Dịch vụ thuế là hoạt động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn do một tổ chức hoặc cá nhân cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác về các thủ tục thuế (đăng ký thuế, kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế...) và các dịch vụ có liên quan nhằm hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN) (hỗ trợ kê khai, nộp thuế; tư vấn hoặc lập kế hoạch kinh doanh phù hợp với pháp luật thuế, tư vấn giải quyết các tranh chấp về thuế…). Có nhiều loại dịch vụ thuế khác nhau, tùy thuộc vào các tiêu thức xác định, phân loại, song, phần lớn dịch vụ thuế được phân thành hai dạng: dịch vụ thuế công và dịch thuế tư. Dịch vụ thuế công là dịch vụ do cơ quan thuế cung cấp. Dịch vụ thuế tư là dịch vụ do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cung cấp.

Dịch vụ thuế tư: Giai đoạn đầu của quá trình phát triển

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng các doanh nghiệp (DN) ngày càng gia tăng, kéo theo nhu cầu đối với dịch vụ làm thủ tục về thuế ngày càng lớn. Tuy nhiên, chủ thể cung cấp dịch vụ thuế còn hạn chế về số lượng. Trước năm 2007, việc cung cấp các dịch vụ thuế được thực hiện bởi một số đơn vị trong số các công ty kiểm toán, công ty tư vấn về tài chính, kế toán và các công ty tư vấn luật, trong đó nội dung chủ yếu của dịch vụ thuế được cung cấp là tư vấn thuế, lập báo cáo thuế... Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ thuế chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số doanh thu của các DN này và khách hàng làm sử dụng dịch vụ thuế cũng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng số khách hàng của những công ty này.

Từ tháng 7/2007 đến nay, cùng với việc thực hiện thống nhất và đồng bộ cơ chế tự khai, tự nộp, Luật Quản lý thuế ra đời đã xác lập hành lang pháp lý cho hoạt động cung cấp dịch vụ thuế. Như vậy, việc cung cấp dịch vụ thuế, bên cạnh các công ty kiểm toán, kế toán, tư vấn luật, sẽ được thực hiện chủ yếu bởi các đại lý thuế. Người nộp thuế có thể ký kết hợp đồng với các đại lý thuế để được cung cấp các dịch vụ về đăng ký thuế, kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế…

Thực tế đến nay số lượng các đại lý thuế ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn, tính đến tháng 11/2012 cả nước mới chỉ có 100 đại lý thuế (Năm 2010, có 41 đại lý thuế; năm 2011 có 87 đại lý thuế); có 1.250 người được cấp chứng chỉ hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế, trong số đó chỉ có 233 người làm việc trong các đại lý thuế.

Trong năm 2011, theo báo cáo của 40 đại lý thuế (trong tổng số 83 đại lý thuế hoạt động), số đại lý có doanh thu từ dịch vụ thủ tục về thuế chiếm 65%, số đại lý không có doanh thu về dịch vụ thủ tục về thuế chiếm 20%, số đại lý chưa có doanh thu về mọi hoạt động chiếm 15%. Trong số các đại lý thuế có doanh thu về dịch vụ thủ tục về thuế, số đại lý có doanh thu 100% chỉ chiếm 27%, số đại lý có doanh thu từ 50% trở lên chiếm 30,8%, số đại lý có doanh thu dưới 50% chiếm 42,2%. Trong số các DN cung cấp dịch vụ thuế ở Việt Nam, chỉ có một vài công ty lớn và có số lượng nhân viên đại lý thuế nhiều như: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Tư vấn thuế Deloitte Việt nam (06 người có chứng chỉ hành nghề); Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn kế toán thuế Đồng Nai (7 người có chứng chỉ hành nghề); Công ty TNHH Kiểm toán Kreston ACA VietNam (05 người có chứng chỉ hành nghề), còn lại hầu hết là các DN chỉ có 2-3 người có chứng chỉ.

Không có dụng ý so sánh bởi quy mô của nền kinh tế và đặc điểm phát triển khác nhau, song, những con số sau đây ở một vài quốc gia trong khu vực cũng là cơ sở cho chúng ta nhìn nhận về thực trạng dịch vụ thuế của Việt Nam: ở Malaysia, đại lý thuế ra đời từ rất sớm (từ năm 1967), tính đến năm 2006 đã có tới 2.500 đại lý thuế đăng ký hoạt động. Ở Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3/2011 có 2.140 đại lý thuế là pháp nhân và 72.039 cá nhân làm dịch vụ thuế (số lượng người gần bằng số cán bộ của cơ quan thuế trên phạm vi toàn quốc). Ở Australia, từ năm 2003 đã có đến 250.000 tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thuế, trong đó cá nhân chiếm 52%.

