"ODA - Thiếu tỉnh táo Việt Nam sẽ không thoát khỏi bẫy nợ nần"

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) "Việt Nam, không nên coi ODA như một thành tích về bang giao quốc tế hay thắng lợi trong đàm phán..." - TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

ODA – Vấn đề chính là ở chúng ta!

Lại thêm một nghi án hối lộ 16 tỷ liên quan tới dự án ODA giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, cá nhân ông có cảm thấy bất ngờ trước thông tin này không, thưa ông?

"ODA - Thiếu tỉnh táo Việt Nam sẽ không thoát khỏi bẫy nợ nần" - Ảnh 1
TS. Nguyễn Đức Thành
TS. Nguyễn Đức Thành: Tôi không thấy bất ngờ vì từ lâu chúng ta vẫn biết các dự án ODA chứa đầy những lời đồn đại hoặc thông tin về sự thiếu minh bạch về tài chính cũng như hiệu quả sử dụng đồng vốn vay.

Điều đáng nói là thêm một lần nữa, thông tin về tham nhũng, nhận hối lộ của phía Việt Nam chỉ được phát giác từ phía nước ngoài. Điều ấy cho thấy chúng ta luôn hoàn toàn thụ động đối với sự tham nhũng trong chi tiêu ODA. Đây là một bằng chứng để người dân tiếp tục tin rằng có sự bao che lẫn nhau, vạn bất đắc dĩ bị lộ ra thì mới coi như có một sự việc như vậy.

Thực tế, những dự án từ nguồn vốn ODA của Nhật việc đấu thầu cũng chỉ chọn những nhà thầu Nhật Bản. Cùng với nhiều ý kiến nhận định giá công trình, dự án ODA từ nguồn Nhật Bản thường cao hơn gấp nhiều lần nước khác. Liệu điều này có lý giải cho thực trạng đưa - nhận hối lộ này, thưa ông?

Có một nguyên tắc mà ai cũng biết, vốn ODA, luôn là một khoản vay mà chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai, và kèm theo điều kiện cho vay là những điều khoản có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA.

Riêng Nhật Bản là nước có quan hệ ODA với Việt Nam rất chặt chẽ từ những ngày đất nước mới mở cửa, cải cách. Khi sử dụng đồng vốn ODA vay của Nhật, thì nhìn chung ta phải sử dụng các nhà thầu Nhật cho các công trình. Nếu có sự đấu thầu thì cũng chỉ là giữa các nhà thầu của Nhật.

Ở đây có thể phát sinh sự cạnh tranh giữa các nhà thầu nhưng tương đối hẹp. Nhưng đã có cạnh tranh thì vẫn có bên thắng bên thua, nên việc đút lót là có thể diễn ra. Thêm vào đó, để có thể vừa thắng thầu vừa bán được mức giá cao, nhà thầu sẵn sàng đút lót một lượng tiền lớn.

Tôi lấy ví dụ thế này, cùng một dự án với nhà thầu khác chỉ có giá 10 đồng, nhưng vay ODA của Nhật thì phải mua với giá 20 đồng. Nếu muốn phía Việt Nam đồng ý cho êm đẹp, nhà thầu Nhật có thể đút lót cho Việt Nam 2 đồng để bán được với giá 20 đồng.

Nghĩa là mất 2 đồng đút lót, nhà thầu Nhật Bản vẫn được lãi 8 đồng, nói vậy để thấy thế nào Nhật cũng có lợi. Điều quan trọng là chúng ta có tự mắc vào bẫy hay không.

Không tỉnh táo sẽ mắc bẫy “nợ nần”

Ông vừa nhắc tới một cái bẫy, liệu đây có phải là binh pháp ODA, hay “ODA - là sát thủ kinh tế” mà chính các học giả Nhật Bản đã thừa nhận. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

Đây là thực tế mà ai cũng thấy rất rõ, nếu không tỉnh táo Việt Nam có thể sẽ sa vào cái “bẫy” nợ nần. Khi đã trở thành con nợ của họ thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải chịu nhiều ràng buộc trong mối quan hệ chủ nợ-con nợ.

Điều này không chỉ đúng trong trường hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản, mà với bất cứ nước nào chúng ta chịu nợ nần. Và mở rộng ra, đây cũng là sợi xích ràng buộc giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Khi các nước lớn muốn cho vay vốn ODA với quy mô lớn, họ phải vẽ ra những dự án cho những nước được họ xem là “con mồi”. Hay nói cách khác, là xây dựng ra nhu cầu sử dụng vốn ngay tại nước đó. Như với Việt Nam là dự án đường sắt Việt Nam, tàu cao tốc, v.v... cùng với một bức tranh tương lai tốt đẹp, tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội…

Đặc điểm của vốn vay ODA là lãi suất rẻ hơn so với vốn vay thương mại, và thời hạn sử dụng vốn cũng dài hơn. Tuy nhiên đi kèm với đó lại luôn có những điều kiện nhất định.

Đầu tiên, gói vốn ODA phải gắn với dự án do nước cung cấp đã vẽ ra, nhà thầu thi công chính phải là nhà thầu nước đó. Trong trường hợp này là Nhật Bản. Điều này thường có nghĩa là Việt Nam phải chấp nhận thực tế là vay gói vốn ODA giá 1000 nhưng chất lượng công trình có thể chỉ là 600-700, vì họ có thể báo giá là 1000 lúc giải ngân.

