Nợ xấu như mớ bòng bong

Luật sư Trần Minh Hải

(Tài chính) Xin giới thiệu tới độc giả bài viết của Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico về các điểm nóng pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng.

Nợ xấu như mớ bòng bong
Tỷ lệ nợ xấu che dấu thực trạng ngân hàng. Nguồn: internet

Tỷ lệ nợ xấu che dấu thực trạng ngân hàng

Nợ xấu là một trong những tiêu chí đánh giá sức khỏe tín dụng của mỗi ngân hàng. Nhưng đến giờ này, thực chất không có chuẩn tỷ lệ nợ xấu áp dụng chung cụ thể, mà chỉ có quy định về tỷ lệ này rải rác ở một số văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Ví dụ, tại Thông tư 21/2010/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động ngân hàng, thì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là một trong các điều kiện để ngân hàng được xem xét mở chi nhánh. Chỉ cần nợ xấu từ 10% trở lên, theo Thông tư 08/2010/TT-NHNN, thì ngân hàng chính thức bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, trong Thông tư 07/2013/TT-NHNN lại không còn quy định cụ thể này. Chính từ những quy định trên, vô hình chung hình thành ngưỡng nợ xấu quen thuộc 3%, 10% trong ngành ngân hàng.

Theo chuẩn thì có nhiều ngân hàng đều thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tức là bất kể một hành động nhỏ nhất nào cũng đều phải đặt trong sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi… Sẽ rất vất vả đối với ngân hàng để gìn giữ nhân lực, huy động vốn, tăng trưởng tín dụng… trong suốt thời gian nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Chính vì lý do này, dẫn đến áp lực làm cho không chỉ một ngân hàng mà cả ngành ngân hàng đều đồng tâm hiệp lực để lập chuẩn: Nợ xấu cứ phải trên, dưới quãng 3% tổng dư nợ. Thế là vô vàn giải pháp được đưa ra để làm nợ xấu bay đi mất. Có nợ xấu bay về các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng (AMC), dưới hình thức ủy thác quản lý nợ, sau đó ngân hàng mặc nhiên điều chỉnh số lượng nợ xấu xuống khoảng 3%.

Tuy nhiên, cách xử lý này có phần chông chênh, vì xét về bản chất pháp lý, khi ủy thác, quyền và trách nhiệm, tài sản của ngân hàng vẫn còn nguyên. Điều đó có nghĩa là dư nợ xấu dù chuyển sang AMC, thì cũng chỉ là chuyển tạm, pháp luật vẫn coi đó là nợ của ngân hàng.

Nhận thức điều này, một số ngân hàng xử lý thông qua hợp đồng mua bán nợ ký với trung gian là các công ty bên ngoài, có chức năng đăng ký hoạt động kinh doanh về quản lý nợ và khai thác tài sản. Xét cho cùng, việc mua bán chỉ là hình thức nhưng vẫn giúp cho ngân hàng xử lý số liệu lệch chuẩn. Kết quả là hầu hết các ngân hàng đều đạt tiêu chuẩn nợ xấu ở phạm vi 3%. Đạt được ngưỡng nợ xấu chuẩn, nhưng điều này cũng lại đẩy ngân hàng vào tình trạng vô cùng vất vả xử lý hậu kỳ với những rủi ro về duy trì an toàn pháp lý tài sản bảo đảm, hạch toán xuất nhập dư nợ, phối hợp thu nợ từ khách hàng…

Đây là thực trạng “xấu gỗ nhưng tốt nước sơn” của ngành ngân hàng, khiến cho nợ xấu thực tế đã biến thành “nợ đẹp”. Từ đó, khó mà công nhiên nhận định đâu là ngân hàng lành mạnh, vững bền và đáng tin cậy, đâu là ngân hàng cần quy hoạch tập trung để xử lý nợ xấu.

Phân loại nợ xấu che dấu thực trạng khách hàng

Giai đoạn trước đây, khi Quy chế 493 năm 2005 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ còn hiệu lực thì nợ của khách hàng cứ không trả được đúng hạn là bị chuyển sang nhóm 2, sau đó chuyển sang nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 theo thời hạn đã được quy định.

Thực trạng nhóm nợ của khách hàng sẽ tạo thành tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng, nhưng trong giai đoạn này, với đà tăng trưởng liên tục về tín dụng, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức có thể chấp nhận được.

Nay với cơ chế gia hạn nợ theo hướng dẫn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng không trả được nợ, ngân hàng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, thậm chí cả ở nhóm 1, miễn là ngân hàng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ. Và đánh giá này không có một căn cứ nào ngoài một nguyên tắc vô thưởng vô phạt, chung chung mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là không được che giấu tình trạng xấu của nợ.

Ngoài vấn đề trên, còn vô vàn doanh nghiệp có khoản nợ xấu ẩn giấu trong các giao dịch khác với ngân hàng như đầu tư trái phiếu, mua sắm bất động sản, ủy thác đầu tư. Thực chất đây là những khoản nợ xấu ngay từ lúc đầu ngân hàng giao dịch, khác là không thông qua hoạt động cho vay, vốn phải tuân theo một loạt quy trình thẩm định, tiêu chuẩn vay vốn, điều kiện phương án vay vốn của khách hàng, năng lực tài chính, hạn mức tài trợ, phương án tài sản bảo đảm…

Những khoản nợ này không phản ánh trong tổng dư nợ, không được phân nhóm nợ nhưng lại là khoản nợ thực sự xấu. Hóa ra có một khối băng chìm lớn trong dư nợ và tác động lớn đến doanh nghiệp.

