Nợ bảo hiểm xã hội bị thu lãi như thế nào?

Theo Kim Anh/daibieunhandan.vn

Làm thế nào để biết doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mức mới áp dụng từ năm 2018, doanh nghiệp có thể nợ tiền BHXH trong bao lâu và mức lãi tính khi chậm nộp là bao nhiêu... đây là điều băn khoăn của nhiều cử tri.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo BHXH Việt Nam, quy định tại Khoản 2, Điều 17, Nghị định 115/2015NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì từ 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Do đó khi người lao động thay đổi mức lương thì doanh nghiệp phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương mới.

Việc tính lãi chậm nộp BHXH, BHTN: Tại Khoản 3, Điều 122, Luật BHXH ngày 20/11/2014, quy định: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3, Điều 17 của Luật này, từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Về tính lãi chậm nộp BHYT: Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT, tại Khoản 3, Điều 49 quy định: Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.