Trong khi đó, lãi suất thấp nhưng vẫn được tính trên tổng số tiền đi vay, kết quả là Việt Nam sẽ phải mắc vào một khoản nợ rất lớn mà kỳ thực lãi suất không phải là rẻ như chúng ta tưởng.

Ngược lại, các doanh nghiệp Nhật Bản nhận được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ chính gói vốn vay ODA. Thực tế thì hoạt động kinh doanh dựa trên vốn ODA đã là một ngành sôi nổi đối với nhiều doanh nghiệp Nhật, nên mới có sự ganh đua, đút lót như trường hợp vừa bị phát giác.

Phải coi ODA là gánh nặng!

Như vậy, vốn ODA không hề đơn giản chỉ là chuyện “vay hôm nay thì mai sau con cháu phải trả”. Vậy phải hiểu về vốn ODA này thế nào mới đúng, thưa ông?

Bản chất của ODA là lãi suất thấp, vay dài hạn nhưng đi cùng với nó là những ràng buộc rất chặt chẽ. Nước đi vay không có quyền quyết định số phận gói tiền đó mà phải sử dụng theo đúng mục đích hoặc định hướng của bên cho vay.

Từ góc độ của người đi vay thì phải coi ODA là một khoản vay bình thường. Nếu hoang phí thì hiệu quả kinh tế không còn mà lãi suất vô hình chung lại rất cao.

Có thể Việt Nam sẽ có những công trình, hạ tầng mới, nhưng đi cùng với đó là gánh nợ tích lũy cũng được chồng cao thêm. Tất cả vẫn quay lại vấn đề hiệu quả thật sự của đồng vốn.

Điều đáng tiếc là vì điều kiện cho vay tương đối dễ, những người đại diện đất nước đi vay thì lại được lợi ngay nhờ sự chiều chuộng, cung phụng của các bên cho vay hoặc nhà thầu (như trường hợp đang bàn ở đây), nên trách nhiệm đặt lên vai người trả nợ là đại đa số người dân bị mờ nhạt đi rất nhiều. Nhưng rốt cuộc thì đã nợ là phải trả, không trốn tránh được.

Chất lượng công trình không cao, nhận công nghệ thấp, tăng trưởng kinh tế lại giành cho nước ngoài. Tại sao Việt Nam lại lựa chọn cách phát triển thiệt đơn, thiệt kép như vậy, thưa ông?

Nếu đánh giá khách quan, các công trình do Nhật thi công, giám sát chất lượng cũng được đánh giá cao. Khi xảy ra sự cố họ cũng ý thức khắc phục.

Nhưng rõ ràng, giá thành thì cao hơn hẳn so với việc thi công cạnh tranh. Tức là chất lượng công trình là 3 đồng, nhưng họ lại tính toán để mình phải mua với giá 5 đồng. Cho nên nếu kiểm soát không tốt thì ODA chắc chắn sẽ trở thành một gánh nặng, vì chúng ta cứ đi vay để mua những công trình với giá cao.

Tôi cho rằng, có thể do không thấy lo lắng về khoản nợ tích lũy hay chưa đến ngày trả nợ mà Việt Nam vẫn mải miết đi vay, vay được là cứ vay.

Còn hỏi vì sao biết thiệt đơn, thiệt kép mà vẫn làm thì phải xem lại chính những người đứng đầu duyệt dự án vay ODA của Việt Nam.

Đa phần họ được chiều chuộng, thậm chí là được nhận đút lót, hối lộ, tức là có cái lợi ích riêng từ những dự án này hoặc từ chính những người cho vay. Thêm vào đó, họ cũng không phải chịu trách nhiệm gì với những khoản vay đó, nên đây là một thực tế rất đáng buồn dẫn tới sự lệ thuộc quá lớn của Việt Nam vào các khoản vay ODA.

Vậy thì Việt Nam phải có chiến lược nào để sử dụng nguồn vốn ODA một cách hiệu quả. Ông có thể lấy ví dụ về chiến lược đi vay từ các nước đang phát triển tương tự Việt Nam?

Cái này tùy thuộc vào mỗi nước trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Như Hàn Quốc, ngay từ khi còn rất nghèo và khó khăn, họ vẫn luôn coi ODA là một gánh nặng, một sự tủi hổ, và chỉ sử dụng trong trường hợp bất đắc dĩ. Ngay cả nước Nhật hồi sau thế chiến thứ 2 cũng như vậy.

Vì vậy mà họ luôn cố gắng trả nợ nhanh nhất có thể và không để bị phụ thuộc vào ODA.

Với Việt Nam, cũng nên xác định lại quan niệm và hình ảnh về vốn ODA, không phải coi đó như một thành tích về bang giao quốc tế hay thắng lợi trong đàm phán. Xác định như vậy thì mới có sự tiết chế, thận trọng trong các quan hệ khi định vay thêm ODA.

Thứ nữa, ODA cho vay dài hạn nhưng chiến lược sử dụng phải có hiệu quả kinh tế ngay trong ngắn hạn. Vấn đề kiểm soát hiệu quả đồng vốn ODA còn có vẻ mờ nhạt, tôi nghĩ cũng là vì sự kiểm soát chưa được mở rộng và nâng cao tính dân chủ. Cần phải minh bạch thông tin hơn nữa về các dự án ODA, quá trình ra quyết định và hình thành dự án. Nâng cao tính phản biện của các bên luôn giúp cho chúng ta tiết kiệm hơn những đồng vốn vay mà con cháu sẽ phải gồng lưng lên trả.

Xin cảm ơn ông!