Thật giả lẫn lộn dẫn đến một nghịch lý là khiến cho không ai biết các doanh nghiệp đang giao dịch ngoài xã hội đâu là doanh nghiệp đang lâm trọng bệnh, đâu là doanh nghiệp khỏe mạnh. Thậm chí, có doanh nghiệp sắp phá sản nhưng khi truy cập CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng), thì không thấy thông tin đâu.

Nghịch lý thứ hai là ngân hàng không thể rảnh tay để hỗ trợ doanh nghiệp, giải phóng nợ xấu. Khi ngân hàng vừa phải xử lý tỷ lệ nợ xấu cho đẹp, vừa phải tập trung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp ưu tiên, thì cơ hội được tiếp nhận sự hỗ trợ khó đến được với mọi khách hàng doanh nghiệp, dù cho doanh nghiệp đáng cứu, đáng tồn tại.

Trách nhiệm không phân định, xử lý không tận tình

Nợ xấu phát sinh với doanh nghiệp thường do sai lầm từ việc dùng vốn ngắn hạn cho những quyết định kinh doanh trung, dài hạn. Đến khi hậu quả nợ xấu phát sinh, thì có nhiều trường hợp ngân hàng phải đứng trước quyết định xử lý nợ nhạy cảm. Ví dụ, nếu được chấp nhận miễn một phần nợ gốc, doanh nghiệp có thể tìm được nguồn trả nợ nhanh cho ngân hàng thông qua bán rẻ tài sản…

Xét về lý thuyết, nếu chấp nhận mất một phần gốc, thì với số gốc còn lại được thu hồi ngay, ngân hàng có thể đưa vào kinh doanh, thu lại được lợi nhuận tương xứng.

Tuy nhiên, ngân hàng có được miễn nợ gốc không, thực tế đến nay ngành ngân hàng không có quy định nào rõ ràng cụ thể về điều kiện, trường hợp áp dụng, thẩm quyền xử lý…

Với những ngân hàng cổ phần, có thể vì sự hợp lý của lô gic kinh doanh, Hội đồng quản trị sẽ nhắm mắt quyết vấn đề này, cho dù sẽ gặp phải rủi ro trước các chất vấn của cổ đông. Nhưng với những ngân hàng có vốn nhà nước, ai sẽ lý giải cho quyết định làm thất thu nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Thế là không ai hành động.

Hay như vô vàn trường hợp hiện nay, doanh nghiệp muốn công khai hóa thực trạng vay sai mục đích của mình, muốn được ngân hàng cho vay tái tài trợ lại khoản vay cho đúng mục đích đầu tư dài hạn nhằm giảm áp lực trả gốc, lãi vay, nhưng ai sẽ là người dám quyết cho doanh nghiệp từ phía ngân hàng?

Ở ngân hàng, những người mới đưa ra quyết định xử lý mới, sẽ có trách nhiệm ngang bằng với những người đã thực hiện việc tài trợ tín dụng cho doanh nghiệp trong quá khứ. Họ sẽ không dại dột gì mà gánh chịu rủi ro. Thế là không ai hành động.

Trong xử lý nợ xấu, rủi ro lớn nhất là không hành động. Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đến nay vẫn còn rất mơ hồ trong việc làm rõ vấn đề phân định trách nhiệm tín dụng nội bộ cụ thể cho các bộ phận, cá nhân cán bộ của mình liên quan đến các hậu quả tín dụng. Có lẽ đó chính là nguyên nhân dẫn đến rủi ro không hành động trong nội bộ ngân hàng.

Ngân hàng không chú trọng chính mình, nợ xấu vẫn phát sinh

Chính sách quản lý rủi ro, quy trình pháp lý nghiệp vụ và nhận thức pháp luật của nhân sự là những yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa nợ xấu cho các ngân hàng. Rất dễ nhận thấy trào lưu phát triển những năm qua là các chính sách, sản phẩm, quy trình nghiệp vụ tín dụng được ngành ngân hàng chú trọng nhiều vào yếu tố tìm kiếm các lĩnh vực giải ngân, tác nghiệp theo xu hướng ngoại nhập hơn là sự phòng ngự có chiều sâu đối với các rủi ro pháp lý về sở hữu, về tài sản bảo đảm, về dự án, doanh nghiệp, chủng loại rủi ro tài sản…

Mặc dù số lượng nhân sự phát triển một cách nhanh chóng, nhưng sự đầu tư nhận thức cho nguồn nhân lực, qua các khóa đào tạo của ngành ngân hàng, phần nhiều chỉ tập trung vào các yếu tố phát triển khách hàng, các kỹ năng mềm trong tác nghiệp, quản lý. Quá ít ỏi những nội dung tập huấn hướng tới chuyên đề thiết thực về pháp luật, hậu quả pháp lý. Trong khi thực tế, mỗi hành vi tác nghiệp của cán bộ ngân hàng là một nhân tố pháp lý có thể gây hậu quả rủi ro trong tương lai.

Biết hậu quả, biết sợ, biết bảo vệ chính bản thân mình, qua đó mới biết bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng mình, chính là nhận thức cần có trong mỗi cán bộ tín dụng.

Không tự nâng tầm hệ thống chính sách, quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với chính mình, không tập trung khai phá nhận thức và tôn trọng pháp lý cho cán bộ nhân viên của mình, thực chất ngân hàng đã không chú trọng chính mình. Đó chính là môi trường thuận lợi cho nợ xấu phát sinh.

Kết

Quá nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, như những vướng mắc trong hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, những khó khăn của kinh tế vĩ mô, những trở ngại chờ tháo bỏ thu hút vốn đầu tư nước ngoài…, nhưng khó có thể phủ nhận chính nội ngành ngân hàng có những sai lệch tự mình tạo nên. Nếu các thông tin sai lệch này còn tồn tại, việc xử lý nợ xấu cũng sẽ còn nan giải.