Phát triển kinh tế tư nhân: Biến nghị quyết của Đảng thành hành động cụ thể

Theo Ngọc Mai/baokiemtoannhanuoc.vn

“Kinh tế tư nhân” là một trong những cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong năm 2017, nhất là sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được ban hành ngày 03/6/2017 (Nghị quyết 10).

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 – năm 2017 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức sáng 31/7/2017 tại Hà Nội.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 – năm 2017 do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức sáng 31/7/2017 tại Hà Nội.
Với Nghị quyết này, theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh (Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), kinh tế tư nhân đã được nâng lên một tầm mới. 

Kinh tế tư nhân và những dấu ấn vượt thời gian

Ngược dòng thời gian, nhìn lại các kỳ Đại hội Đảng, có thể thấy, khu vực kinh tế tư nhân được chính thức công nhận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986. Trong Nghị quyết Hội nghi Trung ương 6 (khóa VI), Đảng ta đã khẳng định: Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Đến năm 1991, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết phân tách thành 5 thành phần kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế cá thể và khu vực kinh tế tư bản tư nhân, tạo tiền đề cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Các Văn kiện Đại hội VIII năm 1996, Đại hội IX năm 2001 đã tiếp tục khẳng định sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời mở rộng thêm các thành phần của khu vực kinh tế này.
Đáng lưu ý, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) tiếp tục xác định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau đó, tại Đại hội lần thứ X năm 2006 của Đảng, vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đã được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế”. Đặc biệt, Đại hội đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân.

Phát triển tư tưởng tiến bộ trên, tại Đại hội lần Đảng lần thứ XI năm 2011, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và chỉ đạo “hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.  

Tiếp đến, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016, Đảng ta một lần nữa xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020. Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2017, Nghị quyết 10 về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một  động lực  quan  trọng  của  nền  kinh  tế  thị trường  định  hướng XHCN” đã được ban hành. Phát biểu bế mạc tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu “xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”.

Những quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng tiến bộ trên đã “thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới” - PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh khẳng định.

Từng bước đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống

Nghị quyết 10 được Đảng ta ban hành trong bối cảnh kinh tế tư nhân chiếm tới gần 40% GDP của đất nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Minh chứng là, nếu giai đoạn 2003-2010, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân là gần 12%/năm thì đến giai đoạn 2011-2015, tốc độ này giảm xuống chỉ còn 7,5%/năm. 97% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp. Để khắc phục những hạn chế này, điều cần làm hiện nay là từng bước đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Thực hiện trọng trách trên, các Bộ, ngành và nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức Hội nghị học tập và quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), trong đó có Nghị quyết10. Cùng với đó, nhiều hội nghị, hội thảo bàn về kinh tế tư nhân đã được tổ chức, thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, ngành nghề…
Gần nhất là vào cuối tháng 7/2017, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ thứ II với chủ đề: “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5”. Chủ trì phiên toàn thể tại Diễn đàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chìa khóa cho tăng trưởng của Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. Những gì tư nhân làm tốt thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho tư nhân làm” và hiệu triệu “khối kinh tế tư nhân hãy nhổ neo ra khơi mạnh mẽ hơn”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực và sáng kiến khi đưa vấn đề: thuận lợi hoá môi trường kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ trở thành một trong ba chủ đề chính được bàn thảo tại Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng DN nhỏ và vừa APEC năm 2017 diễn ra ở TP.HCM vào tháng 9 vừa qua. Điều này còn cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm những cơ hội thuận lợi để DN nhỏ và vừa của Việt Nam - thành phần quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân - tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Một yếu tố khác góp phần đưa Nghị quyết 10 đi vào cuộc sống chính là những cải cách về thể chế. Không chờ đến khi có Nghị quyết 10, trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm cao khi chọn 2017 là năm giảm chi phí cho DN.
Cùng với đó, Nghị quyết 19-NQ/CP về cải thiện môi trường kinh và nâng cao nâng lực cạnh tranh cũng liên tục được bổ sung trong ba năm 2014, 2015 và 2016; trên 340 khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định đã được rà soát, gỡ bỏ…
Những cải cách này cộng với nhiều việc làm tới đây được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta, tạo thuận lợi cho DN hoạt động và là động lực quan trọng thôi thúc khu vực kinh tế tư nhân phát triển.