Phát huy vai trò, hiệu quả nguồn lực tài chính vi mô trong đời sống kinh tế - xã hội

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài – Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Song hành cùng sự đổi mới, hội nhập của đất nước, tài chính vi mô ngày càng khẳng định vai trò quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước. Để tiếp tục phát huy vai trò của công cụ tài chính này, cần có nhiều chính sách tạo động lực thúc đẩy và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng phục vụ của tổ chức tài chính vi mô…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công cụ giảm nghèo, phát triển bền vững

Tài chính vi mô (TCVM) được hiểu là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập thấp. Tại Việt Nam, năm 1986, Chính phủ Việt Nam quyết định thực hiện chính sách quốc gia về xóa đói giảm nghèo thông qua việc thúc đẩy các hoạt động sản xuất của người nghèo.

Ban đầu Chính phủ không đưa ra khung pháp lý cụ thể cho sự hoạt động của các tổ chức TCVM, đa số các tổ chức tài chính nhận sự hỗ trợ vốn cũng như kỹ thuật từ các Tổ chức phi chính phủ (NGO). Đến năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng, khẳng định tổ chức TCVM là một loại hình tổ chức tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Việc các tổ chức TCVM được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng là một bước tiến dài đối với lĩnh vực TCVM.

Đến nay, ở Việt Nam có hàng trăm tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM và ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói riêng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới: Nhờ có các tổ chức TCVM mà tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% vào đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010. Gần đây, Ngân hàng Thế giới tiến hành nghiên cứu và công bố trên trang Global Findex – cơ sở dữ liệu tài chính toàn cầu, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết họ không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng cần có nhu cầu rất lớn về tiết kiệm và vay mượn.

Nhiều khi để giải quyết nhu cầu tài chính của mình họ phải tự xoay sở từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong phần lớn trường hợp, nhiều người nghèo buộc phải vay nặng lãi với lãi suất cao hơn khoảng 100%/năm. Chính vì vậy, các tổ chức cung cấp TCVM như ngân hàng chính sách, hợp tác xã, Quỹ tín dụng Trung ương, các tổ chức TCVM cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác và các dịch vụ phi tài chính: quản lý tài chính và rủi ro, hướng dẫn chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường… đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân và được người nghèo đánh giá cao.

Thực tế hiện nay, đa số người nghèo ở Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức tài chính. TCVM có khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội. Mặc dù vốn vay của TCVM không lớn như ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những khoản vay này đến được với người nghèo, giúp họ khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chỉ tiêu và bảo vệ họ khỏi nghèo đói mặc dù việc này cần thời gian.

Hiện nay, các tổ chức TCVM ở nước ta cung cấp các dịch vụ tài chính rất đa dạng như: cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm… không chỉ giúp người nghèo tạo dựng công việc, sản xuất kinh doanh mà còn góp phần giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro về kinh tể và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình. Trong khi thu nhập không tự động tăng lên, nguồn vốn vay đáng tin cậy không cần tài sản thế chấp ban đầu là cơ sở nền tảng cho việc lên kế hoạch khởi động sản xuất, mở rộng kinh doanh, cộng thêm tổ chức cung cấp vốn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm và không phải bán hay cầm cố tài sản khi gặp rủi ro thất bại.

Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm và khả năng vay vốn, để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân công tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, vật nuôi. Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo thay vì phải chạy ăn từng bữa, tồn tại từ ngày này sang ngày khác, sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai.

Hộ gia đình có nhiều điều kiện để quan tâm đến dinh dưỡng, cải thiện điều kiện sống, chủ động tìm kiếm và chi trả cho dịch vụ y tế thay vì đến các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Tăng thu nhập đồng nghĩa với việc hộ gia đình có thể cho nhiều con của họ tiếp cận dịch vụ giáo dục với thời gian dài hơn và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục cho con cái. Đặc biệt, khi có được nguồn vốn vay từ tổ chức TCVM tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình cũng đồng nghĩa với việc tăng quyền cho người phụ nữ.

