Nút thắt dần được tháo gỡ?

Theo thoibaonganhang.vn

Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng mới chính thức triển khai được 1 tháng trong khi “room” của nó tới 3 năm. Do đó, cùng với những tháo gỡ vướng mắc kịp thời của cơ quan quản lý việc giải ngân gói tín dụng này sẽ khả quan hơn trong thời gian tới và rất có thể “nở rộ” vào một thời điểm không xa.

Nút thắt dần được tháo gỡ?
Chỉ cần là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách sẽ được vay vốn hỗ trợ nhà ở. Nguồn: Internet

Chính sách đã “bắt nhịp” thị trường

Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi 6%/năm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng phối hợp triển khai được kỳ vọng sẽ đáp ứng “cầu thật” của người dân đồng thời phần nào giúp thị trường bất động sản  “hồng hào” lên. Song, sau gần 1 tháng triển khai cho vay, việc giải ngân vốn từ gói tín dụng này vẫn còn gặp không ít khó khăn. Số vốn mà các ngân hàng giải ngân cũng như số lượng người dân được vay tiền từ gói này rất ít.

Theo khảo sát của phóng viên tại một số ngân hàng thương mại (NHTM), điều họ băn khoăn nhất khi thực hiện cho vay mua nhà ở xã hội là khái niệm đối tượng thu nhập thấp. Mà đây là căn cứ rất quan trọng để các ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng không bị “chệch” hướng. Do đó không ít khách hàng mới chỉ nhận “cái hẹn”… chờ hướng dẫn về quy định cụ thể người thu nhập thấp!

Bên cạnh đó, việc các khách hàng gặp khó khăn khi xác nhận của địa phương về điều kiện nhà ở và mức thu nhập thấp… cũng là những vướng mắc khiến việc giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng chưa được như mong muốn.

Theo Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh, đến nay toàn hệ thống ngân hàng của Vietcombank cũng mới chỉ tiếp nhận được khoảng 10 hồ sơ cho cá nhân vay theo chương trình này. Một số NHTM khác tuy không cho biết con số cụ thể nhưng cũng thừa nhận số hồ sơ cho vay cá nhân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, chiều ngày 25/6/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Văn bản số 1250/BXD-QLN hướng dẫn xác định đối tượng, điều kiện và trình tự thủ tục khi vay tiền trong gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.

Theo văn bản này, tất cả các cá nhân vay mua nhà ở xã hội chỉ cần là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân; người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập…

Ngoài ra, thay vì có cả xác nhận của chính quyền địa phương, thì thủ tục, điều kiện vay vốn hiện nay chỉ cần xác nhận của cơ quan. Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã cụ thể hoá các tiêu chuẩn chuyển đổi nhà thương mại… nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn để mua nhà hơn.

Đánh giá về văn bản nói trên của Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN Nguyễn Viết Mạnh cho rằng, trong thời gian qua, lo ngại nhất của các ngân hàng là xác định thế nào là đối tượng thu nhập thấp. Với những quy định được rõ ràng hơn như vậy sẽ giúp các ngân hàng “yên tâm”, mạnh dạn hơn khi cho vay. Vấn đề bây giờ chỉ là khách hàng chứng minh khả năng tài chính của mình để có nguồn trả nợ cho ngân hàng.

Không lo chệch hướng

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho rằng, để hướng dẫn một Thông tư, giá như Văn bản trên của Bộ Xây dựng được nâng lên thành Quyết định thì tính pháp lý của nó sẽ cao hơn và như vậy cũng hạn chế những “rắc rối” có thể xảy ra nhiều hơn. Hiện Vụ Tín dụng cũng đang trao đổi với Vụ Pháp chế của NHNN để phản hồi với Bộ Xây dựng về vấn đề này.

“Tất nhiên, về xác định đối tượng cho vay là trách nhiệm của Bộ Xây dựng, nhưng khi cả hai cơ quan cùng phối hợp thực hiện thì việc triển khai gói tín dụng sẽ hiệu quả, an toàn hơn…”, ông Mạnh cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mới đây Bộ Xây dựng đã công bố danh sách các dự án, chủ đầu tư được vay vốn đợt 1 gồm Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú, Hà Đông do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư… Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, thẩm định, công bố công khai danh sách các dự án nhà ở xã hội để các NHTM chủ động triển khai cho vay vốn.

Theo một lãnh đạo NHTM, khó khăn hiện nay của các cá nhân khi đi vay vốn mua nhà là cần phải có hợp đồng ký kết mua bán với chủ đầu tư. Việc này đối với nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng là nguyên tắc và cần thiết. Vì vậy để giảm thiểu khó khăn, các khách hàng trước khi mua dự án nào đó có thể đến ngân hàng nhờ các nhân viên tư vấn giúp đỡ, xem dự án đó như thế nào và năng lực tài chính của khách hàng có đủ để đáp ứng không, vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Mạnh cho rằng, việc mua căn nhà theo như ý muốn người dân phải cân nhắc tính toán khá kỹ. Có thể căn nhà mà mình ưng ý thì lại không phù hợp với điều kiện làm việc, hoàn cảnh gia đình và ngược lại. Nên chắc chắn người mua sẽ lựa chọn, cân nhắc xem mục tiêu mình đạt tới đâu rồi mới đưa ra quyết định.

Hơn thế, chương trình này mới chính thức triển khai được 1 tháng trong khi “room” của nó tới 3 năm. Do đó, cùng với những tháo gỡ vướng mắc kịp thời của cơ quan quản lý việc giải ngân gói tín dụng này sẽ khả quan hơn trong thời gian tới và rất có thể “nở rộ” vào một thời điểm không xa.

Vừa qua, cũng có lo ngại gói tín dụng 30 nghìn tỷ bị chệch hướng, khi các NHTM đang ưu tiên hơn cho đối tượng doanh nghiệp (DN). Về vấn đề này, ông Mạnh khẳng định với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN đã khẳng định sẽ kiểm soát chặt dòng tiền này. Hơn thế, dù có ưu tiên hay không thì số vốn ưu đãi cho DN cũng chỉ gói gọn 9.000 tỷ đồng.

“Để chính sách phát huy hiệu quả, cung – cầu phải gặp nhau. Cầu đã tương đối lớn rồi, nên NHNN chỉ dành 30% số vốn trong gói tín dụng này  nhằm tạo thêm nguồn cung”, ông Mạnh cho hay. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng nhấn mạnh sẽ không có cơ chế xin – cho đối với các DN. DN muốn vay phải được Ủy ban Nhân dân địa phương xét duyệt, rồi chuyển lên Bộ Xây dựng tổng hợp sau đấy mới chuyển cho các NHTM.

Ông Nam cũng lưu ý, không phải DN nào thuộc diện đối tượng cũng được vay vốn. Ngân hàng sẽ xem xét khả năng tài chính, phương án khả thi đạt yêu cầu thì mới được vay. Vì thực tế, các NHTM chỉ được vay lãi suất tái cấp vốn của NHNN thấp hơn 1,5%/năm so với lãi suất cho vay khách hàng, mà chi phí rủi ro thì họ hoàn toàn phải chịu.