“Nói giá xăng dầu cao do thuế, phí là không đúng”

Theo Báo Tin tức

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đa số cách nhìn nhận về giá xăng dầu hiện vẫn còn chưa đầy đủ và chính xác.

“Nói giá xăng dầu cao do thuế, phí là không đúng”
Thưa ông, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu bức xúc về việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua. Ông có ý kiến ra sao về vấn đề này?

Phải nhìn nhận về giá xăng dầu trong nước một cách tổng thể chứ đừng nhìn hiện tượng giá thay đổi lên xuống rồi nhận xét là không thể hiểu được. Cần nhìn vào bản chất hình thành giá xăng dầu. Ngoại trừ quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, còn lại hầu hết các quốc gia thường tính giá xăng dầu nội địa bao gồm nhiều loại thuế và phí. Có thể các nước gọi là thuế nhưng của mình vừa là thuế, vừa phí.

Vì thế, theo tôi, các đại biểu Quốc hội khi phát biểu trước người dân cần phải có trách nhiệm với phát biểu của mình. Chẳng hạn, có ý kiến nói không ở đâu, giá xăng dầu phải chịu nhiều thuế, phí như Việt Nam. Nhưng nói như thế là không đúng. Ở các nước đặc biệt là ở Tây Âu, họ đánh thuế bảo vệ môi trường trên giá xăng còn cao hơn nước mình rất nhiều. Vấn đề là phải phân tích và làm rõ được cơ cấu tính giá thành xăng dầu. Ở đây, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm giải thích cho người dân và dư luận hiểu rõ hơn về giá xăng dầu.

Liên quan đến giá xăng dầu, vấn đề quan trọng khác cần phải xem xét là việc điều chỉnh giá xăng dầu có phù hợp với quy luật, diễn biến của thế giới hay không. Khi người ta nói, giá xăng trong nước “nhảy múa”, thì cần phải xem giá thế giới có nhảy múa hay không. Còn lỗi nhịp hay không lại là chuyện khác. Ở nước ta, Nghị định 84/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu quy định thời gian tối đa giữa các lần điều chỉnh giá là 30 ngày thì chúng ta đã có điều chỉnh như vậy.

Vậy, phải chăng quy định về quản lý thị trường xăng dầu có vấn đề còn chưa phù hợp, thưa ông?

Quản lý của Nhà nước đôi khi không thể theo kịp với diễn biến của thị trường. Điều hành giá xăng dầu cũng như vậy, có lúc điều chỉnh giá xăng dầu không theo kịp diễn biến của thị trường. Khi giá xăng dầu chậm điều chỉnh thì cần xem xét là chậm đều không hay lại nhanh ở đoạn này và chậm ở đoạn kia. Đấy mới là vấn đề cần trao đổi.

Với thị trường xăng dầu hiện nay, cần làm rõ quan điểm ổn định giá xăng dầu là đúng hay không. Nếu không đúng thì nên bỏ quan điểm đó. Vì thực tế là có những thời điểm giá thế giới biến động rất mạnh nhưng có quỹ bình giá xăng dầu nên chúng ta vẫn chấp nhận chịu lỗ để giữ giá xăng dầu. Nhưng những lúc như vậy thì dư luận không hiểu được những cố gắng của Chính phủ. Trong khi giá tăng lên một chút thì phản ứng lại tiêu cực.

Có ý kiến cho rằng, giá xăng dầu phải phản ứng theo thị trường nhưng cần xem xét xem người dân có chịu được không. Có thời điểm, giá xăng dầu biến động rất mạnh tăng tới trên 11 USD/thùng thì liệu giá trong nước tăng tới như vậy thì người dân và nền kinh tế có chịu được không?

Mâu thuẫn hiện nay từ phía doanh nghiệp cũng như phía dư luận, là vừa muốn giá xăng dầu theo thị trường nhưng lại vừa muốn có sự bình ổn giá xăng dầu để không bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Ông có cho rằng, với việc các doanh nghiệp xăng dầu lớn đang nắm thị phần lớn thì cần phá vỡ thế độc quyền hiện nay của thị trường xăng dầu?

Nếu là độc quyền xăng dầu thì chỉ có một doanh nghiệp bán hàng nhưng ở đây thị trường xăng dầu có sự tham gia 13 doanh nghiệp. Sau 2 năm thực hiện Nghị định 84, từ chỗ chỉ có 9 doanh nghiệp đầu mối, thị trường xăng dầu có thêm 4 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã rất chủ động phá vỡ cái gọi là thế độc quyền.

Doanh nghiệp đầu mối như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex hay các tập đoàn trong ngành viễn thông được hình thành từ thời kinh tế kế hoạch hóa nên có độc quyền tự nhiên thì họ cũng được hưởng những lợi thế sẵn có chứ không phải họ làm như vậy để cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay, các doanh nghiệp này đang tiến hành cổ phần hóa. Việc phá vỡ thế độc quyền đang được điều chỉnh theo thị trường nhưng với thị trường xăng dầu, cần phải xem xét mở cửa thị trường xăng dầu thì ai được lợi. Thị trường bán lẻ xăng dầu rất quan trọng vì liên quan đến người dân.

Vấn đề với thị trường xăng dầu không phải là độc quyền hay không độc quyền mà là cần tăng cường phối hợp tốt hơn giữa người tiêu dùng với quản lý nhà nước để làm lành mạnh thị trường xăng dầu.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo về hoạt động của Petrolimex cho thấy, doanh nghiệp này tuy bị lỗ nhưng lại trả lương cao. Ông có thấy đây là một bất hợp lý?

Lương và lỗ là hai vấn đề khác nhau. Lương thì phải nhìn theo góc độ của Luật Lao động. Cán bộ nhân viên của Petrolimex được trả lương theo hợp đồng lao động, chứ họ không cần biết chuyện lỗ hay lãi. Lỗ lãi là việc của chủ đầu tư, chủ sở hữu phải chịu chứ không phải cứ lỗ là phải giảm lương của người lao động.

Khi nói mức lương của tổng công ty mẹ lên tới mấy chục triệu đồng/tháng thì cần biết người lao động của Petrolimex để có mức lương đó là cả một quá trình phấn đấu. Nhiều tập đoàn không đủ doanh thu đã phải giảm lương khá lớn, có khi giảm tới 40% lương so với trước. Mức lương của Petrolimex cũng bị giảm tới 20%.