Phân loại hiện tượng kinh tế thâm hụt kép
Các lý thuyết kinh tế và các mô hình thực nghiệm đã chỉ ra rằng thâm hụt kép là một hiện tượng kinh tế phức tạp, từ nhiều nguyên nhân khác nhau lại cùng dẫn đến một kết quả là ngân sách nhà nước và cán cân vãng lai thâm hụt đồng thời. Mỗi một quốc gia, trong từng thời kỳ kinh tế khác nhau lại gặp các loại hình thâm hụt kép khác nhau. Vì vậy, chính phủ các nước không nên áp dụng bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác mà cần phân tích, nguyên nhân của hiện tượng này, từ đó đề ra các chính sách kinh tế phù hợp.
Giả thuyết thâm hụt kép xuất hiện khẳng định rằng thâm hụt NSNN gia tăng sẽ làm cho thâm hụt CCVL gia tăng tương ứng và ngược lại. Cùng với sự xuất hiện ngày càng phổ biến của hiện tượng thâm hụt kép tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về hiện tượng này. Không dừng lại ở kết luận của giả thuyết thâm hụt kép cổ điển, các nghiên cứu đã đưa ra 4 mối quan hệ nhân quả giữa 2 loại thâm hụt: (i) Thâm hụt NSNN kéo theo thâm hụt CCVL, (ii) Thâm hụt CCVL kéo theo thâm hụt NSNN, (iii) Thâm hụt NSNN và thâm hụt CCVL có tác động 2 chiều; (iv) Thâm hụt NSNN và thâm hụt CCVL không có mối quan hệ nhân quả.
Về mặt hình thức, khi NSNN và CCVL của một quốc gia cùng mang giá trị âm thì được gọi là hiện tượng thâm hụt kép. Về nội hàm, thâm hụt kép được chia ra làm 4 loại phụ thuộc vào mối quan hệ tác động qua lại giữa hai loại tài khoản.
Tác động một chiều từ thâm hụt cán cân vãng lai đến thâm hụt ngân sách nhà nước
Khi CCVL bị thâm hụt, nền kinh tế đang phải hoạt động dựa vào các nguồn lực đi vay mượn từ nước ngoài. Khi một quốc gia nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển nền kinh tế thì gặp phải nguy cơ thâm hụt NSNN. Hiện tượng diễn ra phổ biến trong thực tế là khi các quốc gia trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng khả năng thanh toán mà nguyên nhân từ thâm hụt CCVL vượt ngưỡng chịu đựng, Chính phu các nước̉ sẽ phải sử dụng một phần lớn quỹ ngân sách để phục hồi nền tài chính, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp và đẩy lùi cuộc suy thoái. Như vậy, thâm hụt CCVL làm cho nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chậm hơn, dẫn đến gia tăng thâm hụt NSNN.
Đối với các nước đang phát triển, nền kinh tế nhỏ mở cửa, sự phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và các dòng vốn đầu tư nước ngoài khác, thì loại hình thâm hụt kép này có khả năng xảy ra lớn hơn các nước còn lại. Nếu quốc gia sử dụng chính sách tài khóa nhằm mục tiêu cân bằng CCVL thì khi CCVL bị thâm hụt, chi tiêu Chính phủ tăng lên đồng thời với số thu thuế giảm, làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, gia tăng thâm hụt NSNN.
Nghiên cứu thực nghiệm theo số liệu năm và số liệu quý từ 1980 đến 2007, tại Đan Mạch, có mối quan hệ nhân quả một chiều từ thâm hụt CCVL đến thâm hụt NSNN thông qua nhân tố trung gian là tỷ giá hoặc cả tỷ giá và lãi suất. Thị trường Hồng Kông giai đoạn này cũng rơi vào trường hợp CCVL thâm hụt dẫn đến NSNN thâm hụt (Jui-Chuan Chang và Zao-Zhou Hsu, 2009).
Nghiên cứu từ quý I/1976 đến quý IV/2000 tại các nước ASEAN-4 phát hiện ra mối quan hệ nhân quả từ thâm hụt CCVL đến thâm hụt NSNN tại Indonesia (Baharumshah, A.Z., E.Lau và A.M.Khalid, 2006). Mối quan hệ tương tự được tìm thấy trong nghiên cứu nền kinh tế Ả Rập Saudi giai đoạn 1970 – 1999 (Alkswani, M.A, 2000), Syria và Yemen giai đoạn 1977 – 2003 (Hashemzadeh, N. và Wilson, 2006).
Tác động một chiều từ thâm hụt ngân sách nhà nước đến thâm hụt cán cân vãng lai
Khi thâm hụt NSNN có nguyên nhân từ việc gia tăng chi tiêu công sẽ dẫn đến tăng thu nhập nội địa, kích thích hoạt động nhập khẩu, góp phần làm cho CCVL trở nên thâm hụt. Tư tưởng kinh tế vĩ mô của John Maynard Keynes cho rằng, tổng sản lượng của nền kinh tế (tổng thu nhập) hình thành từ chi tiêu dùng của hộ gia đình, chi tiêu cho đầu tư và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp, chi tiêu của Chính phủ và chi tiêu ròng của nền kinh tế thế giới đối với các sản phẩm nội địa. Công thức của Keynes trong nền kinh tế mở:
Y = C + I + G + X – M (1)
Trong đó: Y: tổng thu nhập quốc dân
C: tiêu dùng nội địa
I: đầu tư nội địa
G: chi tiêu Chính phủ
X: xuất khẩu
M: nhập khẩu
Với S là tiết kiệm nội địa, SG là tiết kiệm Chính phủ, SP là tiết kiệm tư nhân, ta có : Y – C – G = S = SG + SP (2)
Từ (1) và (2) ta có:
S = I + X – M
SG + SP = I + X – M
SP – I = - SG + X – M
SP – I = - (T – G) + (X – M)
SP – I = CA – GB
CA = (SP – I) + GB (3)
Trong đó, GB là NSNN, CA là cán cân vãng lai.
Khi NSNN đang cân bằng (GB = 0) thì các hành động cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu công đều sẽ dẫn đến G > T hay GB < 0, giảm tiết kiệm công và sau đó là giảm tiết kiệm quốc gia. Tiết kiệm không đủ phục vụ đầu tư nội địa là điều kiện thuận lợi cho làn sóng FDI chảy vào nền kinh tế, dẫn đến giảm tỷ giá hối đoái, kích thích nhập khẩu, giảm xuất khẩu, làm trầm trọng hơn tình trạng CCVL.
Nghiên cứu thực nghiệm tại Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Đức, Anh giai đoạn 1960 – 1984 chỉ ra rằng, NSNN thâm hụt sẽ làm gia tăng thâm hụt CCVL của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu 94 quốc gia bao gồm 30 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và 64 nước đang phát triển cho thấy, NSNN thâm hụt thêm 1% thì CCVL thâm hụt thêm 0,15% - 0,21% trong giai đoạn 1973 – 2008 (Bose, S và Jha, S, 2011).
Các nước Thụy Điển, Hàn Quốc cũng tìm ra bằng chứng thực nghiệm cho thấy thâm hụt CCVL có nguyên nhân từ thâm hụt NSNN trong giai đoạn 1980 – 2007 (Jui-Chuan Chang và Zao-Zhou Hsu, 2009). Các diễn biến của nền kinh tế Thái Lan giai đoạn 1976 – 2000 (Baharumshah, A.Z., E.Lau và A.M.Khalid, 2006), Oman giai đoạn 1977 – 2003 (Hashemzadeh, N. và Wilson, 2006) cũng giúp củng cố lý luận về thâm hụt kép theo học thuyết của Keynes.
Tác động hai chiều giữa thâm hụt cán cân vãng lai và thâm hụt ngân sách nhà nước
Khi các tình huống trong 2 loại thâm hụt kép trên xảy ra đồng thời thì xuất hiện tác động hai chiều giữa thâm hụt CCVL và thâm hụt NSNN. NSNN bị thâm hụt với mức độ biến động lớn hơn sự thay đổi của chênh lệch tiết kiệm tư nhân và đầu tư, nó sẽ tác động trực tiếp đến CCVL, làm tài khoản này bị thâm hụt.
Một cách khác, thâm hụt NSNN gián tiếp thông qua lãi suất và tỷ giá sẽ tác động tiêu cực đến CCVL. Chính phủ cần có các biện pháp hạn chế sự ra tăng thâm hụt của CCVL, khi đó Chính phủ tăng chi tiêu công, làm cho NSNN xấu đi. Quá trình này sẽ liên tục diễn ra, tạo thành một vòng tròn tác động giữa hai cán cân.
Nghiên cứu giai đoạn 1980 – 2007 tại Đài Loan cho thấy, thâm hụt NSNN dẫn đến thâm hụt CCVL; bên cạnh đó, CCVL cũng gián tiếp tác động đến NSNN thông qua tỷ giá và lãi suất. Tương tự, cũng trong giai đoạn này, mối quan hệ nhân quả hai chiều cũng được tìm thấy đối với trường hợp nền kinh tế Singapore (Jui-Chuan Chang và Zao-Zhou Hsu, 2009).
Tại thị trương Malaysia và Philippines, các kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng tồn tại mối quan hệ nhân quả hai chiều, trong đó có một chiều tác động gián tiếp từ NSNN thâm hụt làm tăng lãi suất, tăng tỷ giá dẫn đến trầm trọng hơn tình trạng của CCVL (Baharumshah, A.Z., E.Lau và A.M.Khalid, 2006). Nghiên cứu về thâm hụt cán cân thương mại và NSNN tại Brazil từ năm 1973 đến năm 1991 cũng chứng minh sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả hai chiều này (Islam M. Faizul, 1998).
Không có mối quan hệ tác động giữa thâm hụt cán cân vãng lai và thâm hụt ngân sách nhà nước
Trong trường hợp chi tiêu Chính phủ ổn định trong một thời gian dài với nguồn tài trợ là thuế, với những năm nguồn thu từ thuế vượt quá mức chi tiêu, Chính phủ sẽ cho vay; ngược lại khi số thu từ thuế thấp hơn mức chi tiêu, Chính phủ phải đi vay. Nhờ có đường chi tiêu ổn định qua các năm, nên Chính phủ dự báo được mức thu thuế hợp lý cho tương lai.
Khi Chính phủ quyết định cắt giảm thuế thì buộc phải sử dụng nguồn tiền từ đi vay vào bù đắp thiếu hụt NSNN. Khi Chính phủ quyết định tăng thuế, số tiền tăng thêm sẽ được sử dụng để chi trả cho các khoản lợi tức trái phiếu của các khoản vay Chính phủ. Bên cạnh đó, ở khu vực tư nhân, mức thu nhập khả dụng trong hiện tại và tương lai đều tác động đến quyết định tiêu dùng hiện tại.
Trong điều kiện hoàn hảo với các giả thuyết như trên, nếu Chính phủ cắt giảm thuế sẽ làm giảm nguồn thu NSNN, làm giảm tiết kiệm công do chi ổn định, NSNN bị thâm hụt. Tuy nhiên, việc giảm thuế lại giúp gia tăng tiết kiệm tư nhân do người dân quyết định dựa vào tình hình hiện tại và kỳ vọng tương lai, họ cho rằng việc cắt giảm thuế trong hiện tại sẽ cần được bù đắp trong tương lai bằng cách tăng thuế, vì vậy họ gia tăng tiết kiệm để chuẩn bị trả cho khoản thuế tăng lên trong lương lai. Khi xét tổng của hai chiều tác động giảm tiết kiệm công, tăng tiết kiệm tư nhân thì tiết kiệm quốc gia không bị ảnh hưởng. Như vậy, NSNN bị thâm hụt không ảnh hưởng đến tiết kiệm quốc gia, từ đó không tác động đến CCVL.
Ngược lại, khi Chính phủ cắt giảm thuế, thu nhập thực tế của người dân tăng lên, nhu cầu nhập khẩu cũng tăng lên. Người dân cho rằng, trong tương lai thuế sẽ tăng, cơ hội mua hàng nhập khẩu sẽ giảm xuống, vì vậy người dân tập trung nhập khẩu ngay trong hiện tại, làm CCVL có xu hướng thâm hụt. Do trì hoãn thuế chỉ mang tính tạm thời nên tình trạng gia tăng nhu cầu nhập khẩu cũng mang tính ngắn hạn trong khu vực tư nhân. Thâm hụt CCVL làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng giảm thuế lại khuyến khích đầu tư và tăng trưởng kinh tế, tổng của hai chiều tác động là nền kinh tế ổn định trong ngắn hạn, do đó không tác động đến NSNN. Như vậy, CCVL bị thâm hụt không tác động đến thâm hụt NSNN.
Bằng mô hình thực nghiệm, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, mặc dù NSNN và CCVL cùng thâm hụt tại một thời điểm, nhưng hai cán cân này lại không có mối liên hệ tác động lẫn nhau với trường hợp của Ai Cập, Iran, Marocco, Syria, Nigeria, Tunisia và Bahrain những năm 1977 – 2003 (Hashemzadeh, N. và Wilson, 2006).
Tài liệu tham khảo:
1. Alkswani, M.A. (2000), The twin deficits phenomenon in petroleum economy: Evidence from Saudi Arabia, Economic Research Forum (ERF), Jordan;
2. Baharumshah, A.Z., E.Lau và A.M.Khalid (2006), Testing twin deficits hypothesis for ASEAN-4: Using VARs and Variance Decomposition, Journal of Asia Pacific Economy;
3. Bose, S. và Jha, S. (2011), India’s twin deficits: some fresh empirical evidence, Money and Finance Icra Bulletin, India;
4. Chinn, M.D. và E.S.Prasad (2003), Medium – term determinants of current accounts in Industrial and Developing countries: An empirical exploration, Journal of International Economics;
5. Hashemzadeh, N. và Wilson (2006), The Dynamics of Current account and budget deficits in selected countries of the Middle East and North Africa, International Research Journal of Finance and Economics
6. Islam M. Faizul (1998), Brazil’s twin deficits: an empirical examination, Atlantic Economic Journal;
7. Jui-Chuan Chang và Zao-Zhou Hsu (2009), Causality Relationships between the Twin Deficits in the Regional Economy, National Chi Nan University Taiwan.