Phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ

Theo Đại biểu Nhân dân

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm, Quốc Hội (QH) Khóa XIII, QH thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ
Đoàn ĐBQH Hà Nội trong phiên thảo luận tại tổ. Nguồn: daibieunhandan.vn

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch và chưa hoàn thành và các giải pháp phát triển kinh tế trong thời gian tới. Các đại biểu cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013 trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, đi sâu phân tích từng nhóm giải pháp, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các nhóm giải pháp để thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trong những tháng còn lại của năm 2013.
 
Cần có biện pháp đủ mạnh để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
 
ĐBQH Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ sự tán thành với báo cáo của Chính phủ về tình hình KT - XH về sự chuyển biến tích cực hơn về sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được cắt giảm, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, xuất khẩu tiếp tục tăng cao... Tuy nhiên, từ góc độ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Nam cho rằng, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, niềm tin thị trường giảm sút, nếu chúng ta không đưa ra biện pháp đủ mạnh để vực dậy niềm tin thị trường, ngăn chặn xu hướng danh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản thì hệ quả KT – XH còn khó khăn hơn. Đại biểu Nam cũng chỉ ra một thực trạng là tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn. Nền kinh tế không hấp thụ được vốn, tình trạng ngân hàng đang thừa tiền mà doanh nghiệp lại không dám vay, doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng không biết vay để kinh doanh mặt hàng gì cho có lãi. Theo đại biểu thì những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại kết quả nên thanh khoản của thị trường này khó cải thiện, dẫn đến việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Nam cũng đề xuất 3 giải pháp cụ thể. Một là, Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, kể cả biện pháp cho vay nợ để có thể đòi nợ, bảo đảm trong năm 2013 dư nợ tín dụng tăng 12%, kéo giảm lãi suất ở mức trung bình bằng mức lãi suất huy động cộng 2,5% đến 3%, ưu tiên tín dụng cho các dự án BOT-BT về xây dựng hạ tầng. Hai là, chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và điều chỉnh thuế giá trị gia tăng như Chính phủ đang trình QH là cần thiết. Nhưng ĐB đề nghị trong ngắn hạn cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa để kích thích tổng cầu, tăng sức mua, cụ thể là sử dụng ngân sách để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản hàng chục nghìn tỷ đồng hiện nay, ưu tiên ứng vốn để tiếp tục hoàn thành những công trình xây dựng dở dang bằng nguồn vốn ngân sách. Ba là, bên cạnh việc triển khai các nhóm giải pháp theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, đề nghị cần có biện pháp đủ mạnh và có kết quả để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Dù sao cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước vấn đóng vai trò rất quan trọng đối với tình hình thị trường hiện nay, kể cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực. Một khi tái cấu trúc chậm và kéo dài sự yếu kém của doanh nghiệp nhà nước thì rất khó thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

http://daibieunhandan.vn/media/13/05/130522123304156/tin-hop-to-470A2.jpg

Đoàn ĐBQH Hải Phòng, Đà Nẵng và Nghệ An trong phiên thảo luận tại tổ

Phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ

Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí  Minh) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. Trước đây, kinh tế tăng trưởng dựa trên 4 nền tảng trụ cột: nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Nhưng giai đoạn năm 2012 - 2013, kinh tế duy trì dựa trên tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI là chính, nên rất đáng ngại. Sự suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân là rất đáng lo lắng, cần sớm có giải pháp khắc phục. ĐBQH Trần Du Lịch đề nghị không nên quá quan tâm tới chỉ số tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp… mà phải vực nền kinh tế bứt ra khỏi tình trạng trì trệ.

