Phân biệt "lưu ý" và "ngoại trừ" trong báo cáo kiểm toán (*)

Trần Hằng Thu - Phó tổng giám đốc phụ trách kiểm toán Công ty KPMG tại Việt Nam

Việc phân biệt “vấn đề lưu ý” và “ý kiến ngoại trừ” có vai trò quan trọng trong hiểu đúng các báo cáo kiểm toán.

Phân biệt "lưu ý" và "ngoại trừ" trong báo cáo kiểm toán (*)
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khá nhiều báo cáo tài chính của các công ty niêm yết công bố gần đây, có đoạn “vấn đề lưu ý” trình bày ngay sau phần “ý kiến ngoại trừ”. Người đọc báo cáo kiểm toán thường băn khoăn không hiểu kiểm toán viên muốn truyền đạt nội dung gì thông qua đoạn “vấn đề lưu ý” và các vấn đề được đề cập ảnh hưởng thế nào tới tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính?

Đoạn “vấn đề lưu ý” trong báo cáo kiểm toán có ý nghĩa khác với một ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Một báo cáo kiểm toán có đoạn “vấn đề lưu ý” vẫn được xem là một báo cáo kiểm toán “sạch”, giả định rằng không có vấn đề nào khác mà kiểm toán viên nêu trong phần “ý kiến ngoại trừ”. Nói cách khác, kiểm toán viên đã có thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán liên quan đến việc ghi nhận, trình bày và thuyết minh báo cáo tài chính cho vấn đề đã được nhấn mạnh trong đoạn “vấn đề lưu ý”. Do đó, báo cáo tài chính vẫn được coi là trung thực, hợp lý, nhưng do tính quan trọng của vấn đề đối với việc hiểu báo cáo tài chính, kiểm toán viên muốn thu hút sự chú ý của người đọc đến nội dung trong đoạn “vấn đề lưu ý”.

Tuy nhiên, cả kiểm toán viên và người đọc báo cáo tài chính nên nhận thức một cách thấu đáo bối cảnh của việc sử dụng đoạn “vấn đề lưu ý”. Trên thực tế, việc sử dụng tràn lan các đoạn “vấn đề lưu ý” sẽ làm giảm tính hiệu quả của việc kiểm toán viên chuyển tải các vấn đề đó. Hơn nữa, trình bày quá nhiều thông tin trong mục “vấn đề lưu ý” có thể đồng nghĩa với việc ban giám đốc của đơn vị được kiểm toán đã không công bố đầy đủ thông tin trong các báo cáo tài chính liên quan.

Nhìn chung, mục “vấn đề lưu ý” được sử dụng chủ yếu trong trường hợp có tồn tại một vấn đề không chắc chắn đáng kể, mà vấn đề này ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

Một ví dụ phổ biến là yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của một đơn vị, khả năng này phụ thuộc vào việc xảy ra, hay không xảy ra các sự kiện trong tương lai. Khi đơn vị được kiểm toán thuyết minh đầy đủ về yếu tố không chắc chắn trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên sẽ đề cập vấn đề không chắc chắn có thể tạo nghi ngờ về khả năng đơn vị có thể tiếp tục hoạt động liên tục trong đoạn “vấn đề lưu ý” để thu hút sự chú ý của người đọc.

Nếu đơn vị được kiểm toán không thuyết minh đầy đủ về yếu tố không chắc chắn trong báo cáo tài chính, thì việc trình bày mục “vấn đề lưu ý” là không phù hợp. Thay vào đó, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Yếu tố không chắc chắn trọng yếu cũng có thể tồn tại do một vụ khiếu kiện đang diễn ra và chưa có phán quyết cuối cùng tại thời điểm cuối niên độ, trong khi căn cứ trên các thông tin hiện có tại thời điểm cuối niên độ, ban giám đốc đơn vị không thể đánh giá kết quả của vụ kiện, cũng như các tình huống có thể xảy ra.

Tương tự trường hợp có yếu tố không chắn chắn liên quan đến khả năng hoạt động liên tục, nếu yếu tố không chắc chắn liên quan đến vụ kiện tụng được giải trình đầy đủ trong thuyết minh của báo cáo tài chính kiểm toán viên đề cập yếu tố không chắc chắn này trong phần “vấn đề lưu ý” với tham chiếu tới các thuyết minh tương ứng của báo cáo tài chính. Ngược lại, nếu đơn vị không thuyết minh đầy đủ về vụ kiện tụng, kiểm toán viên có thể phải đưa ra “ý kiến ngoại trừ” nếu ảnh hưởng tiềm tàng của vụ kiện được xem là trọng yếu đối với báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, yếu tố không chắc chắn phải phát sinh từ một sự kiện trong tương lai, các yếu tố là dấu hiệu, hoặc điều kiện xác nhận sự hiện hữu của một vấn đề đã tồn tại tại ngày kết thúc niên độ không được coi là yếu tố không chắc chắn và do đó, thường không được đề cập trong đoạn “vấn đề lưu ý”. Trường hợp đơn vị không hạch toán đầy đủ nghĩa vụ thuế thu nhập theo quy định hiện hành trên cơ sở lập luận rằng, cơ quan thuế chưa ra thông báo chính thức, hoặc không lập dự phòng phải thu khó đòi do ban giám đốc đang làm việc với các bên liên quan để gia hạn khoản phải thu rõ ràng không phải là các vấn đề phát sinh từ một sự kiện không chắc chắn trong tương lai. Các vấn đề này, do đó, cần phải được trình bày trong phần “ý kiến ngoại trừ”, chứ không phải trong phần “vấn đề lưu ý”.

Tương tự, vấn đề liên quan đến việc áp dụng sai phương thức hạch toán không phải là đối tượng có thể đề cập trong phần “vấn đề lưu ý”.

(*) Quan điểm mà tác giả bày tỏ tại đây không nhất thiết phản ánh quan điểm và ý kiến của KPMG.