Niềm tin là động lực hàng đầu cho phát triển

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Mặc dù vẫn giữ gam màu chủ đạo là tiếp tục hồi phục và phát triển cao hơn năm 2014, song nhìn chung kinh tế thế giới năm 2015 sẽ khó đoán nhận hơn do gắn với khá nhiều diễn biến phức tạp chi phối nhau, cả kinh tế và chính trị, nhất là giá dầu mỏ và sự trồi sụt, bất ổn của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Lòng tin phản ánh hiệu lực, hiệu quả và góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Nguồn: internet
Lòng tin phản ánh hiệu lực, hiệu quả và góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Nguồn: internet

Ngân hàng Thế giới tháng 7.2014 đã dự  báo, nền kinh tế thế giới trong năm 2015 tăng 3,3%, nhưng đến đầu tháng 12.2014 trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế thế giới của mình, đã điều chỉnh giảm còn 3,2%. Ngày 10.12.2014, Liên Hợp Quốc công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế 2015 cho thấy kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính kìm hãm đà tăng trưởng. Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và tăng lên thành 3,3% trong năm 2016. Những con số này đều cao hơn mức tăng trưởng 2,6% của năm nay.

Các hoạt động kinh doanh toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên, các hàng rào kỹ thuật vẫn tiếp tục được cập nhật theo hướng ngày càng khắt khe và tinh xảo hơn. Hoạt động M&A sẽ tiếp tục đẩy mạnh cùng chiều với xu hướng tiếp tục đàm phán FTA giữa các nước trong cùng châu lục hay liên châu lục.

Thế giới sẽ vẫn đối diện với nhiều thách thức và lúng túng về tái cấu trúc và tìm kiếm mô hình, động lực tăng trưởng mới; tình trạng thất nghiệp cao kéo dài và áp lực gia tăng nợ công tiếp tục đậm thêm bởi những căng thẳng và tranh chấp quân sự, biên giới, lãnh hải và chính trị song phương hoặc đa phương trong khu vực trên khắp thế giới. Chủ nghĩa dân tộc với “những giấc mơ lớn”, đầy tham vọng, cùng với chủ nghĩa khủng bố cực đoan và xu hướng gia tăng coi trọng công cụ bạo lực đang xói mòn các nguồn lực, chia rẽ thế giới, làm ô nhiễm sự lành mạnh bầu không khí hòa bình thế giới. Trên tổng thể, thế giới cần tiếp tục lắng nghe và chấp nhận thông điệp chung về đối thoại, tôn trọng và hòa bình như một cảnh tỉnh chung và giải pháp cần thiết cho ổn định và phát triển của toàn nhân loại.

Đặc biệt, những bài học nóng của các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị - xã hội gần đây cho thấy không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Sự chuyển hóa giữa nợ công - nợ tư và vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị. Thực tế đòi hỏi mỗi quốc gia đều cần nắm rõ và đáp ứng tốt nhất yêu cầu phối hợp hài hòa sử dụng bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình nhà nước kiểu mới; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế; tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin và sự ổn định hệ thống trên thị trường tài chính trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng của mình...

Theo nhiều dự báo, năm 2015, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP từ 5,8-6,2%; CPI cả năm dưới 7% và các ngành kinh tế xuất khẩu sẽ có nhiều bứt phá quan trọng do nhận được nhiều xung lực phát triển tích cực mới từ những FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Những ngành nghề dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ năm 2015 là bất động sản, vật liệu và dịch vụ xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng, nông - lâm sản. Đầu tư vào quỹ mở đang là một lựa chọn thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân. Các ngành du lịch, nông nghiệp, thủy, hải sản sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi. Xuất khẩu lao động, cả lao động giản đơn và lao động có trình độ chuyên môn, trong đó có bác sĩ, điều dưỡng viên trung cấp, sẽ là một trong các trọng tâm tạo đột phá mới cho tăng trưởng việc làm và kiều hối. Công nghiệp phụ trợ sẽ từng bước được định  hình và phát triển theo hướng tham gia chuỗi cung ứng quốc tế với các thành viên tham gia FTA với Việt Nam.

Những ngành còn khó khăn sẽ liên quan nhiều đến kinh doanh bất động sản cao cấp; cơ khí chế tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các doanh nghiệp nhà nước trì trệ, chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ và cả năng lực quản trị. Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập. Các hoạt động M&A sẽ gia tăng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng; ngân hàng và cả dệt may, chế tạo cơ khí…

Về tổng thể, trong trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức khiêm tốn và trạng thái ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được củng cố. Kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ chuyển sáng đậm nét và vững chắc hơn năm 2014; trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Cải cách trong khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn để đạt chỉ tiêu đề ra. Đẩy nhanh cải cách khu vực ngân hàng vẫn tiếp tục là một ưu tiên. Lãi suất huy động ngân hàng khó giảm thêm, nhưng tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn do cơ hội đầu tư và cả điều kiện tín dụng sẽ mở hơn, nhờ đó tạo thêm lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu được kiểm soát và từng bước xử lý linh hoạt, trong mục tiêu bảo đảm ổn định hệ thống và từng bước tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ chung.

Đặc biệt, một chu kỳ mới của thị trường bất động sản đang hình thành, ngày càng tăng trưởng về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn vào những năm cuối thập kỷ này, nhất là phân khúc nhà ở xã hội có diện tích và giá cả vừa phải, chất lượng bảo đảm; nhà và mặt bằng kinh doanh được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, thuê - mua và mua - cho thuê; các căn hộ chung cư trung - cao cấp được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao, giá hợp lý… Nhận diện, cảnh báo sớm và kiểm soát tình trạng đầu cơ bất động sản tự phát, đầu tư phong trào, đội giá do nhiều cầu trung gian và chi phí bôi trơn vẫn sẽ là bí quyết thành công và cũng là nguyên tắc cạnh tranh và quản lý kinh doanh bất động sản lành mạnh thời buổi kinh tế thị trường.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Việt Nam cần thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy, biên chế gắn với yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định; bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn hỗ trợ cho ngư dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015, tạo điều kiện tăng năng lực sản xuất, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế; bảo đảm chính sách an sinh xã hội; bảo đảm lộ trình tăng lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên kinh phí cho các dự án cấp bách, ổn định dân cư và tạo sinh kế thuận lợi hơn cho người dân. Thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015; đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp, người dân chủ động hơn trong quá trình hội nhập.

Triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam sẽ đậm nét và được hiện thực hóa cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện nhiều đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền trên cơ sở trọng dụng người hiền tài đúng người, đúng việc và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, phát huy dân chủ; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và điều tiết dòng tín dụng vào đúng chỗ, đúng lúc; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của doanh nghiệp…

Lòng tin phản ánh hiệu lực, hiệu quả và góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin ngày càng trở thành định hướng và nhiệm vụ thường xuyên, nhất quán, mạnh mẽ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và doanh nghiệp.