Phá sản ngân hàng yếu kém thế nào?

Theo enternews.vn

Trong dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016–2020 do Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì soạn thảo, việc tiếp tục tái cơ cấu ngành ngân hàng được xem là một nhiệm vụ trọng tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Điều này được nhiều chuyên gia ủng hộ. Theo đó, việc lựa chọn phương thức cho ngân hàng yếu kém phá sản mà không ảnh hưởng đến hệ thống, khách hàng và nhà nước, thúc đẩy các ngân hàng tốt phát triển là vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất.

Phá sản không gây đổ vỡ hệ thống

Theo ông Nguyễn Phước Thanh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2010–2015, ngành ngân hàng đã qua nhiều cuộc đại phẫu.

Do vậy, từ năm 2016, các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng quy mô vốn còn thấp. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu. Điều quan trọng nhất các ngân hàng phải tăng thêm là vốn phải là “vốn sạch”, bởi nếu tăng bằng vốn ảo thì sớm muộn cũng gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù tái cấu trúc giai đoạn 3 năm 2012–2015 đã hoàn tất, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2016.

Nếu các ngân hàng thương mại yếu kém không tự khắc phục được cũng sẽ dẫn đến việc phá sản. Trước mắt, có thể cho phá sản các quỹ tín dụng, các công ty tài chính hoạt động yếu kém để thị trường quen dần, sau đó sẽ đến nhà băng nhỏ yếu kém – ông Thanh khẳng định.

Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ Mỹ, thiết lập một cơ chế và quy trình phá sản hợp lý. Thực tế, có những quan ngại là nếu cho phép phá sản, hệ thống ngân hàng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền và người dân kéo đến rút tiền ồ ạt, dẫn đến việc đưa cả hệ thống vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu việc phá sản được lên kế hoạch chặt chẽ và hợp lý – Chuyên gia kiểm toán KPMG Lê Hữu Hòe khẳng định.

Người dân sẽ không kéo đến ngân hàng rút tiền ồ ạt nếu Ngân hàng Nhà nước có thể thỏa thuận với một ngân hàng nào đó tiếp nhận khối lượng tiền gửi của ngân hàng phá sản và bảo lãnh khối lượng tiền gửi đó.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tìm cách thanh lý tài sản để có tiền mặt bù vào số tiền đã phải ứng ra hoặc đang bảo lãnh. Việc làm này không khác gì biện pháp mà hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng khi tiếp quản 3 ngân hàng thương mại đã mua với giá 0 đồng.

Hiện tiền gửi tại các ngân hàng này không được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh, nhưng người dân cảm thấy an tâm khi những ngân hàng này trở thành một ngân hàng của nhà nước.

Vậy, khi Việt Nam cho phép ngân hàng phá sản, ngoài việc cơ quan bảo hiểm tiền gửi bồi thường cho người gửi tiền, việc Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh tiền gửi của người dân tại những ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước đóng cửa sẽ làm họ an tâm và tránh được hiện tượng rút tiền ào ạt. Với những tiền đề này, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước cần phải đẩy mạnh áp dụng Luật Phá sản các ngân hàng với các phương thức và một trình tự hợp lý, không gây đổ vỡ hệ thống…

Theo các chuyên gia tài chính, trong kinh doanh, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, các ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp, vì vậy việc kinh doanh thua lỗ dẫn đến chấm dứt hoạt động là chuyện rất bình thường.

Lúc kinh tế khó khăn, hàng nghìn doanh nghiệp thua lỗ phá sản, còn nhiều ngân hàng lại báo cáo lãi hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng khi các ngân hàng yếu kém, thua lỗ lại được nhà nước đứng ra bảo đảm tính thanh khoản là điều rất vô lý.

Kinh nghiệm từ Mỹ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc phá sản của ngân hàng cũng là chuyện bình thường ở nhiều quốc gia khác. Nếu nhà nước muốn cứu thì hãy cứu hàng trăm nghìn doanh nghiệp khó khăn hiện nay, vì khi họ phá sản, hàng loạt người sẽ phải thất nghiệp.

Cho nên, ngân hàng nào kinh doanh tốt thì phát triển, nếu không hiệu quả, không sáp nhập, thì mạnh dạn cho phá sản. Người dân cũng phải lựa chọn ngân hàng tốt, tạo được lòng tin, để gửi tài sản của mình vào đó.

TS. Hiếu phân tích, việc đóng cửa một ngân hàng ở Mỹ được thực hiện với trình tự rất chuyên nghiệp, trật tự và an toàn cho hệ thống. Theo đó, một ngân hàng nếu được các cơ quan thanh tra, giám sát thẩm định là có khả năng phá sản thì các cơ quan quản lý như FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation – công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang) sẽ lên kế hoạch đóng cửa và thường tìm những ngân hàng khác có thể mua lại toàn bộ hay từng phần của ngân hàng sẽ bị đóng cửa, hoặc chính FDIC là cơ quan tiếp quản và thanh lý tài sản.

Việc đóng cửa được chuẩn bị trong bí mật tuyệt đối để tránh khách hàng kéo đến rút tiền ồ ạt và tránh thất thoát tài sản do cán bộ ngân hàng có thể biết trước hành động của FDIC.

Khi đóng cửa ngân hàng, một đội ngũ đồ sộ các nhân viên công lực của FDIC lập tức tiếp quản ngân hàng đó và tuyên bố sa thải hoặc bắt giữ các cán bộ cao cấp của ngân hàng có hành vi vi phạm. Cơ quan quản lý thường đóng cửa ngân hàng vào chiều thứ 6 và dùng 2 ngày cuối tuần để kiểm soát và thay đổi toàn bộ ngân hàng rồi mở cửa lại vào ngày thứ 2 sau đó.

Các món tiền gửi được FDIC bảo hiểm (cho đến 250.000 USD) sẽ được thanh toán rất nhanh trong vòng vài ngày nếu khách hàng có yêu cầu. Những người có tiền gửi trên 250.000 USD sẽ phải chờ FDIC bán tài sản của ngân hàng bị đóng cửa.

Số tiền FDIC có từ thanh lý tài sản sẽ được thanh toán cho những đối tượng mà ngân hàng đã nợ theo một thứ tự ưu tiên, bao gồm trả lại FDIC số tiền mà FDIC đã trả cho khách hàng gửi tiền, trả thuế cho chính phủ (nếu nợ), tiền lương nợ nhân viên, các đối tác cung cấp phương tiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng, các khách hàng gửi tiền trên mức được bảo hiểm, ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng, các đối tác cho vay khác và cuối cùng là các cổ đông.

Với một trình tự phá sản trật tự và an toàn như vậy, Mỹ đã cho phá sản hàng trăm ngân hàng mỗi năm mà không hề gây khủng hoảng cho hệ thống. Ngược lại, hệ thống ngân hàng của Mỹ ngày càng mạnh mẽ và ổn định hơn.