Như vậy, có thể nói, thị trường cung cấp dịch vụ thuế của khu vực tư ở Việt Nam chưa thực sự phát triển. Số lượng các DN có cung cấp dịch vụ thuế tính đến thời điểm hiện nay còn quá ít so với yêu cầu thực tế, chỉ bằng 0,021% số DN đang thực hiện kê khai, thuộc diện quản lý của cơ quan thuế. Trong đó, phần lớn các DN có quy mô nhỏ cả về vốn kinh doanh cũng như số lượng các nhân viên có chứng chỉ hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế đã làm ảnh hưởng đến năng lực thực hiện các hợp đồng tư vấn có giá trị lớn, những đơn vị kinh doanh cần tư vấn có quy mô lớn.

Thực tế này đã hạn chế việc phát huy vai trò của dịch vụ thuế tư đối với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho các DN trong sản xuất kinh doanh cũng như chưa phát huy vai trò của dịch vụ thuế tư đối với việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của xã hội. Vấn đề này tồn tại sẽ kéo theo việc gia tăng áp lực lên cơ quan thuế trong việc phải đón tiếp, trả lời các vướng mắc phát sinh ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh đang sắp xếp và cơ cấu lại nguồn nhân lực. Đây rõ ràng là một thách thức lớn, khi phát sinh nhiều công việc liên quan đến hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế trong một số trường hợp sẽ không thực hiện kịp thời các yêu cầu của người nộp thuế, chất lượng phục vụ sẽ bị giảm sút, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến tính tuân thủ, ý thức tự giác của người nộp thuế cũng như ảnh hưởng đến tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế nói chung.

Nguyên nhân cơ bản

Thị trường cung cấp dịch vụ thuế của khu vực tư ở Việt Nam chưa thực sự phát triển bởi những nguyên nhân cơ bản sau:

- Đây là hoạt động khá mới mẻ tại Việt Nam, chỉ mới ra đời và phát triển trong một thời gian ngắn trở lại đây. Các DN và người dân chưa có thói quen cũng như chưa tin tưởng chất lượng dịch vụ thuế tư.

- Do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người nộp thuế và xã hội chưa cao, theo đó, người nộp thuế sẵn sàng tự ý vi phạm pháp luật để trốn thuế, tránh thuế không cần tư vấn về pháp luật thuế.

- Người nộp thuế chưa hiểu biết về dịch vụ thuế tư, chưa nắm được nhiệm vụ của đại lý thuế cũng như chưa hiểu biết về quyền lợi của mình khi ký kết hợp đồng với các DN cung cấp dịch vụ thuế.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá về dịch vụ làm thủ tục về thuế, tư vấn thuế của các đại lý thuế cũng như các công ty có chức năng tư vấn thuế khác chưa được đẩy mạnh, chưa mở rộng được thị trường cung cấp. Bên cạnh đó, chất lượng của dịch vụ thuế được cung cấp chưa tốt, chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp cao

- Người nộp thuế sợ lộ bí mật thông tin kinh doanh khi thuê dịch vụ thuế.

- Việc tạo lập hành lang pháp lý cho hoạt động của đại lý thuế nói riêng và dịch vụ thuế tư nói chung còn chưa kịp thời, chưa cụ thể trách nhiệm của các bên (người nộp thuế và đại lý thuế).

- Việc triển khai các văn bản pháp lý tạo điều kiện ra đời các tổ chức cung cấp dịch vụ thuế mang tính chuyên nghiệp còn chậm. Từ khi Luật Quản lý thuế ra đời đến nay mới tổ chức thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề làm dịch vụ thủ tục về thuế được 03 lần (2009, 2010, 2011). Trong khi hàng năm có hàng vài chục ngàn DN ra đời, việc tổ chức thi tuyển định kỳ một năm chỉ 01 lần và chưa kịp thời đã ảnh hưởng đến việc ra đời của các DN kinh doanh dịch vụ thuế.

- Ở một số cơ quan thuế địa phương chưa quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích và nội dung của dịch vụ thuế tư cũng như chưa động viên kịp thời người nộp thuế sử dụng các dịch vụ thuế tư. Ngoài ra, việc hỗ trợ, phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và đại lý cũng còn nhiều hạn chế.

Những giải pháp để phát triển dịch vụ thuế tư ở nước ta

Phát triển dịch vụ thuế tư ở Việt Nam là góp phần hoàn thành mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra. Cụ thể, theo chiến lược này, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có 8.000 đại lý thuế (giai đoạn 2011 - 2015 là 3.000 đại lý thuế và giai đoạn 2016 - 2020 là 5.000 đại lý thuế); đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, gắn với từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của đại lý

thuế, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Theo chúng tôi, cần thiết thực hiện một số nhóm giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm phát triển và quản lý hoạt động của DN cung cấp dịch vụ thuế tư. Cụ thể là các các nội dung sau:

- Cần quy định rõ hơn điều kiện thành lập tổ chức cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế: điều kiện về vốn điều lệ; điều kiện về trách nhiệm vật chất và trách nhiệm khác khi các đại lý cung cấp các dịch vụ kém chất lượng hoặc thông tin không chính xác, gây ra cho người nộp thuế, thiệt hại vật chất, uy tín và các thiệt hại khác.

