Phân bổ nguồn lực sẽ bị ảnh hưởng nếu không xử lý tốt tình trạng nắm giữ cổ phần vượt giới hạn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thực tế cho thấy, việc sở hữu cổ phần vượt quy định và thiếu minh bạch, dẫn đến những nguy cơ về sự thâu tóm, hoặc quản trị ngân hàng không lành mạnh, chi phối ngân hàng, đầu tư vốn vào những dự án sân sau hoặc những dự án không minh bạch. Điều này có thể khiến ngân hàng hoạt động không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sĩ Kiêm đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

Phân bổ nguồn lực sẽ bị ảnh hưởng nếu không xử lý tốt tình trạng nắm giữ cổ phần vượt giới hạn - Ảnh 1

Ông Cao Sĩ Kiêm
Phóng viên: Thưa Ông, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đưa ra giới hạn như thế nào đối với việc nắm giữ cổ phần tại các tổ chức tín dụng? Giới hạn này có được tuân thủ nghiêm túc hay không?

Ông Cao Sĩ Kiêm: Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, đối với các cá nhân thì mức tối đa của cổ phần đóng góp trong vốn điều lệ là 5% còn đối với thể nhân hay các tổ chức góp tỷ lệ với cổ phần theo vốn điều lệ là 15%. Không có quy định nào cho người liên quan. Hiện nay, có 5/33 tổ chức có vượt tỷ lệ cá nhân nắm giữ cổ phần vượt 5% vốn điều lệ. Còn 8/33 ngân hàng nhóm cổ đông và những người có liên quan thì nắm giữ vượt 20% vốn điều lệ… Nếu tính tỷ lệ ra thì cũng không phải là thấp, tương đối lớn. Điều này sẽ có hệ lụy và tác động tiêu cực đến dòng vốn.

Thực tế đã có những cá nhân có thể thâu tóm ngân hàng do nắm giữ lượng cổ phần lớn. Vậy Ông bình luận thế nào với nguy cơ để cho cổ đông cũng như người có liên quan nắm giữ cổ phần vượt giới hạn tại các ngân hàng? 

Người ta quy định đối với thể nhân là 5%, đối với tổ chức là khoảng 15%, nhằm bảo đảm tính cân đối và yêu cầu an toàn đồng vốn. Nhưng thực tế có tình trạng người đứng tên hộ hay nhờ anh em họ hàng đứng tên hộ. Các đối tượng này chịu sự chỉ đạo của cá nhân đứng sau. Với những cá nhân nắm tỷ lệ cổ phần chi phối, họ có thể vay được nhiều và cho nhau vay nhiều. Hoặc họ có thể sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Điều này ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, an toàn ngay bản thân ngân hàng ấy. Lượng tiền sử dụng sai mục đích không được quản lý chặt chẽ sẽ gây nợ quá hạn và cao hơn là đổ vỡ ngân hàng hoặc cả hệ thống. Từ đó, làm nền kinh tế méo mó và không bảo đảm sự công bằng với các doanh nghiệp bên ngoài. Hệ lụy của tình trạng này là rất lớn, bởi ngân hàng là kênh phân phối nguồn lực. Phân phối không đúng, sử dụng không đúng gây hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Tỷ lệ vi phạm nắm giữ cổ phần vượt giới hạn của cả thể nhân, pháp nhân và nhóm cổ đông tạo nên sự không an toàn. Thường những ngân hàng yếu kém sử dụng cách này, gây tác hại và kéo theo ngân hàng khác trong việc huy động vốn, sử dụng vốn không đúng mục đích. Song vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sắp xếp lại một số ngân hàng yếu kém, giảm bớt tính nguy hiểm cho hệ thống.

Như Ông đã nói, khung pháp lý cho các hoạt động của tổ chức tín dụng đã có, vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng này?

Một số người không có nhận thức rõ ràng chạy theo lợi nhuận và lợi dụng tình trạng này. Chúng ta đặt luật lệ và phải thực hiện nghiêm luật lệ, kiểm tra xử lý nghiêm để bảo đảm an toàn nền kinh tế. Vi phạm như hiện nay không có cách nào khác là phải quản lý, xử lý rất mạnh mẽ rõ ràng. Đối với cổ đông làm trong lĩnh vực này phải nhận thức rõ pháp luật, nêu cao thực hiện nghiêm nghĩa vụ công dân. Nếu có hành động lừa đảo hay có tính chất vun vén cá nhân thì phải phát hiện kịp thời. Việc kiểm tra, quản lý là phải của cơ quan nhà nước. Thí dụ, thanh tra nhà nước, hoặc cơ quan chức năng nhà nước phải phát hiện thường xuyên kịp thời, có xử lý nghiêm minh và công khai. 

Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn giải quyết vấn đề cổ đông nắm giữ cổ phần vượt giới hạn của Ngân hàng Nhà nước, thì hạn cuối cùng là 31/3/2015 các tổ chức tín dụng phải có kế hoạch xử lý xong. Ông bình luận gì về thời điểm này?

Chúng ta từng quản lý lỏng lẻo, xử lý không nghiêm nên bây giờ phải đánh giá lại tình hình, kiểm điểm trách nhiệm và thay đổi cách thức quản lý việc sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng. Tất nhiên, cần có một khoảng thời gian để các cá nhân, tổ chức tín dụng có thể chuẩn bị điều kiện thực hiện cách thức quản lý mới. Việc lùi thời gian giải quyết vấn đề cổ đông nắm giữ cổ phần vượt giới hạn như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý. Nếu thực hiện nghiêm, tạo nên sự đồng thuận cả tổ chức cá nhân, vai trò giám sát của cơ quan chức năng thì sẽ mang lại hiệu quả.

Khi cổ đông và nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần vượt quy định, thì tiền mà họ gửi tiết kiệm vào ngân hàng có bị ảnh hưởng gì không nếu được sử dụng không đúng mục đích?

Mang tiền chi vào những việc không đúng nguyên tắc của tín dụng hoặc cho vay nặng lãi, sử dụng yếu tố tính chất vi phạm luật pháp, thì sẽ xử lý theo luật pháp. 

Xin cám ơn Ông!

Hiện nay, có 5/33 ngân hàng thương mại có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; có 5/33 ngân hàng thương mại cổ phần là tổ chức sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 15% vốn điều lệ; có 8/33 ngân hàng thương mại cổ phần có nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20% vốn điều lệ.