Phải sống thực hơn với cuộc đời

Theo TBKTSG

Kinh tế Việt Nam cũng như xu hướng chung của thế giới thôi. Gần đây hướng chung các tổ chức quốc tế có cái nhìn bi quan hơn về quá trình phục hồi kinh tế, các dự báo đều hạ hơn so với cách đây vài tháng.

 Phải sống thực hơn với cuộc đời
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã có cuộc trao đổi với báo TBKTSG về triển vọng năm 2013 của nền kinh tế

Đang xuất hiện một số ý kiến đòi nới lỏng chính sách để cứu thị trường. Ông bình luận như thế nào?

Thời kỳ một chính sách mềm, nới lỏng quá mức qua rồi. Bây giờ, đồng tiền sẽ được sử dụng rất chặt. Thí dụ chính sách tiền tệ đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ năm 2015 chỉ quay quanh 15%/năm, chứ không thể còn 30%/năm như trước. Thâm hụt ngân sách giảm từ mức trên 5% GDP trước đây xuống còn 4,8% hiện nay và 4 -4,5% GDP vào năm 2015.

Đó mới chỉ là những con số rất đơn giản, tư tưởng ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chính sách tiền tệ chặt chẽ là rõ ràng và chúng ta phải làm như vậy. Đó là bài học đau xót do hứng khởi quá đà, tạo ra tăng trưởng bong bóng.

Tóm lại là, tất cả chúng ta phải sống thực hơn với cuộc đời, với những gì chúng ta có, phải tạo ra nền tảng tốt để phát triển.

Như vậy, với doanh nghiệp kinh doanh phải dài hơi hơn, phải trầm hơn, bình tĩnh hơn, tính toán hơn.

Trong bối cảnh đó, ông nhìn kinh tế 2013 như thế nào?

Kinh tế Việt Nam cũng như xu hướng chung của thế giới thôi. Gần đây hướng chung các tổ chức quốc tế có cái nhìn bi quan hơn về quá trình phục hồi kinh tế, các dự báo đều hạ hơn so với cách đây vài tháng. Những họ vẫn hy vọng nền kinh tế năm sau tốt hơn một chút. Chẳng hạn IMF cho rằng kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng 3,3%, năm sau 3,6%.

Những dự báo đó dựa trên hai giả định lạc quan. Thứ nhất là nước Mỹ phải thông qua được cơ chế tăng thuế, và giảm chi tiêu, nâng trần nợ công. Nếu không Mỹ sẽ đi vào suy thoái tiếp. Thứ hai, châu Âu cải thiện được điều kiện tài chính vào cuối năm sau. Cả hai điều này không dễ trong bối cảnh hiện nay.

Việt Nam cũng vậy, chúng ta bắt tay vào tái cơ cấu đòi hỏi nguồn lực lớn, trong bối cảnh khó khăn như vậy. Vì thế, mục tiêu tiếp tục ổn định và có tăng trưởng hơn là không hề dễ.

Câu chuyện nợ xấu, đọng vốn trong xây dựng cơ bản, trong thị trường bất động sản, tất cả không thể giải quyết một năm là xong. Tuy nhiên, cái mà chúng ta hy vọng là tính nhất quán trong chính sách được tôn trọng. Việt nam phải đi vào cải cách thật sự.

Hiện nay câu chuyện xử lý vấn đề bất động sản đang được thảo luận ở cấp cao nhất. Nếu có biện pháp xử lý, cũng phải qua quý I năm sau vì còn nhiều vấn đề pháp lý giải quyết, như sở hữu, chuyển nhượng trên thị trường nợ.

Theo giải trình của Thống đốc trước Quốc hội về nợ xấu thì tình hình có vẻ không quá bi quan?

Tôi cho rằng không đơn giản. Nguồn lực và các vấn đề kỹ thuật để xử lý nợ xấu là quan trọng. Song cái khó nhất là minh bạch, cách giải trình với xã hội. Xã hội đang rất bức xúc cái gọi là “lợi ích nhóm” theo nghĩa xấu. Đây mới là cái khó.

Tồn kho theo giải thích của các bộ trưởng trước Quốc hội, cũng không phải quá đáng lo. Ông có nghĩ vậy không?

Tồn kho công nghiệp biến chế có giảm, nhưng tồn kho bất động sản và nợ xấu là vấn đề cực lớn mà xử lý không chỉ một năm là xong được. Kinh nghiệm thế giới cho thấy để xử lý bong bóng bất động sản phải mất ít nhất không dưới 3 - 4 năm, Mỹ giờ đã xong đâu, Nhật mất hơn 10 năm.

Còn nợ xấu thì thủ tướng nói xử lý từ năm nay đến năm 2015, tức phải mất ba năm, từ 8,82% tổng dư nợ xuống 3%.

Nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là tồn kho , hơn 90.000 tỷ đồng, tức là 4,5 tỷ đô la Mỹ. Xử lý khoản này cũng rất khó khi địa phương đã tự chủ tài chính và duyệt dự án, còn trái phiếu Chính phủ đã cố định trong ba năm tới.

Hiện nay ông giữ tiền nhàn rỗi như thế nào? Nếu phải cho lời khuyên nên bỏ tiền vào đâu để giữ giá trị, ông sẽ nói gì?

Trước hết phải xác định bạn là ai, tiền bạn như thế nào. Tôi là nhà kinh tế học nên sợ rủi ro, vì thế thích tính xác cao. Thời buổi khó khăn này, hai nhân tố liên quan đến việc giữ tiền.

Thứ nhất, là tính phòng thủ, tức là phải cân nhắc tính thanh khoản. Tôi gửi tiền bằng tiền đồng là 9% dư địa giảm lãi suất cho năm nay là vô cùng nhỏ. Trong khi đó, lãi suất đô la Mỹ là 2%. Như vậy gửi tiền đồng lợi hơn vì tiền đồng mất giá trị chỉ hơn 1% cả năm( dù Thống đốc nói là không quá 2-3%).

Năm tới, người ta dự báo tiền đồng mất giá không quá 3% là vì chúng ra vẫn cam kết giữ ổn định dù có rủi ro. Lạm phát là chấp nhận được. Dự trữ ngoại tệ năm nay tăng và sẽ tăng tới 29 -30 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm tới, theo dự báo của City Group. Thêm vào đó, cán cân thanh toán quốc tế được dự báo thặng dư hơn 3 tỷ đô la Mỹ vào năm tới. Đó là cơ sở để tin là đồng tiền Việt Nam không bị mất giá mạnh.