Phát huy hiệu quả kết dư quỹ bảo hiểm

Theo Quế Chi/daibieunhandan.vn

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, để phát huy hiệu quả quản lý kết dư quỹ bảo hiểm, trong năm 2017, số tiền đầu tư của ngành bảo hiểm là 189.800 tỷ đồng, số thu hồi gốc là 80.988 tỷ đồng. Tổng số dư nợ đầu tư lũy kế đến cuối năm là 609.069 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016. Các hình thức đầu tư chủ yếu là mua trái phiếu chính phủ, gửi tiền tại các ngân hàng có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm cao. Hiệu quả đầu tư rất tốt, bảo đảm an toàn phát triển quỹ kết dư bảo hiểm.

Khám bệnh bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc miền núi. Nguồn: Internet
Khám bệnh bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc miền núi. Nguồn: Internet

Phát huy hiệu quả nguồn kết dư

Theo BHXH Việt Nam, dự toán được giao cho ngành bảo hiểm trong năm là 171.263 tỷ đồng, ước thực hiện 177.643 tỷ đồng, tăng chi 6.380 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định. Tổng số dư quỹ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lũy kế đến cuối năm 2017 khoảng 607.324 tỷ đồng. Trong đó quỹ BHXH khoảng 540.004 tỷ đồng, quỹ BHTN khoảng 67.320 tỷ đồng.

Trong năm 2017, số tiền đầu tư của ngành bảo hiểm là 189.800 tỷ đồng, số thu hồi gốc là 80.988 tỷ đồng. Tổng số dư nợ đầu tư lũy kế đến cuối năm là 609.069 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016. Theo PTGĐ Đào Ngọc Ánh, các hình thức đầu tư chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiệu quả đầu tư rất tốt, bảo đảm an toàn phát triển quỹ kết dư bảo hiểm.

Năm 2017, BHXH chi phí cho quản lý bộ máy là 4.241 tỷ đồng; chi tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia, quản lý người thụ hưởng, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, phối hợp thu, chi trả chế độ, thanh tra, kiểm tra là 4.658 tỷ đồng; chi ứng dụng công nghệ thông tin là 1.221 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển là 1.800 tỷ đồng.

Vẫn còn những hạn chế về chính sách...

Theo Bộ Tài chính, chính sách BHXH, BHTN còn một số hạn chế như số nợ BHXH, BHTN vẫn còn lớn làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH và quyền lợi về an sinh xã hội của người lao động.

Cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đối tượng tham gia, thu BHXH chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng trốn đóng, đóng không đầy đủ BHXH.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng chính sách để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BHTN vẫn còn xảy ra như giả mạo chứng từ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; mua bán, cấp khống giấy tờ, hồ sơ hưởng chế độ...

Trước những hạn chế trên, Bộ Tài chính kiến nghị BHXH Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, bảo đảm liên thông hệ thống phần mềm quản lý đối tượng và thanh toán chế độ giữa các cơ quan BHXH trong ngành BHXH… Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, BHTN để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN và hành vi tiêu cực, gian lận, trục lợi BHXH, BHTN.