Phải từ ý nguyện của người lao động

Theo daibieunhandan.vn

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đến đầu năm 2016 mới có hiệu lực. Nhưng sau khi ban hành chưa được bao lâu đã rộ lên nhiều ý kiến của công nhân, lao động ở khu vực sản xuất kinh doanh, buộc các cơ quan chức năng phải tích cực vào cuộc. Và tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, QH đã xem xét để đi đến thực hiện một công việc chưa có trong tiền lệ: Ban hành Nghị quyết thực hiện Điều 60 Luật BHXH năm 2014 đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri - người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vì cử tri và vì người lao động

Ngay từ cuối năm 2014, nhiều kiến nghị, đề xuất của công nhân, lao động, nhất là lao động nữ đến các cấp, các ngành có thẩm quyền về việc thu hẹp đối tượng hưởng trợ cấp một lần. Từ đó cơ quan soạn thảo, trình Dự án Luật phải tiến hành rà soát, kiểm tra, thị sát lại thực tế ở cơ sở và đề xuất với QH xem xét điều chỉnh Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Tờ trình của Chính phủ được đặt lên bàn nghị sự phiên họp của UBTVQH trước Kỳ họp thứ 9 của QH. Với trách nhiệm của mình trước cử tri, các ủy viên UBTVQH đã xem xét, có nhiều ý kiến và nhận thấy: Quy trình xây dựng Luật đúng chủ trương, đúng quy định; nội dung Luật tiến bộ, hướng đến lâu dài, phù hợp với thế giới, bảo đảm an sinh xã hội. Luật chưa có hiệu lực đã có phản ứng là điều đáng tiếc, coi đây là một kinh nghiệm về thẩm quyền ban hành chính sách; hơn nữa đây là một chính sách đối với người lao động. UBTVQH quyết định báo cáo vấn đề này với QH và yêu cầu các cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung liên quan.

Đầu Kỳ họp thứ 9, QH điều chỉnh bổ sung chương trình làm việc: Bố trí để các cơ quan liên quan báo cáo về Điều 60 Luật BHXH, dành thời gian thảo luận ở tổ, thảo luận tại hội trường và chương trình để QH quyết định vấn đề trên. Về kỹ thuật lập pháp, chỉ xem xét lại một điểm trong một điều khoản của Luật mà đại biểu QH đã làm việc hết mình, thảo luận sôi nổi, tranh luận quyết liệt. Tính ưu việt lâu dài của Luật đã rõ, quy trình làm Luật chặt chẽ không còn bàn luận. QH xem xét vấn đề thực tế của người lao động, thu nhập hiện tại chưa trang trải cuộc sống bản thân và gia đình, đồng thời thấu hiểu tâm tư của giai cấp công nhân. Đây không chỉ đơn thuần là quan hệ đóng nộp và nhận lại tiền trợ cấp, mà lớn hơn là quyền công dân được quy định tại Hiến pháp mới. Ở đây còn thể hiện mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động và cơ quan quản lý lao động; người tham gia BHXH với cơ quan quản lý quỹ BHXH.

Hơn ai hết, đại biểu dân cử chia sẻ với người yếu thế trong xã hội, người bằng sức lao động làm ra giá trị tăng thêm cho đất nước lại chịu tác động trực tiếp của Luật trước mắt và lâu dài. QH cũng hiểu rõ: Cơ quan soạn thảo, cơ quan quản lý, đề xuất dự án luật bao giờ cũng tạo thuận lợi cho mình trong quản lý, điều hành thực thi pháp luật… Cuối Kỳ họp thứ 9, QH đã cầu thị quyết định thông qua Nghị quyết 93 “Về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động”. Tạo niềm tin tưởng, phấn khởi trong công nhân, lao động. Đúng, chỉ một nội dung trong một điều Luật mà đại biểu QH tốn biết bao nhiêu thời gian, công sức, trí tuệ, đó là vì cử tri và vì người lao động của mình. QH đã thấy rõ điều đó và lấy làm tiếc trong quá trình xây dựng Luật. Đến đây cử tri cũng băn khoăn và có quyền hỏi: Còn trách nhiệm các cơ quan liên quan thì sao?

Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

Luật pháp quy định, mọi người dân liên quan chịu tác động trực tiếp do các điều khoản của luật pháp điều chỉnh, cần phải được lấy ý kiến tham gia trước lúc ban hành. Thực tế, cơ quan soạn thảo chưa làm được như thế, đây cũng là điều rất khó khăn đối với công nhân trực tiếp lao động sản xuất, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi cơ quan soạn thảo cần am hiểu để chắp bút khách quan, công tâm và chọn ra một số nội dung quan trọng, nhạy cảm để lấy ý kiến đại diện người lao động. Hiến pháp quy định: Tổ chức Công đoàn đại diện người lao động; Công đoàn được thành lập ở tất cả các cơ sở. Giá như ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các tổ chức công đoàn, nhất là ở doanh nghiệp để chuẩn bị Dự án Luật thì tính thực tế sẽ cao hơn, chính sách ban hành phù hợp với cuộc sống hơn. Còn công đoàn với chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động phải tham gia quyết liệt ngay từ đầu thì Dự án Luật sẽ thiết thực hơn đối với người lao động và cán bộ công đoàn sẽ ít vất vả sau khi Luật đã ban hành.

Dù tích cực, tiếp thu đến mấy thì Dự án Luật đang nằm ở sân cơ quan hành pháp, thực thi pháp luật. Cho nên vai trò cơ quan thẩm tra Dự án luật rất quan trọng, đó là cơ chế quản trị đất nước để kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi cơ quan thẩm tra không chỉ thông thạo Luật pháp mà cần am hiểu chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến Dự án luật. Do đó, cơ quan thẩm tra cần giám sát, khảo sát thực tế nhiều hơn và mời các đại biểu QH ở địa phương, ở cơ sở cùng tham gia. Với phương diện cơ quan đại diện nhân dân, báo cáo thẩm tra cần tổng hợp được tiếng nói từ cơ sở, ý nguyện của người lao động. Đấy là thông tin quan trọng, thiết thực giúp đại biểu QH thảo luận và quyết định phù hợp tình hình thực tế. Nếu như tất cả các cơ quan liên quan tích cực, quyết liệt và sâu sát hơn nữa thì chắc chắn không có chuyện ngoại lệ xảy ra tại kỳ họp vừa qua của QH.

Câu chuyện Điều 60 Luật BHXH 2014 được bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau trước và trong Kỳ họp thứ 9 của QH, và đã kết thúc có hậu với một Nghị quyết vì cử tri, vì người dân. Công nhân, lao động phấn khởi, tin tưởng vững chắc vào người đại diện của mình, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân. Hơn thế nữa, Nghị quyết của QH cũng chuyển đi thông điệp để các cơ quan liên quan có trách nhiệm nhiều hơn trong chuẩn bị xây dựng luật và các chính sách đối với người lao động. Đây cũng là lời nhắc nhở sâu sắc các doanh nghiệp phải tích cực củng cố, phát triển sản xuất lâu dài, cải thiện điều kiện lao động, cải tiến tiền lương để tự ổn định lực lượng lao động tại đơn vị. Nếu được như vậy, thì dù QH đã cho phép mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp một lần, nhưng số người “sau một năm nghỉ việc” hoặc “không tiếp tục đóng BHXH”, yêu cầu nhận BHXH một lần sẽ giảm dần. Đấy là nhân văn, là an sinh xã hội lâu dài.