Phát hành nhiều, giao dịch được bao nhiêu?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thị trường thẻ Việt Nam phát triển chóng mặt, nhưng chỉ 50% số thẻ phát ra được giao dịch.

Phát hành nhiều, giao dịch được bao nhiêu?
Thị trường thẻ Việt Nam phát triển chóng mặt, nhưng chỉ 50% số thẻ phát ra được giao dịch. Nguồn: internet
Ông Matthew Driver, Chủ tịch Tập đoàn MasterCard khu vực Đông Nam Á, hẳn nhiên rất hài lòng với mức tăng trưởng bình quân của MasterCard tại Việt Nam. Thời gian qua, mức tăng trưởng đạt gần 50%/năm về số lượng phát hành thẻ tín dụng và tăng hơn 40% về số tiền chi tiêu trên thẻ.

Tăng trưởng cao nhất khu vực

 “Thị trường thẻ tín dụng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Khoảng 90% giao dịch tại Việt Nam vẫn được thanh toán bằng tiền mặt nên tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh dịch vụ phát triển thẻ tín dụng còn rất cao. Vì vậy mục tiêu sắp tới của MasterCard là sẽ cùng các bên có liên quan như ngân hàng thành viên, đối tác thương mại: tăng cường mở rộng hệ thống chấp nhận thẻ trong những lĩnh vực chi tiêu hàng ngày của người dân như mua xăng, thanh toán hóa đơn”, ông Matthew Driver nói. Những tính toán này có thể thấy trước là thuận lợi nếu chiểu theo những nỗ lực thúc đẩy từ phía Chính phủ Việt Nam.

Chính phủ đang đẩy mạnh việc khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng như một phần của “Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015”, đã được phê duyệt cuối năm 2011. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%; đồng thời tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35 - 40% dân số. Bên cạnh đó, sẽ phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ. Đến năm 2015, toàn thị trường có khoảng 250.000 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.

Đông - Tây so găng

Theo thống kê từ Hiệp hội Thẻ Việt Nam, hiện nay các ngân hàng ở Việt Nam đã phát hành khoảng hơn 50 triệu thẻ ngân hàng các loại. Con số này vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày do các ngân hàng vẫn đang ráo riết phát hành thêm nhiều loại thẻ mới. Có lẽ chưa bao giờ thị trường ghi nhận cuộc cạnh tranh khốc liệt đến thế giữa các ngân hàng khi đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi như: miễn phí phát hành, ưu đãi mua sắm cho chủ thẻ… Chẳng hạn như HSBC ưu đãi 100 vé máy bay miễn phí của Vietnam Airlines đến những thành phố trong nước cho 100 khách hàng dùng thẻ tín dụng. Ngân hàng ANZ hay Standard Chartered áp dụng chương trình hoàn lại một phần tiền chi tiêu cho khách hàng…

Tất nhiên để đáp lại, các ngân hàng trong nước như Vietcombank, ACB, Eximbank, Đông Á… cũng có những chương trình khuyến mãi của riêng mình như trúng thưởng các món quà có giá trị hay những chuyến du lịch nước ngoài. Điều này khiến cho số lượng người dùng thẻ tín dụng ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Thúc đẩy không dùng tiền mặt

* Theo Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015, Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản đối với những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng cơ sở hạ tầng thanh toán; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản và các dịch vụ đi kèm; khuyến khích cán bộ, công chức thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản…
* Theo thống kê từ Hiệp hội Thẻ Việt Nam, hiện các ngân hàng ở Việt Nam đã phát hành khoảng hơn 50 triệu thẻ các loại. Con số này vẫn không ngừng tăng lên mỗi ngày.


Tuy nhiên, theo Tập đoàn MasterCard, thách thức của Việt Nam trong việc phát triển thẻ tín dụng nói riêng, cũng như thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt nói chung là hệ thống chấp nhận thẻ còn hạn chế, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày. Mặc dù đã có những bước đi đầu tiên như thúc đẩy các doanh nghiệp trả lương qua ngân hàng, nhưng Chính phủ vẫn cần đưa ra nhiều chính sách khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn như quảng bá những lợi ích khi sử dụng thẻ tín dụng cho người dân; có chương trình kích cầu và đẩy mạnh chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam thông qua kết hợp với các hãng hàng không, khách sạn; xây dựng giải pháp tích hợp thẻ tín dụng kèm theo chứng minh nhân dân điện tử... Những hạn chế này khiến cho các ngân hàng nội, ngoại cứ so găng, người tiêu dùng vẫn mở thẻ, nhưng thực chất thì chưa tận dụng hết lợi thế của thẻ cũng như chưa phát triển hết kích cỡ thị trường.

Dùng di động kích thẻ tín dụng

Làm gì để thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam? Ông David Chan, Trưởng bộ phận Phát triển thị trường của Master Card khu vực Đông Nam Á và Nam Á cho rằng, với số lượng người sử dụng điện thoại di động và Internet ngày càng nhiều thì nên tập trung phát triển giải pháp thanh toán di động.

Giải pháp thứ nhất là biến các điện thoại di động thông minh trở thành một thẻ tín dụng như đã phổ biến ở Anh và Singapore đang triển khai. Giải pháp này chủ yếu để cho người dùng thanh toán các giao dịch giá trị nhỏ một cách nhanh chóng và tiện lợi như mua cà phê mà không cần phải xếp hàng, in hóa đơn… Giải pháp thứ hai là dùng smartphone kết nối với tài khoản ảo của ngân hàng, sử dụng cho những khách hàng không cần có thẻ tín dụng. Giải pháp này chủ yếu sử dụng trong giao dịch mua bán qua mạng.

Hệ thống máy chấp nhập thẻ tín dụng (POS) của Việt Nam, hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam chỉ có 1 POS/1.000 người, trong khi tại Hàn Quốc tỉ lệ này là 50 POS/1.000 người. Chi phí cho một máy POS khoảng 600 USD trong khi chi phí cho POS bằng smartphone nhỏ hơn 50 USD. Vì vậy, theo ông David Chan, giải pháp sử dụng smartphone trong thanh toán có chi phí triển khai thấp, sẽ giúp nhanh chóng triển khai đến nhiều cửa hàng và mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán đến các vùng sâu vùng xa, từ đó đẩy mạnh được thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Thậm chí dễ dàng trang bị cho đội ngũ thu tiền điện tại nhà, thu tiền bảo hiểm…

Ngoài việc phải đẩy nhanh hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng, hiện chi phí sử dụng thẻ cũng là một thách thức không nhỏ trong việc mở rộng số lượng người dùng. Theo thông lệ, các chủ thẻ khi sử dụng thẻ thanh toán không phải tốn phí mà thậm chí còn được giảm giá thêm khi mua hàng hóa, dịch vụ. Khi đó, các cửa hàng, trung tâm thương mại hay người bán hàng… là đơn vị phải trả phí cho ngân hàng và các tổ chức thẻ tín dụng như MasterCard hay Visa. Tuy nhiên tại Việt Nam, với mức phí từ 1,8 - 2,8% mà các đơn vị bán hàng phải trả cho ngân hàng hay MasterCard, Visa đã khiến nhiều nơi chùn tay, không muốn nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Thậm chí một số nơi chuyển mức phí này sang cho người dùng.

Rõ ràng cần có thêm thời gian để người dân sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn. Nhưng cần hơn hết vẫn là những chính sách từ phía cơ quan quản lý cũng như sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp.