Phát triển kinh tế, chỉ vốn ngân hàng là chưa đủ

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Chia sẻ với phóng viên nhân dịp đầu năm mới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng xác định Tây Bắc là vùng trọng điểm nên đã và đang có những hỗ trợ về tín dụng để góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh và mạnh hơn.

Phát triển kinh tế, chỉ vốn ngân hàng là chưa đủ - Ảnh 1
Phó Thống đốc Đào Minh Tú
Phóng viên: Xin Phó Thống đốc nói rõ hơn về định hướng này của ngành Ngân hàng?

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tây Bắc vốn là một vùng khó khăn, nếu không có những hỗ trợ về tín dụng thì khó có thể phát triển nhanh và mạnh. Cuối năm 2012, NHNN đã trực tiếp làm việc với một số tỉnh trong khu vực và thấy được những khó khăn về vốn, đầu ra của sản phẩm; về nguồn lực, quy hoạch; vấn đề phát triển tiềm năng của vùng, liên kết vùng.

Chính vì vậy, năm 2013, ngành Ngân hàng xác định Tây Bắc là vùng trọng điểm và vấn đề đầu tiên vẫn là nguồn vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong một số lĩnh vực như khai khoáng, sản xuất, nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp… Theo đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại) tập trung vốn đi đôi với hạ lãi suất và tăng cường vốn trung, dài hạn để đầu tư cho Tây Bắc.

Các ngân hàng thương mại thường quan tâm đến lợi nhuận, nhưng với sự chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm của mình nhiều hơn đối với sự phát triển của vùng, không chỉ vì lợi nhuận, mà đó còn là nhiệm vụ chính trị. Ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã quan tâm và thể hiện trách nhiệm của mình đối khu vực này trong việc cung ứng vốn tín dụng và đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Tây Bắc là vùng nghèo nên lượng vốn huy động tại chỗ khó có thể đáp ứng được nhu cầu. Vậy NHNN đã có những giải pháp gì?

Đúng vậy, nguồn vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 72% cho doanh nghiệp của địa phương. Cụ thể, đến ngày 31/12/2013, tổng nguồn vốn huy động (bao gồm huy động của tổ chức, cá nhân và phát hành giấy tờ có giá) trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt 93.361 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm 31/12/2012. Một số tỉnh tăng trưởng huy động thấp như: Bắc Kạn tăng 1%, Tuyên Quang tăng 10%, Lào Cai tăng 10%…, trong khi tăng trưởng huy động của cả nước là 19,78%. Do vậy, các ngân hàng đã điều động lượng vốn khá lớn từ Trung ương về, từ các địa phương khác tới.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đã trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp của địa phương, những doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả nhưng thiếu vốn sẽ được xử lý tại chỗ. Các dự án của tỉnh có hiệu quả sẽ chỉ định các ngân hàng thương mại tập trung vốn. Giải pháp này đã được thực hiện tại Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…

Do các dự án đầu tư tại Tây Bắc tập trung vào lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản và các dự án lớn, nên thời gian tới các ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay theo đúng tiến độ giải ngân các dự án đã cam kết. Đối với những lĩnh vực có thế mạnh của Tây Bắc như chế biến gỗ, khai khoáng và một số cây trồng có hiệu quả cao, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường đầu tư, nhất là vốn trung, dài hạn.

Còn lãi suất thì sao, thưa Phó Thống đốc?

NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất cho vay. Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đối tượng ưu tiên đều được giảm lãi suất hợp lý. Còn lãi suất cao chỉ áp cho tiêu dùng, đó là lĩnh vực không khuyến khích.

Vốn tín dụng đương nhiên là rất quan trọng đối với khu vực Tây Bắc đang còn nghèo, song điều mà người dân, doanh nghiệp nơi đây cần không chỉ là vốn, mà còn cả các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thuận lợi.

Về vấn đề này, NHNN cũng đã có chủ trương cho phép các ngân hàng mở rộng mạng lưới hoạt động tại những tỉnh có nhu cầu và các ngân hàng thấy có khả năng duy trì được bộ máy hoạt động. Trước hết, không phải vì mục tiêu lợi nhuận, mà là để tạo thuận lợi cho cung ứng dịch vụ rộng khắp cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Thống đốc có thể cho biết kết quả cho đến nay?

Với những biện pháp mạnh mẽ, tổng dư nợ tín dụng tại vùng Tây Bắc đến 31/12/2013 đạt 126.375 tỷ đồng, tăng 15% so với 31/12/2012, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 12,51%. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khu vực Tây Bắc đạt 50.165 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 7,6% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc.

Riêng dư nợ tín dụng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đối với khu vực Tây Bắc đạt 24.527 tỷ đồng, chiếm 20,19% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 18,36% so với năm 2012, với 884.886 lượt khách hàng vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,69%/tổng dư nợ, giảm 0,14% so với năm 2012.

Về cơ bản, nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn. Ngoài các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc tham gia vốn tín dụng cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn trong khu vực đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vùng.

Định hướng của ngành Ngân hàng đối với khu vực này trong năm 2014 như thế nào?

NHNN tiếp tục giải quyết bài toán về vốn cho khu vực Tây Bắc, nhất là cho các dự án hiệu quả. Đồng thời, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, sẽ tiếp tục giảm lãi suất.

Liên quan đến vấn đề xóa đói giảm nghèo trong khu vực, sẽ phát huy tối đa vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, sẽ dành nguồn vốn thỏa đáng để cho vay các chương trình tín dụng chính sách, đi đôi với việc hướng dẫn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, qua đó giúp người nghèo thực sự thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong 19 chương trình cho vay người nghèo và vùng kinh tế khó khăn hiện nay, sẽ tập trung vốn cho một số chương trình trọng điểm.

Đặc biệt, NHNN trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP cho vay nông nghiệp, nông thôn, mở rộng đối tượng cho vay, mức cho vay được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, để đồng vốn tín dụng phát huy tối đa hiệu quả, cần có những quy hoạch cụ thể của địa phương và Trung ương, sự kết hợp giữa vốn đầu tư Nhà nước vào xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với vốn đầu tư thương mại…