Bên cạnh vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, TCVM còn thể hiện rõ tính ưu việt của mình bằng các lợi thế vượt trội như: Mức độ mở rộng tiếp cận theo số lượng khách hàng và quy mô giá trị tăng trưởng ổn định; Độ sâu tiếp cận đến từng hộ gia đình và nhắm với đối tượng rõ ràng là phụ nữ với tỷ lệ phụ nữ vay vốn so với số khách hàng vay rất cao, hầu hết chiếm 100; Lợi nhuận và sự bền vững cao; Mức độ rủi ro thấp.

Thực tế, các tổ chức TCVM Việt Nam được đánh giá là đạt được sự bền vững theo qui định với chỉ số tự vững về hoạt động - OSS trung bình đạt trên 100%, cao hơn so với tiêu chuẩn của Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế - IFAD. Hoạt động của các tổ chức TCVM đều đảm bảo bù đắp được chi phí và có lãi. Chỉ số ROA của hầu hết các tổ chức TCVM đều trên mức tối thiểu 2%. Ngoài ra, với khả năng hoàn trả cao (trên 90%), hoạt động của các tổ chức TCVM Việt Nam được đánh giá là an toàn. Trong khi các tổ chức tín dụng khác đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao, thì các tổ chức TCVM có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, hầu hết các tổ chức TCVM có tỷ lệ nợ quá hạn trên 30 ngày so với tổng dư nợ nhỏ hơn 1% (thấp hơn chuẩn quốc tế 3%). Sự phát triển an toàn này là do tác dụng của sức mạnh cộng đồng thông qua cho vay theo tổ nhóm; do việc thiết kế phương thức trả gốc lãi linh hoạt, nhiều lần trong kỳ; cùng với những nỗ lực của cán bộ tín dụng vi mô.

Những tồn tại hạn chế

Cùng với những vai trò và đặc điểm nổi trội trong xóa đói, giảm nghèo của TCVM, thực tiễn hoạt động này tại Việt Nam thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế bất cập. Điển hình là hoạt động TCVM Việt Nam còn manh mún, sản phẩm dịch vụ chưa phong phú đa dạng, các chỉ số bền vững đều ở mức khiêm tốn. Khuôn khổ pháp lý còn nhiều bất cập, hệ thống cung cấp dịch vụ TCVM hiện nay bao gồm 3 khu vực: chính thức, bán chính thức và phi chính thức. Cùng phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng, song hoạt động TCVM ở mỗi khu vực đang được điều chỉnh bởi các quy định pháp lý riêng biệt, chưa có sự thống nhất. Điều này tạo ra môi trường không bình đẳng cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TCVM. Hành lang pháp lý cho hoạt động TCVM còn chưa hoàn thiện, nhiều quy định chậm ban hành, một số chính sách không thuận lợi cho hoạt động TCVM.

Luật các Tổ chức tín dụng 2010 ra đời, coi TCVM là một loại hình tổ chức tín dụng, từ đó đến nay chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể cho loại hình tổ chức tín dụng này, nên hoạt động TCVM vẫn tuân theo các thông tư, nghị định ban hành trước Luật tổ chức tín dụng 2010. Đặc biệt, trong công tác hạch toán kế toán, thực tế hiện nay, một số tổ chức TCVM áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp, một số tổ chức khác lại áp dụng chế độ kế toán quĩ tín dụng. Sự không thống nhất này là do cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn công tác hạch toán kế toán riêng cho hoạt động TCVM.

Bên cạnh đó, một trong những đặc trưng của TCVM Việt Nam khác với các NHTM ở tỷ trọng của nguồn vốn tiền gửi. Đối với các ngân hàng, vốn tiền gửi là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70% tổng nguồn vốn.

Trong khi đó, nguồn vốn tiền gửi của các tổ chức TCVM Việt Nam chiếm một tỷ trọng nhỏ, khoảng 30%, còn lại phần lớn là nợ phải trả. Điều này xuất phát từ thực tiễn: một là, các tổ chức TCVM Việt Nam chủ yếu nhận được các khoản vay, tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, hoặc các dự án, chương trình phát triển của địa phương và nước ngoài; hai là, về mặt pháp lý, chỉ có các tổ chức chính thức mới được phép huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện một cách rộng rãi, các tổ chức bán chính thức và phi chính thức thì bị hạn chế trong hoạt động nhận tiền gửi, quy định này cũng hạn chế phần nào vốn tiền gửi của các tổ chức TCVM. Hạn chế về khung pháp lý trong hoạt động nhận tiền gửi phần nào ảnh hưởng đến khả năng tự vững của các tổ chức TCVM.

Mặt khác, nguồn nhân lực thiếu về số lượng và chất lượng, do hầu hết các tổ chức TCVM Việt Nam đều phát triển từ các chương trình/dự án do vậy tính chuyên nghiệp về dịch vụ TCVM thường không cao...

Để nâng cao hiệu quả nguồn lực tài chính vi mô

Để phát huy hết vai trò của nguồn vồn từ các tổ chức TCVM, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Các cơ quan này khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tổ chức tín dụng về hoạt động TCVM, theo hướng khuyến khích phát triển để góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn cho vay nặng lãi, phù hợp với hoạt động thực tế trong thời gian qua, tạo điều kiện để phát triển ở các vùng khó khăn, phục vụ người nghèo, cận nghèo. Trong đó, xác định rõ hành lang pháp lý riêng, đồng bộ và phù hợp với đặc trưng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan cần sớm ban hành các văn bản pháp lý cần thiết hướng dẫn hoạt động của TCVM.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích sự phát triển bền vững của các tổ chức TCVM như chính sách thuế, chính sách lãi suất. Chính sách lãi suất nên linh hoạt, một mặt phù hợp với mục tiêu hoạt động của tổ chức TCVM; mặt khác phải bù đắp được chi phí hoạt động và tự vững.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh triển khai nghiên cứu cơ chế hỗ trợ vốn cho hoạt động TCVM theo hướng khuyến khích sự tham gia các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ Nhóm Công tác TCVM Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội TCVM theo hướng kế thừa các hoạt động hiện tại của mạng lưới TCVM tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.

Thứ hai, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hình thức cung cấp sản phẩm dịch vụ. Hiện nay các dịch vụ TCVM mới chỉ tập trung vào tín dụng vi mô, do đó để đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, các tổ chức TCVM cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ tài chính truyền thống, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ mà trọng tâm là các dịch vụ ngân hàng hiện đại có hàm lượng công nghệ cao. Đối với các sản phẩm dịch vụ hiện hữu, tổ chức TCVM cần rà soát lại quy trình nhằm đảm bảo tính thống nhất, linh hoạt một mặt giảm thiểu chi phí giao dịch, mặt khác hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Chẳng hạn đối với tín dụng vi mô hiện tại, các tổ chức TCVM có thể xem xét mở rộng thêm các hình thức cho vay như cho vay theo hạn mức, cho vay dựa trên sự bảo lãnh của bên thứ ba, cho vay đầu tư phương tiện, cho vay chi trả học phí...

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được coi là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức TCVM. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các tổ chức TCVM cần có chính sách tuyển dụng, chính sách đào tạo và đào tạo lại, chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng cán bộ để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong điều kiện mới.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền. Các tỉnh, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về TCVM để tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ, hiểu đúng về vai trò của hoạt động TCVM đối với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các chương trình, dự án TCVM triển khai hoạt động trên địa bàn và mở rộng hoạt động ra các xã, huyện mới. UBND các tỉnh, thành phố phân bổ hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn khác cho hoạt động TCVM, các chương trình, dự án TCVM trên địa bàn; tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ chức, chương trình, dự án TCVM trên địa bàn.

Phát triển TCVM là mục tiêu lâu dài của Nhà nước nhằm hướng tới giảm bớt các gánh nặng xã hội, xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, Chính phủ và một số cơ quan chính sách có liên quan cần xem xét việc thiết lập một hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện cho các tổ chức TCVM hướng tới đường lối phát triển hiệu quả, bền vững và chuyên nghiệp.