Phát triển điện hạt nhân: Những khó khăn, thách thức

Hải Đăng

(Tài chính)Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn – thách thức đến từ việc triển khai dự án điện hạt nhân, nguồn năng lượng của tương lai và cũng ẩn chứa những rủi ro rất lớn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những chuẩn bị cần thiết cho việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Điện hạt nhân: Yêu cầu cao...

Khác với các dạng năng lượng khác, điện hạt nhân có những yêu cầu sau: Sự cam kết dài hạn của chính phủ; Sự chấp nhận của công chúng; Giai đoạn chuẩn bị kéo dài và có rủi ro; Mức độ an toàn và an ninh cao; Vốn đầu tư ban đầu lớn; Nhân lực với số lượng lớn và chất lượng tốt; Kiểm soát vật liệu hạt nhân; Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng; Hợp tác và sự ủng hộ của quốc tế...

Theo các chuyên gia, đối với các quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt nhân, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp như Việt Nam, việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trung bình mất khoảng 15 năm. Đối với các quốc gia có cơ sở hạ tầng kỹ thuật cao, khoảng thời gian này có thể rút xuống còn 10 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, có những quốc gia đã có nhà máy điện hạt nhân nhưng vẫn mất rất nhiều năm để đạt được sự đồng thuận trong nước, để từ đó quốc hội/chính phủ có thể phê chuẩn dự án xây dựng một nhà máy điện hạt nhân (thậm chí là một tổ máy điện hạt nhân) mới.

...Thách thức lớn

Là một quốc gia bắt đầu chương trình điện hạt nhân, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, lớn về quy mô và đầu tư, đặc biệt về bảo đảm an toàn và an ninh, thời gian chuẩn bị (10-15 năm) và xây dựng (5-6 năm) dài, mang tính rủi ro cao. Trong khi đó chúng ta chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân.

Xét về tổng thể, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đòi hỏi một thời gian dài. Trong khi đó, hệ thống luật pháp quốc gia chưa hoàn chỉnh. Chúng ta cũng thiếu nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) trong nhiều lĩnh vực liên quan như: quản lý dự án, pháp quy hạt nhân, nghiên cứu và triển khai, giáo dục và đào tạo. Năng lực của các tổ chức nghiên cứu và triển khai, hỗ trợ kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, cũng như các ngành công nghiệp liên quan trong nước còn hạn chế.

Vốn đầu tư lớn và cũng chủ yếu dựa vào vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp của các đối tác, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lại được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn...

Chuẩn bị của Việt Nam

Như vậy, những thách thức mà Việt Nam phải đối diện trong quá trình triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân là hết sức rõ ràng. Những khó khăn trên đòi hỏi công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân cần phải tiến hành trong một thời gian dài, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của công chúng. Để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho triển khai các nhà máy điện; tăng cường năng lực quản lý các nhà máy điện; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ...

Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất tích cực tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước có công nghệ hạt nhân tiên tiến. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ hợp tác song phương với một số quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân như Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thông qua các chương trình này, từ năm 2010 đến nay, hàng trăm lượt sinh viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân Liên bang Nga. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng gửi 24 kỹ sư sang Nhật Bản đào tạo cán bộ chủ chốt cho các nhà máy điện hạt nhân.