- Một năm nên tổ chức hơn một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (hiện nay pháp luật quy định 1 lần/năm), có thể 2 - 3 lần/năm nhằm có được số lượng đủ đáp ứng cho nhu cầu xã hội.

- Bổ sung thêm một số hình thức tổ chức đại lý thuế. Ngoài loại hình DN làm đại lý thuế theo quy định của pháp luật hiện nay, nên bổ sung thêm một số hình thức tổ chức cung cấp dịch vụ thuế khác nữa phù hợp với xu thế thị trường và nhu cầu đa dạng về cung cấp dịch vụ thuế.

- Nguyên tắc thu phí và một số mức phí được thu khi cung cấp dịch vụ thuế.

- Cần quy định cụ thể nguyên tắc xác định trách nhiệm của tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) khi thực hiện các cam kết với người nộp thuế vi phạm pháp luật thuế, làm giảm số thuế phải nộp, vi phạm chế độ hoá đơn, chứng từ… Đó là các trách nhiệm hành chính (bị phạt hành chính; phạt tiền; hạn chế hành nghề hoặc cấm hành nghề đại lý thuế); và trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và đủ yếu tố cấu thành tội phạm: thất thoát số tiền thuế lớn, thông đồng với người nộp thuế để trốn thuế, gian lận hóa đơn, chứng từ để hoàn thuế…

- Quy định các dịch vụ thuế do các DN thực hiện và các dịch vụ do cơ quan thuế thực hiện. Có những dịch vụ thuế bất kỳ tổ chức nào cũng có thể cung cấp, nhưng có những dịch vụ chỉ có DN mới được cung cấp cho người nộp thuế.

- Mở rộng thêm các hình thức hoạt động của đại lý thuế như hoạt động tư vấn thuế; hoạt động phổ biến, giới thiệu pháp luật thuế.

- Tiến tới cần nâng cấp hình thức văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế từ thông tư như hiện nay lên cấp Nghị định của Chính phủ nhằm nâng cao tính hiệu lực của chế tài áp dụng và điều chỉnh.

Hai là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong xã hội về lợi ích, mức độ thuận tiện mang lại cho người sử dụng dịch vụ thuế tư. Công việc này được tiến hành bởi cả DN cung cấp dịch vụ và cơ quan chức năng, trong đó chủ yếu là cơ quan thuế các cấp. Nên chăng, cần thiết nghiên cứu và thí điểm triển khai một số cơ chế ưu tiên đối với người nộp thuế sử dụng dịch vụ thuế tư, nhằm thu hút sự quan tâm, cũng như khuyến khích và động viên người nộp thuế thực hiện hiện các thủ tục về thuế qua đại lý thuế.

Ba là, ban hành quy chế kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ thuế.

Việc thực hiện kiểm tra giám sát đối với hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ thuế tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú ý một số vấn đề sau đây: (i) Cơ quan nào có quyền kiểm tra; (ii) Nội dung kiểm tra (chỉ các hoạt động liên quan tới việc cung cấp dịch vụ thuế hay tất cả các hoạt động khác của tổ chức), thời hạn kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra, số lần được kiểm tra trong một năm; (iii) Kết luận kiểm tra, các đề xuất, cơ quan tiếp nhận và giải quyết đề xuất; (iv) Trách nhiệm báo cáo và cung cấp tài liệu, tình hình của tổ chức cung cấp dịch vụ thuế.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động của DN cung cấp dịch vụ thủ tục về thuế.

Các DN cung cấp dịch vụ về thuế cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng để nhân viên có kiến thức và năng lực đảm đương vai trò của mình. Đồng thời phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

Năm là, cơ quan thuế phải tăng cường phối hợp, hỗ trợ DN trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế. Việc làm này giúp các DN cung cấp dịch vụ nắm bắt kịp thời các chính sách thuế mới, hiểu rõ hơn các quy trình quản lý thuế, đồng thời, giúp cơ quan thuế xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, có cơ hội về thời gian để tiếp cận sớm hơn những khó khăn từ thực tiễn trong thực thi pháp luật.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020;

2. Tổng cục Thuế (2007), Báo cáo khảo sát về dịch vụ làm thủ tục về thuế tại Malaysia;

3. Otake Kenichiro (2011), “Lịch sử, vai trò của kế toán công tại Nhật Bản” (Chủ tịch Hiệp hội kế toán công Nhật Bản, tài liệu Hội thảo tháng 8/2011 tại Việt Nam);

4. Australian Taxation Office (2003): Making it easier to comply.

Phát triển dịch vụ thuế tư ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN CẨM TÂM

(Tài chính) Phát triển dịch vụ thuế nói chung và dịch vụ thuế tư nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên dịch vụ thuế tư ở Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ thực trạng và gợi mở những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ thuế tư ở Việt Nam trong thời gian tới.

Xem thêm

Video nổi bật