Đại biểu Lịch cũng đề nghị không nên "lưu luyến" kế hoạch 5 năm mà phải xây dựng chương trình 3 năm 2013 - 2015 để phục hồi kinh tế. Để làm được, phải điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ. Hiện nay đã kéo giảm lãi suất cho vay nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ, nghĩa là dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều. Do vậy, phải tính lại hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tháo gỡ tín dụng bằng các chính sách linh hoạt. Về chính sách tài khóa, có thể xem lại bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa; tăng trái phiếu ít nhất để trả nợ đầu tư xây dự án cơ bản cho doanh nghiệp, sẽ tạo luân chuyển về vốn nhằm tăng tổng cầu bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa. Mặt khác, cần lựa chọn một số lĩnh vực để xử lý cho tốt, chẳng hạn như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Nên sớm rà soát, xem xét xử lý tồn đọng, nếu bán được cứ bán để có thêm nguồn lực cho ngân sách.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Du Lịch, ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, hiện có nhiều ý kiến nhận định tình hình kinh tế không lạc quan như đánh giá của Chính phủ. Những tháng còn lại của năm 2013 không nhiều, với mức đạt của những tháng đầu năm như hiện nay, liệu có đạt được mục tiêu đề ra không?
 
Trong khi các ngân hàng đều đã giảm lãi suất, tiền gửi vào nhiều, nhưng các doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được vốn. Vậy thì tiền đi đâu? Hay số tiền đó dùng để mua trái phiếu Chính phủ, ngân hàng này gửi ngân hàng kia để lấy lãi suất chênh lệch? Đại biểu Thảo tỏ ý băn khoăn. Đại biểu Thảo cũng chỉ ra sự bất cập trong cắt giảm đầu tư, việc tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm các hạng mục một số công trình hiện đang gây ra sự lãng phí, vì có những công trình sắp hoàn thành đáng lẽ phải đầu tư tiếp để hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu hồi vốn, thì lại dừng lại. Tôi cho rằng việc cắt giảm này chưa đúng chỗ. Đại biểu Thảo nhấn mạnh.
 
Thể hiện sự chia sẻ với Chính phủ về những chỉ tiêu mang tính “bệ đỡ” – GDP là một trong 4 chỉ tiêu không hoàn thành, ĐBQH Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng đó là kết quả của việc điều hành đã bị tích tụ từ nhiều năm nay. Và đại biểu Vân cũng cảnh báo, không nên lạc quan khi có những tích cực của nền kinh tế trong 4 tháng đầu  năm. Nếu so sánh chỉ tiêu cùng kỳ năm ngoái là tăng nhưng so với năm 2010 và 2011 còn thấp. Cần phải chạy “tốc độ” thì mới đạt được chỉ tiêu đề ra. Trong lúc kinh tế khó khăn thì kỷ luật nhà nước (tài chính, tiền tệ) cần phải thực hiện quyết liệt hơn.
 
Từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế thì khả năng hoàn thành mục tiêu trong năm 2013 cũng khó khăn, đặc biệt là thu ngân sách. Vì sức sản xuất trong năm 2012 yếu, sản xuất hàng hóa cầm chừng, thu ngân sách cầm chừng. Vì vậy, cần tính đến cán cân thu chi ngân sách thì mới có tỷ lệ bội chi ngân sách hợp lý.

Việc Chính phủ đưa ra cách “ứng xử” với nợ xấu đối với bất động sản là hợp lý nhưng lại vẫn chưa đưa ra được cách “ứng xử” với hàng tồn kho. Đây là điều cần phải tính đến. Hàng tồn kho cần phải tính và có giải pháp cụ thể (cần có gói hỗ trợ), đại biểu Vân đề nghị. 
 
Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ngoài quốc doanh
 
Đề cập tới vấn đề xuất nhập khẩu, ĐBQH Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) lại cho rằng, hiện nay chúng ta lại đang quay trở lại cơ chế xin - cho. Hiện gạo chưa xuất khẩu được nhưng chúng ta chỉ cho 100 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo. Thực tế, vẫn có những doanh nghiệp dù thực hiện việc xuất khẩu nhưng lại không có giấy tờ. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công thương phải nghiên cứu vấn đề này.

Đứng trước thực trạng hàng tồn kho còn cao, nợ doanh nghiệp còn nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Bình đề nghị cần phải cơ cấu lại các nhóm nợ. Việc cơ cấu nhóm nợ rất quan trọng để nắm được doanh nghiệp nào còn khả năng phát triển từ đó có chính sách để “bơm” thêm tiền cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã có những đóng góp tích cực của nền kinh tế, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp này, đại biểu Bình đề nghị.