Nợ công của Việt Nam năm 2013 và quản lý nợ trung hạn

TS. NGUYỄN THÀNH ĐÔ - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)

(Tài chính) Các nguồn vốn vay trong và ngoài nước là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do đó, đối với Việt Nam, việc quản lý nợ trong trung và dài hạn một cách hiệu quả là hết sức quan trọng.

Khởi công Dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có vốn vay từ WB (tháng 11/2013). Đây là Dự án cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Nguồn: internet
Khởi công Dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có vốn vay từ WB (tháng 11/2013). Đây là Dự án cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Nguồn: internet
Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Tính đến ngày 31/12/2012, tổng số nợ công của Việt Nam là 1.642.916 tỷ đồng, bằng 55,7% GDP năm 2012.

Cụ thể, tổng số nợ Chính phủ là 1.279.994 tỷ đồng, bằng 43,3% GDP; trong đó nợ nước ngoài 726.314 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), nợ trong nước 553.680 tỷ đồng (chiếm khoảng 43%). Đối với vay về cho vay lại, tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ các khoản cho vay lại là 10,84 tỷ USD, tương đương 225,85 nghìn tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá hạch toán ngân sách tháng 12/2012). Nợ được Chính phủ bảo lãnh tính đến ngày 31/12/2012 là 342.036 tỷ đồng, trong đó nợ bảo lãnh vay nước ngoài là 150.586 tỷ đồng (chiếm 44%), nợ bảo lãnh vay trong nước là 191.450 tỷ đồng (chiếm 56%).

Trong đó, bảo lãnh vay nước ngoài tính đến ngày 31/12/2012, đã có 96 dự án vay nước ngoài được cấp bảo lãnh Chính phủ thuộc các lĩnh vực điện (47 dự án), hàng không (6 dự án), xi măng (17 dự án), dầu khí (7 dự án), giấy và bột giấy (5 dự án) và các lĩnh vực khác với giá 12,97 tỷ USD, các dự án đã giải ngân là 9,88 tỷ USD và số dư nợ gốc là 7,24 tỷ USD (tương đương 150.586 tỷ đồng); Bảo lãnh vay trong nước tập trung vào 2 ngân hàng chính sách (Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số dự án trọng điểm quốc gia.

- Về nợ chính quyền địa phương: Thực hiện quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và Luật Quản lý nợ công, các địa phương đã chủ động huy động thêm nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án, công trình đã có trong kế hoạch được duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ chính quyền địa phương là 20.886 tỷ đồng, trong đó vay tồn ngân kho bạc là 11.630 tỷ đồng, phát hành trái phiếu là 8.569 tỷ đồng và vay khác là 687 tỷ đồng. Dự kiến, đến ngày 31/12/2013, dư nợ công là 2.075 nghìn tỷ đồng, bằng 56,2% GDP; trong đó nợ Chính phủ là 1.574 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% GDP.

- Tình hình nợ nước ngoài của quốc gia: Trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và tổng hợp các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh tính đến ngày 31/12/2012, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia quy USD khoảng 58 tỷ USD, tương đương khoảng 1.212 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1% GDP. Dự kiến, đến cuối năm 2013, dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 69 tỷ USD, tương đương 1.460 nghìn tỷ đồng, bằng 39,5% GDP năm 2013.

- Về kết quả đạt được trong quản lý nợ công: Các nguồn vốn vay trong và ngoài nước là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nguồn vốn vay đã được phân bổ, sử dụng cho hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo…; Thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xẩy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ; Các chỉ tiêu an toàn về nợ công được đảm bảo theo các chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định giới hạn an toàn về nợ, bao gồm: nợ công dưới 65% GDP và nợ Chính phủ dưới 55% GDP); Xu hướng nợ Chính phủ đã có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng vay nợ nýớc ngoài, tăng dần tỷ trọng vay nợ trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nợ công của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế sau:

(i) Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay, đã làm nợ công có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua, có thể ảnh hưởng tới sự bền vững nợ công (năm 2006 ở mức 405 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% GDP; năm 2010 là 1.392 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% GDP và năm 2012 là 1.643 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% GDP). Đồng thời, cũng tạo sức ép lớn về khả năng huy động vốn trong nước trong điều kiện thị trường vốn trong nước chưa phát triển;

