Nông nghiệp cần trụ đỡ chính sách

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong con số 5,18% tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014, khu vực các ngành hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đóng góp 0,55 điểm % vào mức tăng chung. Đây là con số đóng góp cho tăng trưởng GDP hạn chế nhất trong các ngành kinh tế chính của cả nước.

Ngành Nông nghiệp cũng phải tự “nâng cấp sức khỏe” của chính mình. Nguồn: internet
Ngành Nông nghiệp cũng phải tự “nâng cấp sức khỏe” của chính mình. Nguồn: internet
Con số này phần nào phản ánh những khó khăn trong phát triển nông nghiệp 6 tháng đầu năm qua nhưng đây chính là “mệnh lệnh từ cuộc sống” để ngành Nông nghiệp đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu của mình.

“Hụt hơi” vì… nhập khẩu

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung đạt 14,67 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, cũng có một con số tăng trưởng khác đã lý giải vì sao việc đóng góp cho GDP từ nông nghiệp lại hạn chế như vậy - đó chính là giá trị nhập khẩu trong nông nghiệp. 6 tháng vừa qua, giá trị nhập khẩu toàn ngành đã lên tới 10,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc tăng trưởng nhập khẩu đã vượt tăng trưởng xuất khẩu trong nông nghiệp. Các sản phẩm mà chúng ta đang phải nhập khẩu ngoài phân bón, thuốc trừ sâu còn có cao su, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ…

Có thể kể ra nhiều loại sản phẩm mà kim ngạch nhập khẩu tương đương hoặc lớn hơn xuất khẩu.

Trước hết là nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi Việt Nam được coi là cường quốc về xuất khẩu gạo thì ngành chăn nuôi lại phải nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn. Chỉ tính riêng trong năm 2013, nước ta đã thu về 2,95 tỷ USD qua xuất khẩu gạo nhưng lại phải chi 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Nếu tính cả lượng nhập khẩu ngô, đậu tương và lúa mì thì con số này lên tới trên 4 tỷ USD, gấp hơn 1,5 lần xuất khẩu.

Về thủy sản, Việt Nam được ghi nhận là nước cung cấp lớn thứ 4 thế giới với khả năng cạnh tranh cao, đang và sẽ trở thành điểm đến của nhiều nhà nhập khẩu thế giới nhưng mỗi năm vẫn phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 3,45 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2013 thì giá trị nhập khẩu cũng lên tới 482 triệu USD, tăng 70,4 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào bức tranh kinh tế nông nghiệp, TS. Võ Hùng Dũng (Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ) phải thốt lên rằng: Vị thế của ngành trồng trọt tỏ ra rất mạnh với nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch lên đến hàng tỷ USD, nhưng Việt Nam đã nhập khẩu ngày một nhiều hơn trái cây, rau quả, ngũ cốc và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

“Câu hỏi được đặt ra là có phải chúng ta đang tận dụng tốt lợi thế so sánh: Xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế, chấp nhận nhập khẩu những sản phẩm không có lợi thế? Hay là cấu trúc nông nghiệp Việt Nam đang có vấn đề: Vừa sản xuất dư thừa lại vừa thiếu hụt. Dư thừa ở những ngành xuất khẩu trong nhiều năm qua, nhưng lại thiếu hụt ở những ngành mà nhu cầu trong nước tăng lên”, ông Dũng phân tích.

Cần có trụ cột chính sách

Khi phân tích các nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp nhập siêu một số sản phẩm làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng ở nước ta lâu nay, trong việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cơ quan quản lý chưa có kế hoạch trồng cây làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; chưa có quy hoạch đất cho chăn nuôi và chưa có chính sách khuyến khích cụ thể.

Chính vì thế, cần phải đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chẳng hạn với những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, ta hoàn toàn có thể chuyển sang trồng các cây lương thực khác phục vụ cho chăn nuôi.

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng việc nhập khẩu nguyên liệu nông sản, vật tư nông nghiệp cần phải có hàng rào kỹ thuật, không thể để tình trạng nhập khẩu ồ ạt những mặt hàng không thiết yếu như hiện nay. Cùng với đó, cần có chính sách đồng bộ thúc đẩy các ngành hàng sản xuất trong nước, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh…

Dưới góc độ của nhà doanh nghiệp, ông Võ Hùng Dũng lại chia sẻ quan điểm Nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm. Đầu tư cho nông nghiệp bao gồm đầu tư trực tiếp vào ngành nông nghiệp, vào các ngành cung cấp đầu vào, các ngành sử dụng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ phân phối.

Theo ông Võ Hùng Dũng, nhu cầu và đòi hỏi chất lượng sản phẩm trong nước gia tăng cũng là nguyên nhân làm gia tăng nhập khẩu nông phẩm từ nước ngoài. Nhà nước ban hành thể chế chính sách phát triển thị trường chứ không phải là người tiêu thụ hàng hóa, cũng không phải là “nhà cứu trợ” thường xuyên khi có trục trặc giữa cung cầu nhưng Nhà nước phải làm tốt việc bảo đảm vận hành của thể chế thị trường, cung cấp thông tin, dự báo và công tác quy hoạch.

Có thể nói, hệ quả tất yếu của một nền nông nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến đầu vào trong sản xuất tăng cao, khiến giá sản phẩm cũng tăng theo, sản xuất bấp bênh, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì thế đã đến lúc, ngành Nông nghiệp cần phải có sự thay đổi cơ bản trong việc hoạch định lại chính sách phát triển cũng như thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu.

Nông nghiệp Việt Nam đang trải qua một chặng đường khó khăn, phải bước những bước gian nan trong sự phát triển nói chung của kinh tế nội địa. Ngành Nông nghiệp cũng đang phải tự “nâng cấp sức khỏe” của chính mình song song với những quyết sách mang tính thời cuộc nhằm bảo đảm lợi ích dài lâu cho hơn 70% dân số đang sống bằng nghề nông.

Cùng với đó, “gánh nặng” của việc làm trụ đỡ của nền kinh tế vào thời điểm này cũng khiến những bước tiến của nông nghiệp sẽ trở nên nặng nề hơn nếu không có một cột trụ dẫn đường. Cột trụ này chính là một gói chính sách tổng thể xuất phát từ Đề án tái cơ cấu toàn ngành theo hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.