Thể chế cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:

Phải hiện đại nhất, tiên tiến nhất

Theo Hồng Loan/daibieunhandan.vn

Liệt kê những quốc gia đã xây dựng đặc khu kinh tế, GS., TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng giờ ta mới thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là khá muộn, nhưng muộn còn hơn không. “Nếu làm tốt ta vẫn có khả năng cạnh tranh”, ông nói và nhấn mạnh rằng, muốn đặc khu kinh tế phát triển thịnh vượng thì thể chế cho nó “phải hiện đại nhất, tiên tiến nhất” so với thế giới chứ không phải so với ta.

Muộn còn hơn không

Phóng viên: Nghiên cứu kinh tế thế giới ông thấy xu hướng phát triển đặc khu kinh tế như thế nào?

GS. TSKH. Võ Đại Lược.
GS. TSKH. Võ Đại Lược.

GS. TSKH. Võ Đại Lược: Mô hình đặc khu kinh tế được nhiều quốc gia theo đuổi, đặc biệt là những nước đang phát triển. Trên thế giới hiện có khoảng hơn 100 nước xây dựng các đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, khu kinh tế tự do... Mỹ có khoảng hơn 100 khu kinh tế tự do. Ở Trung Quốc, một số đặc khu kinh tế được hình thành từ cuối năm 1979 và rất thành công như Thâm Quyến, Hạ Môn, Sán Đầu và Chu Hải.

Ở Hàn Quốc có đặc khu Incheon cũng là mô hình rất thành công, ngoài ra còn có các khu kinh tế tự do như Busan Jinhae và Gwangyangman rất phát triển. Đặc khu Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chỉ có hơn 2,2 triệu dân nhưng làm tới 20 khu kinh tế tự do. 

Không đâu xa, ngay tại các nước Đông Nam Á cũng có nhiều đặc khu kinh tế nổi tiếng như Khu công nghệ cao Jurong của Singapore, Kulim của Malaysia… Tất nhiên, đặc khu trên thế giới thì nhiều nhưng tỷ lệ thất bại cũng chiếm rất lớn.

Có điều gì ở đặc khu kinh tế của các nước mà ông ấn tượng?

Cách đây mấy năm tôi sang thăm đặc khu Incheon của Hàn Quốc. Trưởng đặc khu là một chuyên gia tài chính người Mỹ gốc Hàn. Tôi hỏi, các ông không có người hay sao mà phải thuê một bà người Mỹ? Họ trả lời, bà ấy là chuyên gia tài chính của Mỹ, có mối quan hệ mật thiết với các tập đoàn của Mỹ, như vậy mới kéo được các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc xây dựng đề án đặc khu Incheon bà ấy chỉ đạo từ đầu, thể chế Mỹ hoàn toàn. Thành lập xong họ tuyên bố chỉ thu hút nhà đầu tư Mỹ. Nghe nói hiện nay nó đã thu hút hàng trăm tỷ USD phần lớn từ nhà đầu tư Mỹ.

Ở đô thị tài chính quốc tế ở Dubai của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất thì luật quy định các hoạt động tài chính ở đây lại theo luật của Vương quốc Anh, thậm chí thị trưởng khu đô thị tài chính thuê người nước ngoài. Tôi hỏi bà Bộ trưởng Kinh tế nước này tại sao lại thuê một người Anh làm thị trưởng.

Bà ta trả lời: Thuê họ làm theo hợp đồng và theo yêu cầu của chúng tôi. Hợp đồng trong vòng 5 năm, vị này được quyền tự tuyển nhân sự dưới quyền, miễn sao có thể vận hành tốt bộ máy. Nếu có vi phạm thì bị xử lý, bãi chức, thậm chí bị phạt rất nặng. Ở Dubai, bộ máy chính quyền có quyền tự chủ rất cao, 80% dân số là người nước ngoài và nhiều thể chế được vận hành theo thông lệ quốc tế.

Vậy ta giờ mới bàn chuyện đặc khu kinh tế liệu có muộn quá không thưa ông?

Thực ra chúng ta bàn về câu chuyện này đã lâu. Ý tưởng phát triển các khu kinh tế xuất hiện từ những năm 1990 trong một số văn kiện của Đảng. Vào năm 1994, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ Khóa VII đề ra yêu cầu “quy hoạch các khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt”. Những năm sau đó, ý tưởng xây dựng các khu kinh tế tiếp tục được nhắc đến trong một số văn kiện của Đảng.

Giờ ta mới chuẩn bị thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là khá muộn nhưng muộn còn hơn không. Nếu làm tốt ta vẫn sẽ có khả năng cạnh tranh. Vấn đề quan trọng cần bàn chính là việc xây dựng thể chế, chính sách vượt trội cho các đơn vị này để tạo được sự đột phá. Ta đi sau, thể chế phải hiện đại nhất, tiên tiến nhất mới cạnh tranh được.

Thể chế nào nhà đầu tư đó

Kỳ họp này Quốc hội bàn về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Theo ông các nhà lập pháp cần lưu ý điểm gì?

Có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, không nên xây dựng luật này như một luật chi tiết mà chỉ nên làm luật khung cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đối với mỗi đơn vị hành chính - kinh tế, Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết riêng. Theo như tôi được biết, hướng làm hiện nay của Quốc hội đang là như vậy.

Điểm thứ hai là luật phải cho phép các nhà đầu tư chiến lược được đệ trình khung thể chế hành chính, kinh tế cho đặc khu ấy và Chính phủ sẽ xem xét quyết định. Chúng ta đừng nặng tư tưởng mình mới là người nghĩ ra chính sách, quy tắc.  Hai câu chuyện tôi kể ở trên cho thấy muốn thu hút nhà đầu tư nước nào thì ta phải có những thể chế, chính sách tương đồng với họ.

Sự thất bại hay thành công của các đặc khu theo tôi phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn địa điểm và câu chuyện thể chế. Thuế phí không phải vấn đề được đặt nặng. Nếu đặt lên bàn cân thì thể chế là quan trọng nhất, vì nếu nó không tạo điều kiện nhà đầu tư làm ăn tốt thì thuế thấp hay miễn thuế cũng không ý nghĩa nhiều. Ngược lại, nếu thể chế khiến nhà đầu tư thuận lợi làm ăn thì thuế cao chút cũng không việc gì.

Ông có “lời khuyên” nào với Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang - 3  tỉnh có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?

Quan trọng nhất là phải tìm được các nhà đầu tư chiến lược cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với ý nghĩa họ là người làm chủ quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý đặc khu. Chính phủ phải tham gia vào việc này chứ không nên giao toàn bộ cho địa phương.

Muốn vậy, các địa phương phải thuê một tập đoàn tư vấn nước ngoài quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Khi ký hợp đồng phải có điều khoản yêu cầu nhà tư vấn quy hoạch một đặc khu kinh tế tầm cỡ hàng đầu thế giới và cam kết tìm được các nhà đầu tư chiến lược. Không có nhà đầu tư chiến lược đặc khu kinh tế coi như thất bại.

Xin cảm ơn ông!