Nông nghiệp nên lựa chọn lợi thế khi hội nhập

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã chia sẻ về những thuận lợi và thách thức đối với nông nghiệp khi Việt Nam đang đàm phán hàng loạt hiệp định tự do thương mại như: TPP, Việt Nam-EU, Liên minh Thuế quan Nga-Kazathstan-Belarus...

Phóng viên: Xin ông cho biết các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đang đàm phán, nếu được ký kết, sẽ tác động như thế nào tới người nông dân Việt Nam?

 Nông nghiệp nên lựa chọn lợi thế khi hội nhập - Ảnh 1
TS. Đặng Kim Sơn,
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
TS. Đặng Kim Sơn: Người nông dân sẽ đứng trước cơ hội rất lớn cũng như đối mặt với thách thức ghê gớm trong quá trình hội nhập diễn ra vài năm tới.

Theo tôi, cơ hội là khi thị trường mở rộng, các mặt hàng nông sản chủ lực như: Thuỷ sản, cà phê, lúa gạo... sẽ có nhiều thị trường tiêu thụ hơn. Nếu chúng ta biết nâng cao chất lượng sản phẩm thì độ mở của thị trường còn tăng gấp đôi, gấp ba.

Còn về thách thức, hàng loạt mặt hàng nông sản sức cạnh tranh cao của các nước khác sẽ tràn vào thị trường Việt Nam (ví dụ: Bông, dầu ăn, thức ăn gia súc...), thậm chí, ngay cả các ngành hàng Việt Nam có chút lợi thế (như chăn nuôi, rau quả) cũng có khả năng bị lấn chiếm thị trường.

Ngoài ra, hội nhập còn đem tới rủi ro về bệnh dịch, giá cả, các cuộc khủng hoảng kinh tế... cũng sẽ khiến người nông dân Việt Nam, do nội lực và mức độ tự bảo vệ còn yếu, phải hứng chịu thiệt hại to lớn. Nếu chúng ta không có những giải pháp thật căn cơ ngay từ bây giờ thì người nông dân sẽ là những người chịu nhiều rủi ro nhất.

Vậy những giải pháp căn cơ ở đây là gì, thưa ông?

Hội nhập chưa thể đem lại thành công ngay cho một nền nông nghiệp dù lớn hay nhỏ, hội nhập phải đi kèm với đổi mới.

Đầu tiên là trong công tác quản lý Nhà nước, minh bạch thị trường, có chính sách dài hạn để mọi thành phần kinh tế nhận thức và tập trung đầu tư.

Chúng ta cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, để các thành phần kinh tế đều được đối xử công bằng. Đặc biệt là những nông dân yếu thế đang chiếm đa số trong nền nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam vươn lên.

Chúng ta cũng cần có chính sách tốt để thu hút đầu tư vào nông thôn. Đây là vấn đề quan trọng để ngành Nông nghiệp bắt kịp hội nhập. Nếu không, các doanh nghiệp quốc tế có nhiều lợi thế về vốn, công nghệ, tổ chức sẽ làm chủ thị trường nông sản nước ta.

Ngoài ra, khi chúng ta không có nhiều nguồn lực mạnh để hỗ trợ cho nông nghiệp thì cách tốt nhất là chuyển nguồn lực, tài nguyên từ những ngành không có lợi thế sang các ngành có lợi thế. Bên cạnh đó, đánh giá lại các mặt hàng không có tính cạnh tranh, không vượt được đối thủ trong khu vực và thế giời thì chủ động xây dựng lộ trình để chuyển sang sản xuất các ngành hàng khác mà chúng ta có lợi thế.

Thưa ông, sắp tới, một số ngành như mía đường sẽ tiến tới áp thuế 0% cho tất cả các sản phẩm, vậy doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh?

Thông thường trên thế giới, với những ngành không có lợi thế, các nước viện lý do môi trường, chính trị, xã hội để bảo hộ càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, việc bảo hộ không đi kèm với đổi mới, cải cách thì không phải là yếu tố tích cực.

Chúng ta phải tranh thủ thời gian được bảo hộ để tăng sức cạnh tranh của các ngành hàng. Nhưng đối các ngành mía đường, trồng cây có dầu, thuốc lá, thức ăn chăn nuôi, rau quả ôn đới..., những ngành mà chúng ta phải nhập nguyên liệu để phục vụ nhu cầu trong nước, trong tương lai, với việc hội nhập sâu hơn, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi của cơ chế thị trường. Như vậy theo tôi, chúng ta cần xuất khẩu mạnh các mặt hàng có lợi thế, đồng thời cũng phải chấp nhận nhập khẩu những mặt hàng không phải là lợi thế.