mặc dù, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, mang lại cơ hội đầu tư kinh doanh lớn không chỉ cho các chủ đầu tư mà còn là phương cách giúp mở rộng, phát triển thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay hoạt động còn manh mún, chưa có phương thức, đường lối phát triển cụ thể. Việc hiểu đúng và áp dụng mô hình như thế nào hiện vẫn còn là thử thách.

Bên cạnh đó, nhượng quyền trong ngành bán lẻ chủ yếu tập trung trên các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện dụng. Tuy nhiên hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam còn mang nhiều tính tự phát, chưa chuyên nghiệp.

Nhìn nhận nhượng quyền thương mại sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV tập trung nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh và làm tiền đề để xâm nhập thị trường quốc tế, nhưng theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ đánh giá, hiện nay, những rào cản cho việc phát triển lĩnh vực này như hệ thống pháp lý chưa thống nhất và vẫn còn rải rác.

Việc nhận chuyển nhượng từ các DN nước ngoài còn là điều kiện tốt để các DN Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín, và quan trọng là tiếp cận học hỏi cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.Nhưng để thành công, “các DN cần định hướng chuỗi bán lẻ là tìm kiếm những nhà đầu tư mới để gia tăng nguồn vốn, tiếp cận luồng tư duy và công nghệ mới, từ đó mở rộng thị phần và trên hết, quan trọng nhất chính là tạo mọi điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể dễ dàng được tiếp cận và trải nghiệm những sản phẩm tốt nhất thông qua hệ thống cửa hàng khi mua sản phẩm, kể cả phân phối online và kênh bán hàng truyền thống.