Ưu đãi từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA):

Phải thay đổi tư duy kinh doanh

Theo daibieunhandan.vn

Sau gần 6 năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt sang thị trường khó tính Nhật Bản. Tuy nhiên, để tiếp tục khai thác tốt cơ hội mà VJEPA mang lại, các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các doanh nghiệp cần chủ động và khẩn trương đổi mới mạnh mẽ chiến lược quốc gia; chiến lược, tư duy kinh doanh từng ngành hàng; chuyển hưởng lợi từ tăng năng suất, sản lượng sang hưởng lợi từ nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.

VJEPA đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt sang thị trường khó tính Nhật Bản. Nguồn: internet
VJEPA đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt sang thị trường khó tính Nhật Bản. Nguồn: internet

Xuất, nhập khẩu phát triển tích cực

Trong các nước đang có quan hệ ngoại thương với nước ta, Nhật Bản đã và đang là thị trường đem lại nhiều lợi ích cả về xuất khẩu và nhập khẩu. 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này trung bình đạt mức tăng trưởng hai con số, khoảng 19%/năm. Điều này có được là do VJEPA chính thức được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1.10.2009.

Đây là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên của nước ta kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là Hiệp định thương mại tự do thứ hai mà ta và Nhật Bản cùng tham gia sau Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) được ký kết từ năm 2008. Theo VJEPA, Nhật Bản cam kết loại bỏ thuế quan đối với gần 94% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam trong vòng 10 năm và loại bỏ thuế quan đối với 7.287 dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 80% biểu thuế.

Việc tham gia AJEPA bước đầu mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu thâm nhập vào thị trường Nhật Bản bởi các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan của Nhật Bản nhiều nhất là các sản phẩm nông, thủy sản và hàng dệt may - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với thách thức gay gắt khi phải cạnh tranh với các sản phẩm, hàng hóa của Nhật Bản, với chất lượng cao và mức giá thấp hơn trước do thuế nhập khẩu giảm.

Đặc biệt, khi thuế suất nhập khẩu của hơn 3.200 dòng sản phẩm về 0% sẽ khiến cho hàng hóa từ Nhật Bản nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của các doanh nghiệp nội có cùng sản phẩm. Hơn nữa, Nhật Bản cũng được biết đến như là một thị trường nhập khẩu khó tính, với việc áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật thương mại, nhiều quy định khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là những rào cản rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm.

Triển vọng thị trường Nhật Bản

Theo đại diện Bộ Công thương, tuy khó khăn, rào cản không ít, song, thời gian tới, thương mại với thị trường Nhật Bản có những triển vọng rất tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục có những bước phục hồi rõ nét hơn. Kim ngạch xuất khẩu tăng 2,4% và nhập khẩu tăng 2,9%. Trong những tháng cuối năm và trong giai đoạn tiếp theo, dự báo nhu cầu nhập khẩu tăng và Nhật Bản sẽ trở thành nước nhập siêu sau 31 năm liên tục xuất siêu cao.

Bên cạnh đó, các mặt hàng lâu nay được bảo hộ một cách truyền thống tại thị trường này, đang có xu hướng được nới lỏng. Hơn nữa, Nhật Bản đang có xu hướng chuyển từ nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc sang nhập khẩu từ Việt Nam và một số nướác Đông Nam Á khác. Đây cũng được xem là thị trường quan trọng hàng đầu của nước ta về xuất khẩu lao động.

Đối với thị trường kỹ tính như Nhật Bản, để tiếp tục khai thác tốt cơ hội mà VJEPA mang lại và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các doanh nghiệp cần đổi mới chiến lược quốc gia, chiến lược ngành hàng từ dựa vào xuất khẩu sản phẩm thô có giá trị thấp, chú trọng tăng sản lượng, sang tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Nói cách khác là thay đổi tư duy hưởng lợi từ tăng năng suất, sản lượng sang hưởng lợi từ tăng giá trị gia tăng.

Trong khi đó, các chuyên gia của Bộ Công thương và Bộ Tài chính đề nghị, các doanh nghiệp cũng cần chủ động khai thác mạnh nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản; nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã hàng hóa; bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản đối với các mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này; xử lý nhanh vấn đề kiểm dịch động thực vật theo quy định của Nhật Bản đối với nhiều loại trái cây tươi và thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu của nước ta.

Ngoài ra, cần tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Nhật Bản; nắm chắc các lộ trình ưu đãi của VJEPA để tích cực tận dụng, khai thác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.