Nỗ lực cải cách, tăng trưởng sẽ cao hơn

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Nếu nỗ lực cải cách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tận dụng những tác động tích cực của hội nhập thì tăng trưởng kinh tế của nước ta có thể cao hơn nhiều so với dự báo. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học quốc tế Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam: Phát hiện từ nghiên cứu thực chứng diễn ra sáng qua tại Hà Nội.

Tăng trưởng vẫn nhờ nguồn lực “cổ điển”

Trưởng ban Phân tích dự báo (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - NCIF) Đặng Đức Anh cho rằng, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã khai thác nhiều nguồn lực “cổ điển” như vốn, tài nguyên, lao động rẻ để phát triển kinh tế theo mô hình chiều rộng, dẫn đến cạn kiệt nguồn lực cũng như chất lượng tăng trưởng không cao, thiếu bền vững. Năng suất lao động của Việt Nam trong nhiều giai đoạn giảm sút khá mạnh so với các nước trong khu vực.

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào cải thiện sản phẩm và phát triển sản phẩm mới còn đổi mới công nghệ vẫn hạn chế. Do đó, nhìn tổng thể, các chỉ tiêu kinh tế hầu như đều đạt được nhưng khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế còn khá yếu kém. Nếu tiếp tục xu hướng này sẽ dẫn đến nguy cơ lạc hậu, ô nhiễm môi trường và mất sức cạnh tranh về lâu dài, tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới, ông Đặng Đức Anh nói.

Các báo cáo tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam vẫn tồn tại khoảng cách lớn về năng suất lao động giữa các ngành cũng như khi so sánh với các nước khác trong khu vực. Dù tất cả 20 ngành kinh tế cấp 1 đều tăng trưởng dương trong giai đoạn 2006 - 2016 nhưng có tới 11 ngành tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động.

Đặc biệt là sự thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, điều này tác động không nhỏ tới năng suất lao động. Ngoài ra, nền kinh tế còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực. Tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam tăng từ 16% lên 24% trong giai đoạn 2010 - 2015. Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Nguyễn Lan Hương vấn đề thấy rõ hiện nay là thiếu thầy thiếu thợ nhưng tương quan là thiếu thợ nhiều hơn.

Cải cách một cách căn cơ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, Việt Nam xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng yếu tố thể chế, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và con người.

Việc thống nhất cách hiểu về năng suất, xem xét các cấu phần của năng suất cũng như đánh giá tác động của yếu tố cần được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo, sớm phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triểnkinh tế xã hội một cách phù hợp.

Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, để tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo, điều quan trọng đầu tiên là cải cách thể chế. Điều này sẽ giúp nền kinh tế ứng phó tốt với những điều kiện thay đổi và thúc đẩy đổi mới, tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tránh được vấn đề lợi ích nhóm và công nghệ lạc hậu, qua đó sẽ làm tăng năng suất của cả nền kinh tế.

Theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam Lê Xuân Sang, nếu Việt Nam không có những cải cách căn cơ, sáng tạo và mang tính chuyên nghiệp cao thì sẽ không thể tiếp cận được với nền kinh tế của tri thức.

Một nghiên cứu của NCIF cho thấy, hai nhân tố quan trọng đóng góp cho năng suất và đổi mới sáng tạo là đầu tư công và cải cách doanh nghiệp nhà nước trong trung hạn. Cụ thể, nếu cải cách tổng thể tất cả doanh nghiệp nhà nước có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất. Nếu tăng năng suất của doanh nghiệp nhà nước lên 2% sẽ tăng 1,14% GDP, 2,26% sản lượng công nghiệp và 1,15% sản lượng xuất khẩu.

Đối với khối doanh nghiệp nhà nước, chính sách cổ phần hóa có tác động tích cực tới hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Các doanh nghiệp được tư nhân hóa hoàn toàn có hiệu quả đầu tư vốn hơn so với doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn còn vốn nhà nước, trong khi đó, các doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần khống chế không có hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Giáo sư John FitzGerald, Đại học Trinity Dublin cho rằng, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh gợi ý, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo chủ doanh nghiệp về phát triển công nghệ, bởi trình độ của chủ doanh nghiệp quyết định rất lớn tới nhận thức và mức độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Về yếu tố con người, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng, phải tập trung vào phát triển nhóm công nhân kỹ thuật và loại bỏ những chính sách mang tính rào cản cho thị trường lao động. Cùng với đó, những chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được quan tâm và thông thoáng hơn.