Pháp quyền sẽ giúp báo chí lành mạnh hơn

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Nghị định 159 vừa được Chính phủ ban hành đã quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, nhất là vấn đề vi phạm bản quyền tác phẩm – là chuyện không chỉ bản thân các tờ báo mà ngay cả các cơ quan quản lý báo chí cũng hết sức quan tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ông Bùi Sỹ Hoa, Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet cho rằng, Nghị định 159 đã nỗ lực giải quyết và hạn chế nhiều vấn đề “nóng” trong báo chí hiện nay.

Phóng viên: Theo quy định, bất kỳ tờ báo nào khi lấy thông tin từ báo khác đều phải trích dẫn nguồn tin rõ ràng và được sự đồng ý của phía nguồn tin gốc. Tuy nhiên, thời gian qua, việc báo này “cóp” thông tin của báo kia, phóng viên này “xào nấu” lại bài của phóng viên khác đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Ông nhìn nhận ra sao về thực trạng này?

Ông Bùi Sỹ Hoa: Câu chuyện "xào" lại tin bài của nhau là một thực trạng phổ biến ở nhiều nước, chứ không chỉ Việt Nam. Báo chí đang gặp nhiều khó khăn trong thời đại Internet và các tờ báo thường không đủ nguồn lực để theo dõi hết các mảng và sản xuất hết tin bài. Chính vì thế, việc “xào nấu” từ báo bạn để vẫn có tin bài mà lại tiết kiệm chi phí thường được áp dụng.

Cho dù xuất phát từ áp lực khách quan, tôi cho rằng "xào nấu" tin bài của báo khác là việc không nên, mỗi báo cần chủ động hạn chế việc này.

Ông đánh giá thế nào về Nghị định 159? Nghị định 159 đã phù hợp với đời sống báo chí chưa?

Tôi cho rằng Nghị định 159 đã nỗ lực giải quyết và hạn chế nhiều vấn đề “nóng” trong báo chí hiện nay, như: Không viện dẫn nguồn tin, đăng tin sai sự thật, copy tin bài của nhau, rút tít không phù hợp với nội dung, “lá cải” tràn lan để tăng lượng truy cập, bôi nhọ vu khống doanh nghiệp nhằm kiếm lợi…

Đây đều là những vấn đề bức xúc trong báo chí đương đại và cần được giải quyết. Tuy vậy, tôi cho rằng cần có những quy định thật cụ thể để xử phạt, răn đe. Ví dụ, Nghị định 159 yêu cầu phạt các báo “đăng, phát tin, bài, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Nhưng mức độ thế nào để bị coi là “thiếu thẩm mỹ” và “không phù hợp” còn chưa rõ ràng, dễ gây nhiều tranh cãi.

Hoặc, “xào nấu” tin bài cũng là khái niệm khá mơ hồ. Cắt dán 100% thì rõ rồi, nhưng nếu chỉ sử dụng ít hơn 20% thì có bị coi là “xào nấu” không? Nếu viết lại chứ không “cóp” nguyên văn thì có bị coi là vi phạm bản quyền hay không? Tất cả đều cần được làm rõ.

Với những trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, gây ra hậu quả xấu, cần thiết phải xử phạt hành chính bằng tiền với mức cao, mức phạt trong Nghị định đã đủ sức răn đe, phòng ngừa hay chưa?

Mức phạt được quy định trong Nghị định 159 là hợp lý bởi tuy số tiền phạt không quá cao nhưng nếu vi phạm liên tục, tổng số tiền phạt có thể rất lớn. Tôi nghĩ nếu thực hiện nghiêm túc sẽ có sức răn đe.

Tuy vậy, liệu cơ quan quản lý nhà nước có đủ số lượng nhân sự để kiểm soát và thực hiện việc này hay không, và có quản lý được một khối lượng khổng lồ các tin bài trên tất cả các báo hay không? Đây cũng là những vấn đề phải đặt ra để Nghị định đi được vào đời sống thực tiễn.

Thưa ông, đâu là biện pháp hữu hiệu để chữa căn bệnh vi phạm bản quyền trầm kha, giúp môi trường báo chí lành mạnh hơn?

Pháp quyền là con đường tốt hơn cả để giải quyết việc này. Ở các nước phát triển, nếu tờ báo này xâm phạm lợi ích, bản quyền của tờ báo khác hay lợi ích của công dân, tờ báo đó sẽ bị kiện ra tòa. Tòa án mới là nơi phân định đúng, sai, phải, trái qua quá trình nghị án công bằng, khách quan. Những tờ báo vi phạm thường bị phạt rất nặng, ảnh hưởng lớn tới tài chính của tờ báo. Chính vì thế, những hiện tượng như xâm phạm bản quyền, hay “lá cải hóa” sẽ được hạn chế.

Đời sống báo chí sẽ lành mạnh hơn nếu đất nước nỗ lực xây dựng hệ thống pháp quyền hoàn chỉnh. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu tất cả mọi người, trong đó có các cơ quan báo chí, đều tuân thủ pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!