(ii) Phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải, thời gian thực hiện các dự án kéo dài làm giảm hiệu quả đầu tư do thiếu vốn đối ứng, chậm giải phóng mặt bằng và bất cập trong khâu chuẩn bị đầu tư;

(iii) Hiện tại, Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh. Bên cạnh đó, do khó khăn của nền kinh tế dẫn đến nợ xấu từ các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ gia tăng, làm tăng gánh nặng trả nợ của Chính phủ;

(iv) Công tác tổ chức và quản lý nợ công còn phân tán ở cấp các bộ, ngành và địa phương dẫn đến khó khăn trong kiểm soát hạn mức nợ công;

- Về giải pháp tăng cường công tác quản lý nợ công: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nợ, khắc phục tình trạng quản lý nợ công phân tán ở các bộ, ngành, từ đó thống nhất đầu mối quản lý nợ công theo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công, đảm bảo việc quản lý nợ bền vững trong điều kiện nợ công có xu hướng vượt ngưỡng an toàn.

Kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ với việc giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bảo lãnh.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại với việc tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp/nhà đầu tư, giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của chính phủ về cho vay lại; mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương, đồng thời bảo đảm đối xử công bằng giữa các địa phương.

Tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công với việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và chủ động triển khai phương án xử lý rủi ro với một số khoản nợ của Chính phủ.

Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013 - 2015

Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013 - 2015 do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/ QĐ-TTg ngày 04/05/2013. Chương trình này đang được Bộ Tài chính điều chỉnh và xây dựng cho giai đoạn 2014 - 2016 nhằm mục tiêu: “Tổ chức huy động và quản lý sử dụng vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp, đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN và đầu tư phát triển triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; việc phân bổ, sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức an toàn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế”.

Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2014 - 2016: Vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi NSNN theo các Nghị quyết của Quốc hội trong từng giai đoạn. Đồng thời, tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước cho chương trình đầu tư các công trình giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục giai đoạn 2014 - 2016. Cùng với đó, huy động vốn vay bổ sung để thực hiện đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngoài ra, bảo lãnh Chính phủ, vay trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả, vay trả nợ của chính quyền địa phương phải nằm trong các hạn mức vay nợ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Song song với đó là tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công nhằm giảm thiểu rủi ro về thị trường, tín dụng và thanh khoản, đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn an toàn và an ninh tài chính quốc gia.

- Xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công theo quy định.

- Nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ Chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

- Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu NSNN hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

- Ðảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối Nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia hàng năm trên 200%.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

- Tổ chức huy động vốn vay bổ sung cho cân đối NSNN và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2014 và 2016, trong đó chủ yếu tập trung vào một số giải pháp sau:

(i) Cân đối nhu cầu và triển khai hiệu quả kế hoạch huy động và sử dụng vốn vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ, ưu tiên lựa chọn các khoản vay dài hạn, với chi phí vay thấp và có mức rủi ro hợp lý để bù đắp bội chi NSNN (năm 2013, 2014 là 5,3% GDP; năm 2015 - 2016 khoảng 5% GDP. Ngoài ra, Chính phủ còn tiếp tục thực hiện huy động vốn vay nước ngoài về cho vay lại theo các Hiệp định vay đã cam kết; (ii) Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh để đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội phê duyệt, trong đó bảo lãnh vay trong nước bình quân 70 nghìn tỷ/năm và bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 2-3 tỷ USD/ năm; (iii) Tiếp tục khống chế hạn mức huy động vốn vay của chính quyền địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật NSNN đảm bảo dư nợ Chính quyền địa phương bình quân khoảng 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách cấp tỉnh; (iv) Kiểm soát hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia; bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ, tự vay tự trả nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đảm bảo giới hạn nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ;

- Tăng cường công tác quản lý rủi ro và thực hiện tái cơ cấu lại một số khoản nợ công;

- Xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ việc theo dõi, giám sát và đánh giá bền vững về nợ công;

- Tiếp tục hoàn thể khuôn khổ thể chế chính sách quản lý nợ;

- Kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ;

- Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại.


Bài đăng trên Đặc san Đối ngoại Kinh tế - Tài chính Việt Nam của Bộ Tài chính.