Phá băng tín dụng: Cần 4 cú “đánh” đồng thời

Đóng băng tín dụng hay suy giảm tín dụng là thuật ngữ chỉ hiện tượng kinh tế trong đó các ngân hàng thương mại (NHTM) từ chối cho vay ngay cả người vay tốt, chấp nhận lãi suất cao.

Phá băng tín dụng: Cần 4 cú “đánh” đồng thời
Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ gần 3%, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm 2013. Nguồn: financeplus.vn
Hiện tượng này hàm ý sự sụt giảm mạnh nguồn cung tín dụng, trong khi cầu tín dụng vẫn có và không được đáp ứng, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp (DN) rất khó khăn trong tiếp cận vốn.

Sau cuộc khủng hoảng 2008, Mỹ cũng rơi vào bẫy suy giảm tín dụng và đã phải sử dụng đến hơn 4.000 tỉ USD từ ngân sách và Ngân hàng Trung ương Mỹ để cơ cấu cho phá sản 800 ngân hàng nhỏ; hỗ trợ các đại công ty và thỏa hiệp nâng trần nợ công, song cũng phải đến đầu năm 2013, “tảng băng” tín dụng mới có dấu hiệu tan.

Nếu không phá băng tín dụng nhanh chóng thì nền kinh tế rất dễ rơi vào bẫy thứ 2 sau đó là bẫy thanh khoản. Với “bẫy thanh khoản” thì nguồn cung tín dụng dồi dào, thanh khoản tốt do suốt thời gian dài vốn được bơm ra thị trường nhưng cầu tín dụng không có, do các nhà đầu tư, các DN, các hộ gia đình đều mất niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế. Nhật Bản là quốc gia trải qua hơn 20 năm liên tục bị bẫy thanh khoản mặc dù lãi suất tái chiết khấu đã giảm gần 0%/năm.

Tại Việt Nam, qua số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ gần 3%, hoàn thành 25% kế hoạch cả năm 2013. Thanh khoản hệ thống rất dồi dào, các ngân hàng đều dư vốn, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, duy trì mức thấp, doanh số giao dịch không nhiều. Biểu hiện của suy giảm tín dụng rất rõ ràng.

Để phá băng tín dụng của Việt Nam, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp cơ bản là hạ lãi suất, giải quyết nhanh nợ xấu, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho DN và xử lý các ngân hàng thuộc diện yếu kém.

Hạ lãi suất đã được NHNN triển khai và nhận được sự đồng thuận của các NHTM. Lãi suất cả huy động và cho vay đều đã được kéo xuống mức thấp so với năm 2012. Nhiều khả năng nếu lạm phát tiếp tục được kiềm chế, NHNN có thể hạ thêm khoảng 0,5%/năm đối với lãi suất huy động.

Tiến trình xử lý nợ xấu khởi động với việc ban hành Nghị định về VAMC của Chính phủ. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng tuyên bố trước Quốc hội dự kiến VAMC sẽ giúp xử lý 40.000-70.000 tỉ đồng nợ xấu ngay trong năm 2013.

Còn trong báo cáo giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ yêu cầu năm 2013 ngành ngân hàng phải giải quyết 105.000 tỉ đồng nợ xấu. Cũng theo báo cáo, trong 7 tháng còn lại của năm, dự kiến mỗi tháng cơ quan điều hành sẽ bơm ra thị trường 40.000 tỉ, nhằm đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12%.

Cùng với xử lý nợ xấu, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho DN là yêu cầu bắt buộc cho quá trình tan băng tín dụng. Khi ngân hàng chuyển nợ xấu sang cho VAMC đồng thời tài sản thế chấp của DN tại ngân hàng cũng trở thành tài sản của VAMC. Như vậy DN không có tài sản bảo đảm để có đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng, đồng thời Trung tâm Thông tin tín dụng CIC của NHNN vẫn ghi nhận DN có lịch sử tín dụng không tốt. Nếu không có cơ chế để DN vay vốn sản xuất thì nợ xấu có được đưa ra khỏi bảng tài sản của ngân hàng cũng không có ý nghĩa.

Vì vậy, nghị định thành lập VAMC đã có quy định hết sức quan trọng là bảo lãnh cho các tổ chức, DN, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng. Với quyền hạn và chức năng được Chính phủ cho phép, VAMC có thể nói đã có trong tay công cụ rất mạnh để khơi thông dòng tín dụng trong nền kinh tế.

Cuối cùng, đẩy nhanh quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Có thực hiện được bước này thì mới giữ được kết quả đạt được của những biện pháp trước đó. Nếu nợ xấu không được xử lý, dòng vốn khơi thông thì chỉ vài năm sau tình trạng xấu sẽ sớm trở lại. Do các ngân hàng yếu kém lại tiếp tục cho vay thiếu kiểm soát, mất thanh khoản, gây mất ổn định cho toàn hệ thống.

Như vậy, “tảng băng” tín dụng đã được cơ quan quản lý nhận diện rõ ràng và cũng có hướng xử lý cụ thể. TS. Lê Xuân Nghĩa kỳ vọng với quy mô nền kinh tế còn nhỏ và sự nhạy cảm của tín dụng đối với nền kinh tế cao thì “tảng băng” tín dụng sẽ sớm tan ở Việt Nam. Tuy nhiên, kiểm chứng vào thực tế, nếu việc triển khai giải pháp phá băng tín dụng không quyết liệt thì có lẽ kỳ vọng của TS. Nghĩa cũng khó thành sự thật. Nguy cơ rơi vào bẫy thanh khoản vì thế cũng cao hơn.