Nợ BHXH giảm mạnh từ sự nỗ lực rất lớn của ngành BHXH và các cơ quan liên quan

H. Quân

Toàn quốc hiện có gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Con số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018 đã giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, gần 540 nghìn người hưởng trợ cấp một lần, đồng nghĩa với việc rời khỏi lưới an sinh xã hội.

Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT đang ở mức 3,3% so với tổng số phải thu, tương đương 6.700 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT đang ở mức 3,3% so với tổng số phải thu, tương đương 6.700 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT thấp hơn nhiều so với cùng kỳ  2017

Thông tin từ cơ quan BHXH Việt Nam cho hay, ước đến hết tháng 8/2018, các chỉ tiêu thu và phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam đã đạt 98% so với mục tiêu Chính phủ giao. Trong đó, BHXH bắt buộc đạt 13,97 triệu người; BHYT đạt 81,76 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 87,25% dân số.

Về BHXH tự nguyện, tuy con số vẫn còn khiêm tốn khoảng 241.000 người tham gia (đạt trên 72% kế hoạch), nhưng đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2017; Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện có 11,93 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ 92,8% kế hoạch, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT đang ở mức 3,3% so với tổng số phải thu, tương đương 6.700 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017, giảm hơn 30%, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành và các cơ quan liên quan.

Một trong những giải pháp mạnh để giảm tỷ lệ nợ BHXH, BHYT là triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra. Chỉ trong 8 tháng, 11.756 đơn vị sử dụng lao động đã được thanh tra, kiểm tra về BHXH. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đơn vị nợ BHXH đã nộp về quỹ số tiền hơn 519 tỷ đồng. Khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị tiếp tục nộp về quỹ hơn 304 tỷ đồng. Qua đó, hàng chục nghìn người lao động cũng được bảo đảm quyền lợi khi được tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, ông Ánh cũng cho biết, theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay số tiền trung bình các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động đang ở mức 5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu theo từng vùng. Vì vậy, nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 được thông qua, tác động đến số tiền đóng BHXH và quỹ BHXH không quá lớn.

Thu phát triển đối tượng sẽ đạt và vượt mức kế hoạch Chính phủ giao

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong tháng 8, toàn ngành BHXH thu 28.932 tỷ đồng, lũy kế hết tháng 8/2018, thu 202.917 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch cả năm. Số chi BHXH, BHYT, BHTN tính đến hết tháng 8/2018 là 201.973 tỷ đồng, đạt 68,61% kế hoạch cả năm.

Theo ông Ánh, công tác thu phát triển đối tượng khả năng lớn là BHXH Việt Nam sẽ đạt và vượt mức kế hoạch Chính phủ giao, riêng về chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện còn tương đối khó khăn, thách thức.

Về tình hình khám chữa bệnh BHYT, ông Ánh cho biết, sau 8 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 71% Quỹ Khám chữa bệnh BHYT - một con số tương đối lớn. Ông Ánh cho rằng, nếu không có biện pháp quyết liệt thì khả năng đạt dự toán Chính phủ giao 91.000 tỷ đồng sẽ rất khó khăn.

Thông tin thêm về giải quyết chính sách chế độ BHXH, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, trong 8 tháng đầu năm, số lượng người hưởng BHXH một lần vẫn tương đối lớn, khoảng 470.000 người, tức cũng khoảng số đó rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, tương đương với số người nhận BHXH 1 lần từ 600.000 - 700.000 người/năm.

BHXH Việt Nam đang đề xuất rất nhiều các biện pháp để giảm số người hưởng BHXH 1 lần vì mục tiêu muốn người lao động ở lại Quỹ BHXH dài hạn để được chăm lo khi người lao động hết tuổi lao động.

Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT đang ở mức 3,3% so với tổng số phải thu, tương đương 6.700 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017, giảm hơn 30%, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành và các cơ quan liên quan.