Phải khơi thông nguồn lực từ tài sản công

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Tài sản công có phạm vi rất rộng, tuy nhiên còn nhiều nguyên nhân khiến cho việc khai thác nguồn lực từ tài sản công chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Do vậy, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) là bước đột phá ban đầu để khai thông nguồn lực quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (trái) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 31/10. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (trái) phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 31/10. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Làm từng bước để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế

Theo đánh giá của Chính phủ, tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm.

Tài sản công có giá trị rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”. 

Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, tổng giá tài sản công của mỗi quốc gia thông thường có quy mô bằng 4 lần GDP của quốc gia đó. Ở Việt Nam, tổng giá trị tài sản công còn có thể lớn hơn.

Tài sản công có giá trị rất lớn và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của các quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tài sản công là nền tảng, là vốn liếng để khôi phục và xây dựng kinh tế chung, để làm cho dân giàu, nước mạnh, để nâng cao đời sống nhân dân”.

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quách Thế Tân (Hòa Bình) cho rằng, bên cạnh kết quả chung là tốt, nhưng do khung pháp lý hiện hành còn chưa chặt chẽ nên bộc lộ một số việc còn thiếu minh bạch, hạn chế. “Chúng ta hướng dẫn chưa rõ, thiếu minh bạch, thể hiện một số cơ chế xin cho.

Chưa quy định rõ, cơ quan này được xây dựng bao nhiêu mét, được sử dụng phương tiện gì,... nên có những cái vượt mức quy định. Giám đốc sở ngành còn có trường hợp mua vượt định mức, gây lãng phí, thậm chí gây tham ô, tham nhũng cũng từ việc này. Do đó, cần thiết ban hành luật này”, đại biểu Tân nói.

Cho ý kiến về dự án Luật tại phiên thảo luận tổ sáng nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, có những vấn đề nếu không có sự thống nhất cao về mặt tư duy, thì rất khó để khai thác được nguồn lực hiệu quả, đặc biệt là từ đất đai, tài nguyên khoáng sản.... Nguồn lực từ tài sản công dù lớn đến mấy, nếu không khai thác được thì nguồn lực cũng “bằng không”. Do đó, bên cạnh việc quản lý, khai thác, sử dụng, phân bổ hiệu quả ngân sách, thì khơi thông nguồn lực là rất quan trọng. Việc xây dựng chính sách pháp luật cũng cần phải theo hướng làm thế nào để khơi thông được nguồn lực quốc gia.

“Cũng một mét đất có thể chúng ta chỉ bán được 3 triệu đồng, nhưng khi được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng tốt thì giá bán có thể lên tới 30 triệu. Đấy là chênh lệch địa tô và phải thuộc về Nhà nước. Do vậy, chúng ta phải rút kinh nghiệm trong thời gian qua là chúng ta cấp dự án trước rồi đầu tư cơ sở hạ tầng sau – đó là một sự lãng phí vì chênh lệch địa tô không thuộc về Nhà nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng khẳng định: “Xây dựng chính sách phải hướng vào việc khơi thông nguồn lực của tài sản công là vô cùng quan trọng, phải làm thế nào để Nhà nước có được lợi ích tốt nhất mới là điều khó. Điều hành tốt là một phần, cái quan trọng là phải đi từ thể chế chính sách”.

Hệ thống pháp luật hiện còn chồng chéo, nên phải làm dần từng bước

Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu đều bày tỏ quan điểm đồng thuận với việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của Chính phủ đề xuất. Bên cạnh những điểm đổi mới rất tích cực được nêu trong dự thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục rà soát để có những quy định chi tiết, cụ thể hơn để quản lý, sử dụng tài sản công đem lại hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: “Hiện nay, các quy định đang nằm phân tán ở nhiều luật chuyên ngành và đáng ra chúng ta phải có nghiên cứu một cách tổng thể thành Bộ luật riêng về quản lý tài sản công. Tuy nhiên, hiện hệ thống pháp luật còn chồng chéo, nên phải làm dần từng bước. Đây cũng là lý do tại sao ban soạn thảo phải rà soát tới trên 50 luật, văn bản khác nhau khi xây dựng dự thảo Luật sửa đổi lần này”.

“Luật này có tính chất là luật khung, quy định nguyên tắc chung, vì chúng ta không đủ thời gian để sửa đổi tất cả các luật chuyên ngành khác. Phạm vi của tài sản công rất lớn, do đó, đây là bước đầu chúng ta tạo ra một bước đột phá lớn. Còn tinh thần tư tưởng chung về lâu dài thì việc quản lý tài sản công phải vào một chỗ”, Bộ trưởng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, những tài sản nào có thể bảo đảm được thì chúng ta quản lý, những loại tài sản có thể ghi vào danh mục vẫn là tài sản công, nhưng đang là quá trình phải tiếp cận, thì quản lý từng bước cho hợp lý.

“Có thể nói, dự án Luật lần này là một bước tiến bộ, nhưng để hoàn chỉnh, đi vào cuộc sống thì chắc chắn chúng ta phải tham gia vào rất nhiều. Các cơ quan thẩm tra, soạn thảo, các đại biểu Quốc hội phải tham gia hết sức tích cực, thì Luật này mới có hiệu quả cao và đi vào cuộc sống”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.