Nợ xấu đè lợi nhuận

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Đến nay đã có một số ngân hàng thương mại (NHTM) hé lộ kết quả kinh doanh quý I/2013, trong đó lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm rất mạnh. Dù chưa phản ảnh hết bức tranh trong năm 2013, nhưng kết quả trên cho thấy nợ xấu, lãi suất giảm và tín dụng tăng trưởng chậm tiếp tục tác động tiêu cực đến lợi nhuận các NHTM.

Nợ xấu đè lợi nhuận
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Lợi nhuận giảm

Sacombank công bố báo cáo tài chính hợp nhất của quý I/2013 với lợi nhuận sau thuế đạt 675,7 tỷ đồng, giảm 132 tỷ đồng (giảm 16,36%) so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo NHTM này, nguyên nhân do thu nhập từ chứng khoán giảm 44,1 tỷ đồng, trong khi các chi phí hoạt động tăng 292 tỷ đồng, dự phòng rủi ro tín dụng tăng 170,3 tỷ đồng so với quý I/2012.

Từ đó thu nhập lãi trong quý I/2013 giảm 124,2 tỷ đồng (do thu nhập lãi của ngân hàng giảm 118,5 tỷ đồng). Trong quý này, thu lãi tiền gửi của Sacombank giảm 99 tỷ đồng do tiền gửi định kỳ giảm và lãi suất tiền gửi tương ứng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Với Eximbank, theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc, lợi nhuận 4 tháng đầu năm của ngân hàng dự kiến 500 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước do phải trích lập dự phòng và khoản lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm.

Từ đầu năm đến nay dư nợ của Eximbank chỉ tăng 0,4-0,5%, tỷ lệ nợ xấu trên 1,32%; Eximbank cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp khó khăn tạm thời khoảng 2.000 tỷ đồng. BIDV cũng công bố lợi nhuận hợp nhất quý I đạt gần 1.146 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng 1,46% và huy động tăng 5,6%.

Tổng nợ xấu của BIDV (nợ xấu dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) tương đương 2,76%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu 3 tháng của ngân hàng này tăng so với mức 2,7% vào cuối năm 2012.

VPBank đạt lợi nhuận sau thuế 130,6 tỷ đồng trong quý I/2013, nhưng lại có 1.182 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,84% tổng dư nợ, trong đó nợ nghi ngờ chiếm tỷ lệ cao nhất, tới 78% với hơn 920 tỷ đồng. Trong khi đó, OceanBank công bố đến ngày 31/3 lãi trước thuế gần 100 tỷ đồng, giảm hơn 80 tỷ đồng so với quý I/2012.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng đạt 322 tỷ đồng, nhưng do phải trích lập tới 222 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro - tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trích lập dự phòng lớn nhưng tỷ lệ nợ xấu tại OceanBank vẫn chiếm 3,56% với 995 tỷ đồng.

Tín dụng tăng chậm vì nợ xấu

Có thể thấy nguyên nhân chính làm lợi nhuận các NHTM tiếp tục giảm mạnh là do nợ xấu tăng và tín dụng tăng trưởng chậm. Theo ông Trương Văn Phước, thời điểm này sức khỏe của nhiều khách hàng có vấn đề, nếu cho vay ra nhiều rủi ro. Nếu không kiểm soát kỹ sẽ gây thêm nợ xấu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cũng cho rằng năm nay tín dụng khó tăng mạnh do doanh nghiệp tiếp tục phá sản, khả năng hấp thụ vốn vẫn yếu. Trong khi đó các ngân hàng khó giảm nhanh lãi suất huy động để cạnh tranh với các ngân hàng bạn. Điều này khiến lãi suất cho biên độ chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ngày càng giảm. Theo ông Tùng, lợi nhuận của các NHTM chỉ khả quan với điều kiện nền kinh tế phục hồi, ít nhất cũng từ 2 năm nữa mới có những tín hiệu lạc quan.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, lợi nhuận và cổ tức giảm, cổ đông có thể buồn trong ngắn hạn, mừng trong dài hạn. Thời điểm này cổ đông sẽ nhìn về những kế hoạch phát triển dài hạn của các NHTM. Tuy nhiên, chỉ khi nào giải phóng bớt số nợ xấu của hệ thống NHTM, thị trường tiền tệ mới có thể sôi động trở lại.

Lợi nhuận giảm mạnh không chỉ do nợ xấu của khách hàng trên thị trường tín dụng dân cư và doanh nghiệp có xu hướng gia tăng, mà còn vì nợ xấu liên ngân hàng năm trước vẫn chưa được giải quyết.

Một lãnh đạo NHTMCP cho biết ông có tham gia cuộc họp để giải quyết nợ xấu trên liên ngân hàng do NHNN chủ trì, nhiều ngân hàng là con nợ đề nghị được gia hạn, miễn lãi vay trong vài năm. NHNN cũng kêu gọi các ngân hàng là chủ nợ xem xét hỗ trợ nhằm giúp con nợ có thời gian để trả nợ dần và vượt qua khó khăn. Nhưng hầu hết chủ nợ chỉ đồng ý gia hạn và giảm lãi chứ không thể miễn lãi.

Có thể thấy, các NHTM có nợ xấu trên liên ngân hàng cũng phải chịu chi phí trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ xấu. Có NHTM nhỏ vì đã cho một NHTM yếu kém khác vay trên liên ngân hàng cuối năm 2011 với khoản tiền khá lớn không thu hồi được, hiện đang rất chật vật, bị lỗ nặng và đang lên kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác.