Pháp luật về đăng ký tài sản: Phân tán, thiếu thống nhất

Theo Thảo Mộc/daibieunhandan.vn

Đang có sự phân tán và thiếu thống nhất trong các quy định về một số nội dung cơ bản của đăng ký đối với tài sản, chưa quy định đăng ký sở hữu đối với một số loại tài sản theo yêu cầu. Đây là những khoảng trống pháp lý, được các chuyên gia chỉ ra tại hội thảo Hoàn thiện khuôn khổ thể chế về đăng ký tài sản tại Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức.

Cần hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản. Nguồn: Internet
Cần hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản. Nguồn: Internet

Nhiều nhưng thiếu?

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, khi các tài sản có giá trị lớn, đặc biệt là bất động sản có chế độ đăng ký rõ ràng, việc đăng ký có hiệu lực công khai thì hiệu quả có thể thấy ngay được.

Đó là không chỉ thúc đẩy giao dịch dân sự về tài sản phát triển, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện đang có sự phân tán và thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật hiện hành về một số nội dung cơ bản của đăng ký đối với tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, hiện các quy định về đăng ký tài sản được quy định tại nhiều văn bản khác nhau như Bộ luật Dân sự; Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Tại các văn bản, do vấn đề đăng ký đối với mỗi loại tài sản được nhìn nhận theo góc độ khác nhau và phân tách theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành quản lý tài sản đó, nên các quy định về đăng ký tài sản khó có thể tránh khỏi tình trạng thiếu tính tổng thể, thiếu sự liên kết hay nói cách khác, thiếu nguyên tắc pháp lý chung nhất khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về đăng ký tài sản.

Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Nguyễn Chi Lan dẫn chứng, đối với động sản có giá trị lớn, pháp luật hiện hành chưa quy định về đăng ký sở hữu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân để được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu đã được xác lập từ các căn cứ tạo lập tài sản hợp pháp, trong đó có nhận chuyển quyền hợp pháp.

Còn đối với một số loại tài sản thì chưa có cơ chế đăng ký theo yêu cầu như tài sản gắn liền với đất là công trình tạm, công trình phụ trợ; động sản có giá trị khác.

Trên thực tế, nhiều trường hợp tổ chức tín dụng nhận thế chấp tài sản là nhà bảo vệ, nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, nhà xưởng. Tuy nhiên, cả tổ chức tín dụng và cơ quan đăng ký đều lúng túng không biết xác định các nhà này có được coi là công trình phụ trợ nằm ngoài công trình chính hay không trong quá trình thực hiện việc đăng ký?

Hoàn thiện theo hướng nào?

Từ những hạn chế kể trên, các chuyên gia kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản theo hai phương án là xây dựng Nghị định về đăng ký đối với các loại tài sản mà hiện chưa có quy định cơ chế đăng ký hoặc xây dựng Luật Đăng ký tài sản điều chỉnh hoạt động đăng ký bất động sản và đăng ký động sản (trừ tàu bay, tàu biển, phương tiện giao thông cơ giới, chứng khoán, đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ).

Bà Nguyễn Chi Lan cho biết, theo phương án xây dựng Nghị định, hệ thống cơ quan đăng ký hiện nay tiếp tục được duy trì, chỉ bổ sung chức năng đăng ký các quyền và hợp đồng đối với các tài sản chưa có luật quy định về cơ chế đăng ký của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Còn theo phương án xây dựng Luật Đăng ký tài sản, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh kiến nghị, đây sẽ là luật về thủ tục quy định những vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký như các tài sản là đối tượng đăng ký; các quyền thuộc đối tượng đăng ký; nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về tài sản, cơ chế xây dựng dữ liệu và khai thác thông tin về tài sản. Trong đó, yêu cầu số một của Luật là phải làm cho tình trạng pháp lý của bất động sản được nhận biết rõ ràng.

Chẳng hạn, quy định tất cả những ràng buộc như lệnh kê biên, địa dịch đều phải được đăng ký vào sổ địa chính thì mới phát sinh hiệu lực đối với người thứ ba, đặc biệt là đối với người nhận chuyển nhượng bất động sản. Những ràng buộc, hạn chế nào không đăng ký thì nhiều lắm chỉ có hiệu lực đối với các bên giao kết và nhất là không thể gây phiền phức cho người nhận chuyển nhượng bất động sản.  

Còn theo TS. Vũ Thị Hồng Yến, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc đăng ký tài sản không thể tùy sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch mà phải do nhà nước quy định và phải coi đó là thủ tục bắt buộc.

Vì vậy, Luật Đăng ký tài sản cần có quy định về hệ quả pháp lý đối với trường hợp chủ thể không thực hiện việc đăng ký, xác định rõ phạm vi những loại quyền nào trên tài sản nào bắt buộc phải đăng ký và bảo đảm thủ tục đăng ký được tiến hành với thời gian nhanh nhất, ít chi phí nhất, chính xác và hiệu quả nhất.