Phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn

Chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH, HĐH) nông nghiệp, nông thôn của Đảng ta được hình thành khá sớm trong quá trình đổi mới đất nước. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (4/2006) của Đảng chủ trương tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của Việt Nam để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu của nền kinh tế. Đại hội cũng khẳng định “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân”. Gần đây nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới”.

Trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, việc giảm bớt tỷ trọng lao động làm nông nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng cần đặt lên đầu. Trước thực tế cơ cấu lao động nông nghiệp và nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tích cực, Chiến lược phát triển nông thôn bền vững ở Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 40-41% lao động xã hội, đến năm 2020 còn khoảng 25-30% lao động xã hội. Công cuộc CNH – HĐH nông nghiêp, nông thôn đòi hỏi phải được thực hiện bằng đội ngũ lao động đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu và hiệu quả trong sử dụng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nguồn nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu, gây cản trở sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn. Thực trạng này cũng diễn ra tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) và đặt ra bài toán về phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Thống kê từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện tăng khá nhanh, đạt 12,01%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành thuộc hầu hết các lĩnh vực đều có bước phát triển. Năm 2013, do ảnh hưởng nền kinh tế suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,9 triệu đồng/năm. Dự kiến giai đoạn 2014 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14 %/năm. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong tổng giá trị gia tăng đã tăng mạnh từ 33,9% năm 2010 lên 42,4% năm 2013; Tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 26,7% năm 2010 lên 32,1% năm 2013 và tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư giảm từ 39,4% năm 2010 xuống 25,5% năm 2013. Về công tác đào tạo và phát triển lao động nông thôn của địa phương cũng đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, dù quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy từng bước nâng lên nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tiến trình CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn của Huyện. Nhiều xã của Huyện, cơ sở dạy nghề chưa quan tâm gắn đào tạo phát triển tay nghề với giải quyết việc làm, chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế nên một số lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp…

Thứ hai, một số trung tâm dạy nghề Huyện, dù được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề từ ngân sách Trung ương và địa phương theo Đề án 1956 và một số chương trình dạy nghề có tăng nhưng vẫn còn thiếu và không đồng bộ; Cơ sở vật chất trang thiết bị và giáo viên còn thiếu nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề.

Thứ ba, công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực vẫn chưa hiệu quả. Theo đó, hoạt động điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề mặc dù đã được triển khai nhưng báo cáo này không được các cơ quan chức năng sử dụng để làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu, ra thông báo mở lớp. Mặt khác, số liệu điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu của chính quyền cơ sở hàng năm chưa chính xác, chưa phù hợp với cơ cấu lao động theo quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch sản phẩm chủ lực của Huyện. Việc thực hiện công tác đào tạo nghề đang nhằm mục tiêu hướng tới tỷ lệ lao động đã qua đào tạo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả sau đào tạo đối với thu nhập của người dân và sự phát triển kinh tế của các xã cũng như của huyện Nghi Lộc.

Chiến lược phát triển nông thôn bền vững ở Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 40-41% lao động xã hội, đến năm 2020 còn khoảng 25-30% lao động xã hội.

Một số kiến nghị

Có thể nói, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong quá trình CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn được xem là “chìa khóa” thành công cho nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia. Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân. Chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phải đồng nghĩa với trang bị nghề mới và tạo việc làm mới cho người lao động. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, mục tiêu xây dựng nông thôn mới... chỉ có thể thành công khi nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn vững tâm với nghề nghiệp, với nguồn thu nhập đủ để bảo đảm cuộc sống.

Tuy nhiên, thực trạng yếu kém của chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn hiện nay đang trở thành lực cản của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Do vậy, trong thời gian tới, các địa phương nói chung và huyện Nghi Lộc nói riêng cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, cụ thể:

Một là, cần đầu tư ngân sách vào lĩnh vực giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng lao động cho người lao động. Nhà nước cũng nên chú trọng đến đầu tư hệ thống cơ sở dạy nghề, trang thiết bị dạy và và học để phù hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến; Quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dạy nghề nhằm hỗ trợ công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền được thuận lợi và sát với thực tế tại địa phương.

Hai là, cần quan tâm đúng mức và kịp thời các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên trong công tác đào tạo – phát triển nguồn nhân lực trong nông thôn, nhằm tạo động lực để công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao.

Ba là, các cơ quan chức năng cần thiết kế, soạn thảo, xây dựng nội dung chương trình đào tạo phát triển nghề được dễ hiểu hơn, giảm thiểu lý thuyết và tăng giờ thực hành để người lao động dễ tiếp thu. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương cũng như nhu cầu của người lao động nên xây dựng các nghề đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp, tạo thuận lợi cho ứng dụng thực tiễn sau đào tạo và khả năng giải quyết việc làm.

Bốn là, cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ người học nghề nhằm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn như: Chính sách ưu đãi về miễn giảm học phí đối với người có công với cách mạng, hỗ trợ đào tạo – phát triển đối với người nghèo, cận nghèo. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi như đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

Năm là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về công tác đào tạo – phát triển nguồn nhân lực. Giải thích kỹ tác dụng của công tác này đối với năng suất lao động, tăng thu nhập để người lao động chủ động hơn đối với các khóa học, tập huấn, bồi dưỡng.

Sáu là, cần có những chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với công nghiệp chế biến; Hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, các thủ tục hành chính để thu hút các dự án đầu tư, củng cố và phát triển các làng nghề; Mở rộng các loại hình dịch vụ để thu hút nhiều lao động, tạo động lực cho người lao động nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, tay nghề trong lao động.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh, giáo trình “Kinh tế nguồn nhân lực”, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân;

2. Đỗ Minh Cương (2002), Một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay, NXB Giáo dục;

3. Lê Mạnh Hùng “Thực trạng CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn Việt Nam”, NXB Thống kê, Hà Nội, 1998.

Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn: Nhìn từ nhu cầu nguồn nhân lực

ThS. NGUYỄN SỸ TUẤN

(Tài chính) Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo đà cho sự phát triển kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thành công thì các địa phương cần phải chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực về cả chất và lượng.

Xem thêm

Video nổi bật